Văn hóa thần tượng: Đặt nhầm niềm tin vào 'idol rởm'
Khi các nền tảng xã hội phát triển, khái niệm “Thần tượng” trong tâm thức của giới trẻ không chỉ còn là những ngôi sao trong làng giải trí hay mà còn mở rộng ra với những cá nhân trong nhiều lĩnh vực khác nhau, thậm chí là những "idol rởm".
Hỗn tạp văn hóa thần tượng trong giới trẻ
Trong cuộc sống, mỗi người đều có những sở thích, đam mê và đích đến khác nhau. Chính vì vậy mà việc tìm cho mình một thần tượng để phấn đấu và học tập là điều diễn ra phổ biến trong giới trẻ ngày nay. Thế nhưng, không phải “thần tượng” nào cũng đáng để học tập. Có một thực trạng đáng buồn đấy là có rất nhiều bạn trẻ Việt Nam hiện nay hâm mộ thần tượng tới mức cuồng dại, bất chấp không phân biệt đúng sai.
Ngày nay, các nền tảng xã hội phát triển, khái niệm về “Thần tượng” trong tâm thức của giới trẻ không chỉ còn là những ngôi sao trong làng giải trí, như: diễn viên, ca sĩ… hay trong các lĩnh vực như: y tế, khoa học, chính trị, thể thao… mà còn mở rộng đến những cá nhân không hề có chút tài năng, đóng góp gì cho xã hội, từ đó để lại nhiều suy nghĩ sai trái, lệch lạc dẫn tới suy nghĩ và hành động không đúng chuẩn mực ở những người trẻ.
Bên cạnh những suy nghĩ đúng đắn thì vẫn tồn tại nhiều suy nghĩ lệch lạc, hành động “cuồng” gây quá khích. “Cuồng thần tượng” mang đến nỗi lo sợ về “hiệu ứng cánh bướm”. Một mặt, hành động sẽ tốt khi thần tượng là người tốt. Những hành động tốt sẽ được người hâm mộ khắp nơi hưởng ứng, lan truyền và học tập. Mặt khác, nó sẽ là con dao 2 lưỡi nếu những hành động tiêu cực của thần tượng tác động ngược trở lại nhận thức, suy nghĩ của người hâm mộ.
Một thời, giới trẻ đổ xô theo “Khá Bảnh” - một hiện tượng mạng nổi lên nhờ những clip ăn chơi sa đọa, những điệu nhảy với cái tên khá lạ “múa quạt” trên Youtube. Hay như hiện tượng “Huấn Hoa Hồng”- thường được cộng đồng mạng gọi là “Giang hồ mạng”, nổi tiếng với những đoạn video, clip có nội dung khoe tiền, khoe vàng đeo trĩu cổ, cuộc sống xa hoa, chửi thề, dọa đánh người, đòi nợ thuê. Những hiện tượng này sau đó bị công an bắt vì tội danh tổ chức đánh bạc hoặc nghiện hút.
Đáng tiếc giới trẻ chưa đủ nhận thức phân biệt đúng sai, tốt xấu nên một số bộ phận người trẻ vẫn bất chấp đi ngược chiều dư luận bênh vực thần tượng “dỏm” của mình. Họ cho rằng thần tượng luôn đúng trong bất kỳ trường hợp nào và những hành động vi phạm pháp luật, đi ngược thuần phong mỹ tục không hề sai. Chính những suy nghĩ sai lệch này đã dẫn đến những hành vi lệch lạc không chỉ về đạo đức, văn hóa mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc về sau.
Trên một vài trang mạng xã hội, không khó để chúng ta bắt gặp, một số fans lên tiếng bênh vực hành động sai trái của thần tượng. Gần đây nhất là bê bối và lùm xùm của nam diễn viên Ngô Diệc Phàm (một nam diễn viên nổi tiếng tại Trung Quốc có số lượng người hâm mộ đông đảo tại Việt Nam) xảy ra khiến cho diễn viên này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhiều fan cuồng đã công kích thậm tệ các cơ quan báo đài, thậm chí còn biểu tình đòi phải thả người hay nhận đi tù thay thần tượng.
Một trường hợp khác là ca sĩ trẻ Jack, sau những bê bối không nhận con của anh, cách hành xử vi phạm đạo đức nghiêm trọng, nam ca sĩ vẫn nhận được rất nhiều sự bênh vực vượt quá giới hạn từ những fans cuồng.
Bạn Doãn Thùy Trang (20 tuổi, TPHCM) cho rằng, ngày càng có nhiều bạn trẻ học theo những hành động tiêu cực từ thần tượng, nhiều thành phần làm quá so với sự việc. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong số ít, còn riêng đối với cộng đồng thần tượng những người nổi tiếng thông thường xảy ra nhiều suy nghĩ đối lập.
Thùy Trang cho rằng, đối với nhóm thần tượng nhóm nhạc Exo mà Trang đang tham gia thì không xảy ra tình trạng học theo những điều xấu. Bởi phần đa thành viên trong nhóm đều là những người trưởng thành.
