Xét xử vụ án gây thất thoát tại SAGRI: ‘Không thể nói là không thiệt hại’
Sau 2 phiên tranh luận “nảy lửa” về thiệt hại của vụ án (672 tỷ đồng), đại diện Viện Kiểm sát (VKS) đã nêu quan điểm bác bỏ các quan điểm bào chữa của luật sư và tự bào chữa của các bị cáo, cho rằng có sự nhầm lẫn trong lập luận về quá trình xác định thiệt hại với quá trình khắc phụ hậu quả của vụ án.
Ngày 15/12, TAND TP HCM tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm trong chuyển nhượng dự án công giữa Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) và Tổng Công ty Phong Phú, có liên quan trực tiếp đến ông Trần Vĩnh Tuyến, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM cùng 18 đồng phạm.
Tại tòa, đại diện VKS nêu quan điểm đối đáp với ý kiến bào chữa của các luật sư và phần tự bào chữa của các bị cáo trong 2 phiên tranh luận trước đó. Vấn đề “nóng” nhất được đại diện VKS đề cập đầu tiên là về thiệt hại của vụ án.
Cụ thể, đại diện VKS khẳng định quá trình giữ chức Tổng Giám đốc SAGRI, ông Lê Tấn Hùng dù biết không đủ điều kiện để chuyển nhượng Dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B (quận 9 cũ, nay là TP Thủ Đức) nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới hoàn thành thủ tục, hồ sơ. Sau đó, ông Hùng trực tiếp ký văn bản đề nghị UBND TP HCM chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ dự án này cho Tổng Công ty Phong Phú, đã gây thiệt hại hơn 672 tỷ đồng của nhà nước.
Cơ sở xác định giá trị thiệt hại là 672 tỷ đồng là căn cứ dựa trên giá trị chuyển nhượng. Trong đó, Hội đồng định giá tố tụng hình sự Trung ương xác định giá trị tại thời điểm phát hiện, xử lý vụ án đã là hơn 500 tỷ đồng. Để xác định thiệt hại, cơ quan chức năng áp dụng tại thời điểm ngăn chặn, khởi tố đã là có lợi cho các bị cáo. Nếu áp dụng vào lúc thu hồi được thì giá trị đất là khác và thiệt hại của vụ án còn kéo dài.
Về ý kiến của nhiều luật sư đề nghị xem lại con số thiệt hại của vụ án, với nhiều dẫn chứng được chỉ ra, đại diện VKS cho rằng chưa có cơ sở xem xét. Lý do các bị cáo và luật sư có sự nhầm lẫn giữa việc xác định thiệt hại và thiệt hại đã được khắc phục. Trong đó, không thể nói trả lại tài sản là không thiệt hại. Đồng thời, thiệt hại xác định theo cáo buộc là đã có lợi cho các bị cáo, chứ thiệt hại còn kéo dài.
Ngoài ra, đại diện VKS cũng bác bỏ đề nghị xin gỡ bỏ tội danh “tham ô tài sản” của ông Lê Tấn Hùng khi cho rằng có đầy đủ chứng cứ và cơ sở lời khai xác định việc cáo buộc tội danh này đối với ông Hùng là đúng người, đúng tội.
Trong phần đối đáp, đại diện VKS cũng phân tích về hành vi ký khống 10 hợp đồng của ông Hùng cho các nhân viên, thuộc cấp đi học tập ở nước ngoài. Kết quả điều tra xác định, việc lợi dụng chức vụ để ký các hợp đồng sai quy định này đã giúp ông Hùng chiếm đoạt số tiền 13,3 tỷ đồng của SAGRI. Từ đó, đại diện VKS khẳng định có cơ sở truy tố ông Hùng và nhóm bị cáo thuộc cấp về tội “tham ô tài sản”.
Về sai phạm của ông Trần Vĩnh Tuyến trong vụ án, VKS khẳng định bị cáo cố ý và biết sai vẫn làm. Về việc ông Tuyến khai tại tòa do nể nang mà phạm tội, VKS cho rằng cơ quan điều tra không yêu cầu khai nhưng trong quá trình lấy lời khai có một số bị cáo đều khai do nể nang ông Lê Thanh Hải (nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM - anh trai của bị cáo Lê Tấn Hùng).
Trước đó, VKS cũng đưa ra các mức án đề nghị với từng bị cáo, trong đó ông Lê Tấn Hùng bị cáo buộc giữ vai trò cầm đầu vụ án, bị đề nghị mức án từ 26-30 năm tù giam về 2 tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí” và “tham ô tài sản”. Các ông Trần Vĩnh Tuyến và Trần Trọng Tuấn cùng bị đề nghị 7-8 năm tù về cùng tội danh “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí”.