Văn hoá dân gian và thách thức hội nhập
Văn hoá dân gian đóng một vai trò quan trọng trong việc lưu giữ và phát huy các các giá trị truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, việc thiếu những chiến lược đúng hướng đang đẩy các giá trị văn hoá dân gian đứng trước nguy cơ mai một, thậm chí là thất truyền.
Nguy cơ mai một
Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và hội nhập kinh tế quốc tế, các các giá trị văn hoá dân gian đang được “làm mới” nhằm thích nghi với xu thế phát triển chung. Đơn cử như các sản phẩm âm nhạc mang âm hưởng dân gian của nhạc sĩ Trí Minh thông qua nhạc điện tử.
Hay ở lĩnh vực điện ảnh với những dự án phim được khai thác và lấy chất liệu văn hoá dân gian như “Tấm Cám - Chuyện chưa kể”, “Trạng Quỳnh”, “Trạng Tí phiêu lưu ký”, “Đoạn trường vinh hoa”... Họa sĩ Lê Mạnh Cương, người sáng lập KEIG Studio và game “Thần tích” khai thác truyền thuyết, cổ tích của Việt Nam như Lạc Long Quân, Âu Cơ hay Sơn Tinh, Thủy Tinh… Ở nhiều lĩnh vực khác như điêu khắc, kiến trúc, thủ công mỹ nghệ, xuất bản, thời trang… dấu ấn văn hóa dân gian cũng ngày càng đậm nét.
Tuy nhiên, nhìn vào mặt bằng chung, văn hoá dân gian đang phải đối mặt với những tác động vô cùng mạnh mẽ. Đặc biệt là nguy cơ mai một văn hoá dân tộc, xuống cấp đạo đức và các giá trị nhân bản của cha ông để lại.
Ở đó, thách thức của nền kinh tế thị trường đối với văn hoá truyền thống đang là một vấn đề nan giải. Do mục đích kinh tế, vì lợi nhuận mà làm biến dạng những di sản truyền thống. Đó là việc khai thác những chi tiết, khía cạnh giật gân, trần tục của văn hoá truyền thống, vốn không phải thực chất là như vậy trong những sinh hoạt của cha ông ngày xưa.
Ví như những bức phù điêu khoả thân, những phong tục mang tính phồn thực, hay những thực hành tín ngưỡng mang tính “mật khẩn” tức là chỉ làm ở chỗ kín và chỉ một số người được tham dự với tính chất nghi lễ như việc chém lợn, đâm trâu… Hoặc những nghi lễ có tính biểu tượng như phát ấn, cho lộc… nhưng được người đời nay coi như là thứ đem lại sự giàu sang, may mắn nên xảy ra mua bán, tranh cướp làm mất đi những giá trị văn hoá của nó. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống bị hiểu sai lệch dẫn đến những thực hành thiếu văn hoá, gây ra những phản cảm trong xã hội hiện đại.
Một thách thức khác đối với văn hoá dân gian là tốc độ đô thị hoá, hiện đại hoá diễn ra như vũ bão ở tất cả mọi nơi. “Tấc đất tấc vàng” nên không gian của đình, đền, chùa, miếu và những di sản khác bị lấn chiếm, thôn tính một cách không thương tiếc. Nhiều di sản vật thể bị phá huỷ kéo theo nó là các di sản phi vật thể cũng bị ảnh hưởng. Thêm nữa, do không có sự quy hoạch trước hoặc có quy hoạch nhưng do lợi ích kinh tế quá lớn nên người ta cố tình phá huỷ các di sản văn hoá.
Khơi gợi nguồn lực trẻ
Tuy nhiên, những khó khăn trên cũng chỉ là một phần mà các giá trị văn hoá nghệ thuật nói chung và văn hoá dân gian đang phải đối mặt. Khó khăn lớn nhất hiện nay đó chính là vấn đề con người, đặc biệt là sự đồng hành của những người trẻ với các giá trị văn hoá truyền thống. Dẫn chứng về thành viên tham gia Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội chia sẻ, hiện nay lớp trẻ không mặn mà với văn hoá dân gian, do đó việc tham gia hội của họ rất ít. Số hội viên lớn tuổi có sự say mê làm việc và có kinh nghiệm, nhưng sức khoẻ lại không cho phép. Phần lớn chỉ làm những công việc tổng kết hay hệ thống lại những tài liệu cũ. Bên cạnh đó, một số hội viên lớn tuổi có sự không tin tưởng các hội viên trẻ nên không ủng hộ việc kết nạp lớp trẻ. Dẫn đến mối quan hệ làm việc của họ có những bất cập.
Cũng theo GS.TS Lý, một thách thức của toàn cầu hoá hiện nay là việc một bộ phận lớn thanh niên muốn chạy theo luồng văn hoá mới từ bên ngoài vào. Do bản lĩnh còn chưa vững vàng nên dễ bị “tiêm nhiễm” và đua đòi, ăn chơi nên bỏ quên, thậm chí coi thường văn hoá dân tộc, làm cho văn hoá dân tộc mất chỗ đứng trong bản thân họ và nguy hiểm hơn là đôi khi họ quay mặt lại với văn hoá truyền thống. Có một vấn đề nữa là trong tâm thức của thế hệ đi trước, theo truyền thống cứ nghĩ rằng “trăng đến rằm trăng tròn” nên cũng có phần chủ quan, không uốn nắn từ lúc còn trẻ, giống như cái cây, đến khi đã lớn nếu uốn không cẩn thận thì gãy. “Đây chính là vai trò của văn hoá gia đình, cộng đồng làng… những bộ phận vô cùng quan trọng của văn hoá dân gian Việt Nam, để đến bây giờ truyền thống bị thách thức” - GS.TS Lê Hồng Lý bày tỏ.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Thị Thanh Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, ngay từ nhỏ, trẻ nhỏ phải được tiếp cận với các sản phẩm văn hóa dân gian như tò he, rối nước... Tuy nhiên, hiện nay ở các chương trình giáo dục cấp tiểu học, phổ thông đều chưa có, chưa quan tâm đến nội dung này. Trẻ biết về văn hóa dân gian chủ yếu do gia đình chủ động cho các con tiếp cận. Ở các cấp học cao hơn, học sinh cần có sự tiếp cận cao hơn nữa, theo nhận thức của các con.
Thực tế cho thấy, để các giá trị văn hoá dân gian tiếp cận và tạo “cầu nối” đến người trẻ đang là thách thức không nhỏ, nhất là với các thế hệ đi trước. Ở đó, rất cần sự tôn trọng và mở rộng “sân chơi” cho những người nghệ sĩ trẻ để họ có điều kiện sáng tạo ra những tác phẩm có chất lượng, gắn kết giữa truyền thống và hiện đại. Tôn trọng nghệ sĩ, tôn trọng tự do sáng tác của họ chính là để họ chọn hướng đi, ý tưởng nghệ thuật được thăng hoa. Nếu có thấy có vẫn đề lệch lạc, bất thường thì nên có sự đối thoại, và dùng nghệ sĩ đối thoại với nghệ sĩ mà không phải dùng biện pháp hành chính để ngăn cấm hay áp đặt họ.