Tàu thăm dò NASA ‘chạm’ đến Mặt Trời, phát hiện bầu khí quyển bí ẩn
Một con tàu thăm dò vũ trụ của NASA đã chính thức tiếp cận đến bề mặt của Mặt trời, bay xuyên qua bầu khí quyển chưa từng được khám phá - “quầng sáng Mặt Trời” (corona).
Thông tin trên được các nhà khoa học công bố hôm 15/12 trong cuộc họp của Hiệp hội Địa vật lý Mỹ (AGU). Theo đó, tàu vũ trụ Parker Solar Probe đã bay xuyên qua quầng sáng vào tháng 4 trong lần thứ tám tiếp cận mặt trời.
Các nhà khoa học cho biết lần đầu tiên tàu vượt qua quầng sáng và tiến tới cách tâm mặt trời khoảng 13 triệu km, tàu đã di chuyển vào và ra khỏi quầng sáng mặt trời ít nhất ba lần và quá trình di chuyển này rất dễ dàng.
Tuy nhiên, các nhà khoa học nói rằng, phải mất vài tháng để dữ liệu từ tàu gửi về trái đất và mất thêm vài tháng nữa để xác nhận kết quả. Do khoảng cách đến trái đất là rất xa nên phải mất vài tháng dữ liệu mới được truyền về để xác nhận.
Quầng sáng hay quang hoa là vùng nằm giữa khí quyển và những luồng gió ở bên ngoài “quả cầu lửa khổng lồ".
Các chuyến xâm nhập tiếp theo của phi thuyền Parker sẽ giúp các nhà khoa học hiểu thêm về nguồn gốc của gió mặt trời và bằng cách nào nó được làm nóng và bay vào vũ trụ.
Theo nhà khoa học Nour Raouafi của ĐH Johns Hopkins (Mỹ), quầng sáng Mặt Trời có vẻ bụi mờ hơn những gì các nhà khoa học dự đoán. Ông cho biết các cuộc thám hiểm vũ trụ trong tương lai sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về nguồn gốc của gió mặt trời và cách nó được đốt nóng và mở rộng ngoài không gian.
Con tàu Parker này đã được phóng vào vũ trụ năm 2018. Tàu sẽ tiếp tục tiến gần hơn tới mặt trời cho đến khi nó kết thúc sứ mệnh vào năm 2025.