Nhiệm vụ kép
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGT), từ ngày 15/12/2021 đến hết ngày 14/2/2022, lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước sẽ tổ chức đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT, trên cơ sở bảo đảm tuân thủ tuyệt đối các quy định phòng dịch Covid-19 đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ và người tham gia giao thông.
Năm nào cũng vậy, thời điểm này các hoạt động giao thông tấp nập hơn nhiều bởi “năm hết Tết đến”. Đó là các hoạt động vận chuyển hàng hóa từ nơi này đến nơi khác. Người dân ra đường mua sắm, thăm thú. Và cũng là cao điểm “Xuân vận” - vận tải mùa Xuân với rất nhiều người về quê ăn Tết.
Đợt cao điểm sẽ tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm thường xảy ra trong dịp cuối năm và lễ, Tết như: Lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, sử dụng ma tuý, vi phạm quy định tốc độ; chở quá tải trọng, quá số người quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; bảo đảm an toàn trong hoạt động hàng không, đường sắt, tại bến khách ngang sông, bến tàu chở khách, trên các tuyến, luồng đường thủy và hoạt động vận tải ven biển...
Nhưng năm nay, việc bảo đảm ATGT khác với các năm trước, khi mà giãn cách xã hội đã được nới lỏng, cả nước thực hiện chủ trương mở cửa thích ứng an toàn, linh hoạt trong chống dịch Covid-19 (kể từ đầu tháng 10). Như vậy, việc đi lại tấp nập cũng là điều dễ hiểu, nhất là dịp trước và sau Tết Nguyên đán. Sống chung với Covid-19, không chỉ các nhà máy, xí nghiệp hoạt động sôi nổi mà các tuyến đường cũng nhộn nhịp. Vì thế việc cảnh báo cũng như siết các biện pháp để bảo đảm ATGT là điều rất cần thiết.
Đáng chú ý, khi mà dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, với số ca mắc mới vẫn tăng, trong đó số ca F0 ngoài cộng đồng vẫn rất lớn, số người phải nhập viện điều trị và số người tử vong do Covid-19 vẫn nhiều; thì việc phòng, chống dịch khi tham gia giao thông cũng gặp khó khăn khi mà mật độ đi lại trên đường sẽ rất đông. Kiểm soát thế nào, truy vết, xét nghiệm ra sao và điều trị thế nào là điều không đơn giản.
Vì thế, có thể khẳng định đây không chỉ là nỗi lo, trách nhiệm của Ủy ban An toàn giao thông, Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông mà cũng là nỗi lo, trách nhiệm của ngành Y tế từ Trung ương cho tới làng xã, thôn xóm. Vì thế, kế hoạch phối hợp công tác cần phải được đặt ra sớm, để không gián đoạn giao thông, giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông và chủ động kiểm soát nguồn dịch lây lan ra cộng đồng.
Cũng cần thêm một lần cảnh báo đó là sự xuất hiện của biến thể mới Omicron. Tại thời điểm này, Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm Omicron, nhưng nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang phải gồng mình chống trả. Biến thể Delta trong suốt năm qua đã gây bao khó khăn, tổn thất cho thế giới và cả với Việt Nam ta. Nay lại có thêm biến thể Omicron, cũng có nghĩa là cùng một lúc phải đối phó với hai loại virus gây bệnh Covid-19, khó khăn sẽ lớn hơn rất nhiều.
Trở lại với tình hình giao thông trong những tháng cao điểm, cùng với việc tuyệt đối chấp hành “đã uống rượu bia thì không lái xe”; không phóng nhanh, vượt ẩu; không chở quá số người quy định; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy... thì việc tuân thủ nguyên tắc 5K - nhất là luôn đeo khẩu trang khi tham gia giao thông là rất cần thiết.
Đây sẽ là thời điểm áp lực lớn về giao thông cũng như phòng, chống dịch Covid-19. Có thể coi đó là “nhiệm vụ kép”, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, như vậy vẫn là chưa đủ nếu bản thân người tham gia giao thông không tuân thủ triệt để những quy định về giao thông và y tế. Vì vậy, để bảo đảm ATGT cũng như không để bùng phát các ổ dịch mới, thì việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ cùng với nâng mức phạt đối với người vi phạm là rất cần thiết. Thực tế cho thấy, việc xử phạt nghiêm với người vi phạm khi tham gia giao thông, xử phạt nghiêm đối với người vi phạm quy định y tế trong phòng, chống dịch sẽ điều chỉnh được hành vi cũng như hình thành ý thức tự giác, khi mà các biện pháp tuyên truyền, giáo dục đôi khi đã “nhờn thuốc”.