Người nuôi tôm ở Bạc Liêu lao đao
Hiện nay, nhiều người nuôi tôm ở tỉnh Bạc Liêu không chỉ lao đao vì giá tôm nguyên liệu bấp bênh, mà còn bị ảnh hưởng bởi nguồn nước ô nhiễm khiến tôm chết hàng loạt.
Anh Lê Thanh Tiện ở ấp 16, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình cho biết, trong nhiều vụ nuôi liên tiếp anh thả 4 ao nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp với diện tích 1ha. Thế nhưng, do ảnh hưởng của nắng hạn, dịch bệnh khiến cả 4 ao tôm chết trắng, điều chưa từng xảy ra. Chỉ tính riêng từ đầu năm tới giờ, anh đã đầu tư trên 500 triệu đồng nhưng chẳng thu lại được gì, không thể cầm cự đành “treo ao”.
Chỉ tay về phía những ao vèo được đầu tư với số tiền hàng chục triệu đồng nằm trơ đáy, máy móc thiết bị ngổn ngang anh Tiện không giấu được nỗi buồn cho biết thêm: Những đầm tôm mang theo cả kỳ vọng của vợ chồng tôi tan thành bọt, lâm vào cảnh nợ nần.
Ông Nguyễn Văn Khải, ấp 16 cũng ở xã Vĩnh Hậu A cho biết: Hiện nay, giá thức ăn, thuốc thủy sản tăng chóng mặt vài chục phần trăm khiến chi phí đầu vào tăng cao trong khi đó do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 giá tôm lại giảm sâu khiến người nuôi đứng ngồi không yên.
Nhiều hộ đầu tư trang thiết bị đã đầu tư trước đó không sử dụng cũng hư hao nên nông dân buộc lòng phải duy trì canh tác bằng cách chuyển sang thưa để dễ chăm sóc quản lý. Có hộ không còn vốn đành phải “treo ao”, có hộ chuyển sang nuôi cá phi, lên liếp trồng rau màu để cầm cự qua ngày…
Không chỉ lao đao vì giá tôm nguyên liệu bấp bênh, hiện nay, không ít hộ nuôi tôm ở ấp 16 xã Vĩnh Hậu còn lâm vào cảnh điêu đứng do thiếu nguồn nước phục vụ sản xuất. Nắng hạn cùng với các tuyến kênh bị bồi lắng, khô cạn nên người nuôi tôm không có nước lấy vào ao.
Từ nhiều tháng nay không có nước lấy vào, nhiều ao tôm chết trắng, các loài thủy sản khác cũng cùng chung số phận. Người dân ở đây cho biết, tình trạng các tuyến kênh thủy lợi bị bồi lắng khô cạn vào mùa khô đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa khắc phục để phục vụ sản xuất cho người dân.
Anh Nguyễn Thành Em, ấp 16 bức xúc cho biết: “Kênh thủy lợi bồi lắng từ nhiều năm nay nước từ biển vào không đến được đây việc lấy nước vào ao tôm gặp nhiều khó khăn khiến tôm nuôi chết hàng loạt. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương nhưng chỉ dừng lại bằng những lời hứa, hàng chục hộ dân phải mỏi mòn chờ đợi từ nhiều năm qua”.
Ông Cổ Tân Xuyên, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa Bình cho biết: Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đầu ra tôm nguyên liệu bấp bênh, giá thấp do thương lái ép giá trong khi chi phí đầu vào tăng cao khiến nhiều người nuôi tôm gặp khó khăn. Nhiều hộ dân thua lỗ nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng cũng gặp khó nên người nuôi tôm không mặn mà tái đầu tư sản xuất.
Hiện toàn tỉnh Bạc Liêu có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 139.780 ha. Trong đó, tôm thẻ siêu thâm canh hơn 2.700 ha, tôm sú, tôm thẻ thâm canh - bán thâm canh hơn 20.600 ha, nuôi thủy sản trên đất tôm - lúa trên 38.000 ha, quảng canh cải tiến kết hợp trên 74.000 ha, còn lại cua, cá và thủy sản. Theo số liệu từ ngành nông nghiệp Bạc Liêu, chỉ tính riêng trong tháng 11/2021, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại hơn 238 ha, trong đó tỷ lệ thiệt hại 70% là 199 ha.