Chống nạn hoá đơn giả
Theo quy định, đến ngày 30/6/2022, 100% doanh nghiệp trên toàn quốc áp dụng hóa đơn điện tử. Đây được cho là một bước tiến quan trọng trong công tác hiện đại hóa quản lý thuế. Giới chuyên gia cũng khẳng định sử dụng hóa đơn điện tử rất thuận lợi và nhanh chóng, đặc biệt là chống được nạn hóa đơn giả…
Thuận lợi và nhanh chóng
Theo thống kê, đầu tháng 12/2021, đã có trên 59.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký sử dụng HĐĐT; trên 140.000 hóa đơn có mã; trên 3.400 hóa đơn không mã.
Một số địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng có tỷ lệ doanh nghiệp (DN) đăng ký sử dụng HĐĐT đạt tiến độ cao (Quảng Ninh đạt 64,1%, Hải Phòng đạt 36,8%). Từ tháng 7/2022, HĐĐT bắt buộc áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Ông Lại Khánh Hưng, Giám đốc Công ty TNHH XNK Dương Phong (Lạng Sơn) cho biết, công ty đã chính thức chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT từ đầu tháng 3/2021 dưới sự hỗ trợ, tư vấn của cơ quan thuế địa phương. Từ đó đến nay, DN đã hoàn toàn chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy.
Theo ông Hưng, việc sử dụng HĐĐT rất thuận tiện đối với một DN làm dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa. Sau khi mở tờ khai với cơ quan hải quan, công ty ngay lập tức có HĐĐT cùng với đó là giấy đi đường. Việc này tạo thuận lợi cho việc di chuyển, lưu thông hàng hoá.
Theo nhìn nhận chung, hệ thống HĐĐT là một giải pháp, một bước tiến quan trọng trong hiện đại hóa quản lý thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố, quốc gia và hướng tới chính phủ số.
Ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cũng cho rằng, HĐĐT giúp tăng hiệu quả phân tích, thống kê vào quản lý tài chính, kế toán và kê khai nộp thuế tại DN cũng như giảm sai sót, công ty đã tư vấn cho hàng trăm khách hàng chuyển sang áp dụng HĐĐT.
Giới chuyên gia cũng khẳng định sử dụng HĐĐT rất thuận lợi và nhanh chóng trong quá trình thực hiện nộp và hoàn thuế. Đối với cơ quan quản lý nhà nước cũng thuận lợi trong kiểm tra, kiểm soát, giảm chi phí. Đồng thời, khi phát hành hóa đơn điện tử cũng chống được nạn hóa đơn giả và chống hoàn thuế không đúng đối tượng, hay nói cách khác là chống trục lợi thuế.
Ngăn chặn gian lận thuế
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Tô Hà Dũng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm, dùng HĐĐT góp phần ngăn chặn kịp thời các DN bỏ trốn, mất tích; góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế. Ngoài ra, với xã hội, HĐĐT góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức, cải cách thủ tục hành chính... Đặc biệt, sử dụng HĐĐT tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ: Sau khi nhận HĐĐT, người mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của Cơ quan thuế để biết chính xác thông tin người bán cung cấp cho người mua.
Đối với cơ quan thuế và các cơ quan nhà nước có liên quan, việc sử dụng HĐĐT giúp xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, kết hợp với các thông tin quản lý thuế khác để xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về người nộp đáp ứng yêu cầu phân tích thông tin phục vụ điều hành, dự báo, hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ luật về thuế và quản lý rủi ro trong quản lý thuế.
Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế phân tích, trước đây, HĐĐT theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC là loại HĐĐT do DN tự khởi tạo và phát hành, không theo định dạng của cơ quan Thuế (định dạng HĐĐT do các tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT tự phát triển); DN không phải gửi dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế.
Còn hiện nay, HĐĐT theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Thông tư số 78/2021/TT-BTC gồm 2 loại là HĐĐT có mã của cơ quan Thuế và HĐĐT không có mã của cơ quan thuế. Khi sử dụng HĐĐT không có mã của cơ quan Thuế thì cơ sở kinh doanh (người bán hàng) phải chuyển dữ liệu hóa đơn cho cơ quan Thuế. Tùy vào đặc điểm cơ sở kinh doanh mà có hai hình thức chuyển dữ liệu hóa đơn. Thứ nhất là chuyển theo bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn cùng Tờ khai thuế giá trị gia tăng. Thứ hai là chuyển ngay dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế… Khi sử dụng HĐĐT, cơ sở kinh doanh chỉ làm thủ tục đăng ký sử dụng hóa đơn tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử, không phải làm các thủ tục khác.
Ông Huy cũng nhấn mạnh, việc chuyển dữ liệu HĐĐT tạo ra hệ thống cơ sở dữ liệu hóa đơn phục vụ công tác quản lý thuế, quản lý khác của Nhà nước và cho người nộp thuế. Việc này cũng sẽ giúp kê khai thuế, quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng thuận tiện, nhanh chóng, hơn nữa cũng tạo thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật; kiểm tra tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường; các tổ chức tín dụng sử dụng thông tin HĐĐT để thực hiện các thủ tục về thuế, thủ tục thanh toán qua ngân hàng.