Điều trị F0 tại nhà: Ý thức vẫn là vaccine quan trọng nhất
Một tuần trở lại đây, số ca F0 tại Hà Nội đang có chiều hướng tăng nhanh, số ca bệnh mức độ trung bình, nặng/nguy kịch, phải thở ô xy, thở máy không xâm lấn hay có xâm lấn đều tăng so với trung bình 7 ngày trước. Hiện việc điều trị F0 tại nhà đã được thành phố kích hoạt tại 30 quận, huyện, thị xã...
Dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, với số ca mắc mới và số tử vong có xu hướng tăng lên trên địa bàn cả nước. Thành phố Hà Nội cũng không là ngoại lệ. Để ứng phó linh hoạt với tình hình nói trên, các biện pháp phòng, chống dịch như cách ly điều trị F0 tại nhà đã được thành phố kích hoạt.
Sẵn sàng các kịch bản ứng phó
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận hơn 20.000 ca bệnh, trong đó có hơn 7.500 ca cộng đồng và 12.000 đã được cách ly. Trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP từ 11/10 đến nay, toàn thành phố ghi nhận hơn 16.000 ca mắc (trung bình 240,74 ca/ngày), trong đó hơn 6.000 ngoài cộng đồng.
Gần nhất, trong vòng 1 tuần trở lại đây, số ca F0 tại Hà Nội đang có chiều hướng tăng nhanh, số ca bệnh mức độ trung bình, nặng/nguy kịch, phải thở ô xy, thở máy không xâm lấn hay có xâm lấn đều tăng so với trung bình 7 ngày trước.
Đáng lo ngại, nhiều chuyên gia dự báo dịch bệnh tại Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp khi dịp lễ Noel và Tết Dương lịch 2022 đang tới gần, bên cạnh đó là tâm lý chủ quan còn phổ biến. Tình trạng tụ tập đông người, không thực hiện “5K” trong tổ chức lễ, đám, ăn uống ở hàng, quán... diễn ra nhiều nơi.
Trước tình hình nói trên, ông Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch bệnh ở mức độ cao hơn, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
“Trực tiếp Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải lãnh đạo, chỉ đạo việc xác định cấp độ dịch và biện pháp tương ứng; nâng cao năng lực hệ thống y tế, thành lập mới các trạm y tế lưu động; tổ chức quản lý điều trị F0, cách ly F1 tại nhà đối với tất cả các phường, xã, thị trấn; tăng cường kiểm tra, giám sát từ cơ sở” - ông Dũng yêu cầu.
Hơn 500 F0 đang điều trị tại nhà
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, ở thời điểm hiện tại, thành phố đang điều trị cho gần 10.000 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 3.340 người đang cách ly, điều trị tại trạm y tế lưu động và tại nhà. Số còn lại điều trị tại cơ sở thu dung điều trị Covid-19 và các bệnh viện của Hà Nội và Trung ương trên địa bàn.
Cụ thể có 2.800 người điều trị tại trạm y tế lưu động và 540 người điều trị tại nhà. Các quận, huyện tiếp nhận nhiều F0 điều trị tại trạm y tế lưu động là Chương Mỹ với 330 ca, Hoàng Mai 279 ca, Bắc Từ Liêm 189 ca, Thanh Xuân 170 ca, Hà Đông 147 ca, Hoài Đức 138 ca…
Theo ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, việc quản lý, theo dõi F0 không triệu chứng tại nhà đang được triển khai trên 30 quận, huyện, thị xã của thành phố. Khi người dân được điều trị tại nhà, toàn bộ sức khỏe của F0 sẽ được theo dõi trên phần mềm công nghệ thông tin, cán bộ y tế tiếp cận qua hệ thống công nghệ thông tin để tư vấn và có những kê đơn điều trị cho bệnh nhân kịp thời nhất.
Ngoài ra, để giảm tải y tế cơ sở, mỗi phường cũng thành lập tổ hỗ trợ chăm sóc người nhiễm SARS- CoV-2 tại nhà. Các thành viên trong tổ gồm chính quyền địa phương, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, tổ Covid cộng đồng và học sinh, sinh viên.
Song song với việc thành lập các trạm y tế lưu động, Sở Y tế Hà Nội cũng tiến hành khảo sát, đánh giá các hộ gia đình có đủ điều trị để có thể tổ chức theo dõi F0 điều trị tại nhà. Đến nay, đã khảo sát được 2,1 triệu hộ gia đình, trong đó có gần 900.000 hộ gia đình có đủ điều kiện để có thể theo dõi F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà.
Vì sức khỏe cộng đồng là trên hết
Ghi nhận tại Trạm Y tế lưu động số 1 huyện Hoài Đức (tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội), BS Lê Thị Xiêm, Đội phó phụ trách chuyên môn của Trạm cho biết: Trạm có quy mô 300 giường bệnh, chính thức kích hoạt từ ngày 23/11/2021. Hiện nhân lực y tế tại chỗ có 2 bác sĩ và 3 điều dưỡng từ Trung tâm Y tế Hoài Đức cử xuống, bên cạnh đó còn có lực lượng quân đội, công an hỗ trợ…
Theo BS Lê Thị Xiêm, trong bối cảnh dịch diễn biến như hiện nay, đa số các trường hợp F0 đã được tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 đủ 2 mũi, mức độ nhẹ, không triệu chứng; nên việc thu dung điều trị ở tuyến cơ sở dự kiến sẽ rất nhiều, các nhân viên y tế cũng đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để ứng phó.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, BSCKII Trần Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức cho hay: Là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện điều trị F0 tại nhà trên địa bàn Hà Nội, hiện nay huyện Hoài Đức đang có 120 F0 điều trị tại nhà, với 20 trạm y tế lưu động.