Theo Thùy Trang, thần tượng không có gì sai, tuy nhiên cần biết giới hạn. Thần tượng nhưng xin đừng quan tâm quá sâu vào vấn đề riêng tư của idol ví dụ như việc idol yêu đương hẹn hò có con hay kết hôn. Tất nhiên nếu idol họ có những việc xấu hay bê bối lớn, fan họ có quyền bênh vực song không nên quá khích, dẫn đến những hành động sai trái.
“Đối với riêng bản thân mình và là đại diện cho một thế hệ trẻ, tôi sẵn sàng từ bỏ idol khi thần tượng có những hành động sai trái, không phù hợp với những người trẻ”, Thùy Trang khẳng định.
Còn theo Nguyễn Hoàng (22 tuổi, Hà Nội) lại cho rằng, văn hóa “thần tượng” đã xuất hiện nhiều năm gần đây và dần trở thành trào lưu gây sốt. Hiện tượng này diễn ra nhiều nhất ở giới trẻ. Họ ngưỡng mộ, yêu thích những ca sĩ theo đúng hình mẫu lý tưởng, phong cách trình diễn lôi cuốn, hấp dẫn và hiện đại. Từ góc độ tâm lí học, “Thần tượng” ai đó trong lĩnh vực nghệ thuật là một điều cần thiết cho sự phát triển của con , nhưng ở một mặt khác, có rất nhiều người cuồng thần tượng đến mức mê muội, mù quáng. Rất nhiều bạn trẻ còn coi đó là lẽ sống, quên ăn, quên ngủ, quên học, thậm chí “bơ” rất nhiều chuyện, nhưng chính bản thân họ lại không nhận ra điều đó. Thần tượng không đúng cách sẽ gây ra rất nhiều hậu quả khó lường.
“Vì vậy khi những nhân vật, hành động mang tính bạo lực hoặc nhảm nhí không có tính chất giáo dục sẽ trở thành xu hướng sẽ dẫn đến nguy cơ bùng phát trên đường phố, các trật tự, các chuẩn mực của văn hóa, đạo đức, văn hóa ứng xử, văn hóa lối sống cũng sẽ bị kéo theo”, TS Hồng Minh lý giải.
Cần sự đồng bộ, thống nhất từ các cơ quan đầu ngành
Điều đầu tiên chúng ta cần làm, đó là thần tượng đúng người. Đúng người là khi chúng ta sẽ có mục tiêu phấn đấu, lấy thần tượng làm đích đến để chăm chỉ làm việc, nâng cao hiểu biết và kĩ năng, lấy đó làm động lực thúc đẩy chúng ta hoàn thiện bản thân. Ngoài ra, chúng ta còn phải biết cách chọn lọc thông tin ở các nguồn khác nhau, không đọc những tin tức bịa đặt, sai sự thật.
Theo anh Nguyễn Hoàng Chiến (26 tuổi, Hà Nội) đưa ra quan niệm để tránh được những tác động tiêu cực từ thần tượng xấu, trước hết cần tăng cường sự kết hợp giáo dục giữa gia đình nhà trường và xã hội. Các tác động tiêu cực từ thần tượng xấu chủ yếu xảy ra ở trẻ vị thành niên đang ở độ tuổi trưởng thành, lứa tuổi đang có những thay đổi bất thường về cả tâm sinh lý.
Do vậy, cần đề cao vai trò của gia đình và xã hội trong việc quản lý, định hướng những nội dung lan truyền trên mạng xã hội. Không những vậy, cộng đồng cũng cần lên án, tẩy chay những clip, nội dung nhảm nhí, độc hại xuất hiện trên mạng. Các nhà quản lý, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, xử lí những nội dung này để tránh gây ảnh hưởng đến giới trẻ.
Muốn định hướng văn hóa thần tượng phải cần sự thống nhất từ cơ quan đầu ngành nhà nước. Đây cũng chính là quan điểm của các chuyên gia xã hội học khi bàn về văn hóa thần tượng ở giới trẻ ngày nay.
Theo TS. Lưu Hồng Minh, mỗi người đều có quyền yêu, thích, biểu lộ tình cảm của mình với một cá nhân bất kỳ phụ thuộc vào sở thích và nhu cầu. Tuy nhiên, những năm gần đây, xuất hiện nhiều biến chứng từ việc học đòi theo thần tượng dẫn đến hành động lệch lạc, không hay trong đời sống, xã hội.
Đưa ra một vài quan niệm nhằm định hướng văn hóa thần tượng trong giới trẻ ngày nay, TS Lưu Hồng Minh cho rằng, muốn chấn chỉnh tình trạng này thực tế rất khó. Bởi, thực tế nếu chỉ giáo dục thì chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định (đối với tuổi vị thành niên) còn những người đã trưởng thành đã có nhận thức thì rất khó để thay đổi
“Chính vì vậy, muốn định hướng văn hóa thần tượng cần sự đồng bộ của các ban, ngành. Phải là một hệ thống giáo dục, truyền thông của nhà nước định hướng cụ thể theo thời kỳ, chiến lược. Có như vậy, những suy nghĩ lệch lạc ở giới trẻ mới hạn chế trong xã hội 4.0 – xã hội công nghệ thông tin bùng nổ”, TS Hồng Minh nhìn nhận.