Tất cả mọi hoạt động có liên quan đều được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, như nhân lực, vật lực y tế, các biện pháp theo dõi, hỗ trợ người dân mắc Covid-19 được điều trị tại nhà.
BS Tuấn cũng tự tin cho biết, đến nay không hề có khó khăn, vất vả gì đối với lực lượng y tế khi tổ chức cách ly, điều trị F0 tại nhà.
“Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại thành phố Hà Nội đến nay, anh em chúng tôi luôn thống nhất cao về tinh thần trách nhiệm và nỗ lực cống hiến vì sức khỏe người dân. Dù là tại các khu cách ly tập trung, hay khi theo dõi, chăm sóc điều trị F0 tại nhà thông qua các trạm y tế lưu động thì mọi nhân viên y tế đều hết mình, vui vẻ nhận nhiệm vụ.
Thực tiễn cho thấy, nếu đảm bảo được sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền cơ sở, nhân viên y tế và người dân, đồng thời đảm bảo tuyên truyền, hướng dẫn người dân về thực hiện các biện pháp đảm bảo không lây lan dịch thì công tác điều trị F0 tại nhà hoàn toàn có thể thực hiện tốt” - BS Tuấn nói.
Quan điểm cần tuyên truyền mạnh mẽ để nâng cao ý thức của người dân khi được điều trị tại nhà cũng được bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.
Theo bà Hà, việc quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 nhẹ không triệu chứng tại nhà rất cần sự giám sát của chính quyền địa phương để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Bên cạnh đó, cần phải tuyên truyền mạnh mẽ, đề nghị người dân nâng cao ý thức khi được điều trị tại nhà.
BS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Lưu ý chế độ dinh dưỡng cho F0 điều trị tại nhà
Những người bị mắc Covid-19, một phần do yếu tố tinh thần, một phần do dấu hiệu của bệnh mà các F0 thường mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon. Vì vậy F0 cần ăn nhiều bữa trong ngày, khoảng 5 bữa/ngày, không ăn quá no vì có thể gây khó thở (dễ nhầm lẫn với diễn biến của bệnh). Các món ăn chế biến ở dạng mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để dễ tiêu hóa và hấp thu.
Nên ăn các món luộc, hấp, nấu thay thế các món ăn chiên, rán, nướng vì khó tiêu hóa; Thay đổi món ăn thường xuyên, tránh đơn điệu để bữa ăn sẽ ngon hơn. Tăng cường bổ sung sữa và các sản phẩm của sữa 2 cốc/ngày, đặc biệt là sữa năng lượng cao. Nếu ăn kém, kém tiêu hóa thì cần bổ sung thêm probiotic mỗi ngày 2 lần, đồng thời bổ sung viên đa vitamin - khoáng chất cho người lớn, hay các dạng siro/cốm đa vitamin - khoáng chất cho trẻ em giúp người bệnh có cảm giác đói, thèm ăn, ăn ngon hơn, giúp cơ thể mau bình phục hơn.
Ngoài việc đảm bảo nhu cầu nước hàng ngày, thì một số ít người F0 có thể diễn biến ho, sốt, viêm phổi,… dẫn đến bị mất nước và một số chất điện giải như natri, kali,… Vì thế cần tăng cường bổ sung nước để bù lại lượng nước đã mất giúp cho cơ thể mau phục hồi là rất cần thiết. Việc lựa chọn nước uống để bổ sung thêm là các loại nước như oresol, nước dừa, sinh tố hoa quả chanh, nước cam, nước bưởi ép, nước xoài, rau má,… ngoài cung cấp nước, chúng còn cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với sức khỏe, với môi trường, các hoạt động thể lực như chạy, nhảy dây, chống đẩy, tập thở,…thời gian khoảng 45-60 phút/ngày, 2 lần/ngày.
GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Viện Tâm lý Việt Pháp: Đảm bảo tinh thần cho F0 điều trị tại nhà
Người mắc Covid-19 có thể gặp các tình trạng căng thẳng tinh thần như sợ hãi và lo lắng về sức khỏe của bản thân và người thân.
Để giúp giảm căng thẳng tinh thần của F0 điều trị tại nhà, một trong những giải pháp đầu tiên được Tổ Chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra là các F0 không nên xem, đọc hoặc nghe quá nhiều những câu chuyện tin tức về dịch Covid-19, nhất là trên các mạng xã hội Zalo, Facebook, YouTube, TikTok...
Bởi những thông tin về dịch bệnh trên mạng xã hội có thể làm trầm trọng hơn sự lo lắng, sợ hãi, căng thẳng của F0, nhất là những thông tin về tử vong, các lo lắng dịch bệnh bùng phát... Đó là chưa kể đến những thông tin rác thiếu chính xác trên mạng xã hội, làm thổi phồng nỗi sợ hãi về dịch bệnh, khiến các F0 càng thêm căng thẳng.
Bộ Y tế đã có khuyến cáo các F0 ở nhà nên lưu tâm chăm sóc cơ thể và sức khỏe tinh thần của bản thân như: Hít thở sâu hoặc thực hành thiền; cố gắng ăn uống lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng; tập thể dục thường xuyên, vừa sức, không thức khuya. Đồng thời tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá, các loại thức ăn nước uống có chất kích thích.
F0 nên dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn. Cố gắng thực hiện một vài hoạt động mà bản thân yêu thích như đọc sách, vẽ, xem phim, nghe nhạc, làm mô hình, nấu ăn (nếu có thể)... Rèn luyện sức khỏe, tập thể dục, ăn uống lành mạnh, chọn lựa thông tin, tăng hoạt động có ích… để có tâm lý tốt, tăng sức đề kháng với bệnh.
Đức Trân (ghi)