Sức khỏe lao động nữ tại khu công nghiệp: Chưa được quan tâm đúng mức

Lê Bảo 17/12/2021 00:20

Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt với đối tượng nữ công nhân tại các khu công nghiệp là rất quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai chính sách chăm sóc SKSS cho nữ công nhân chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định, hàng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động. Đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần. Bên cạnh đó, lao động nữ phải được khám thêm chuyên khoa phụ sản… Tuy nhiên, trên thực tế, việc chăm sóc SKSS cho lao động nữ vẫn chưa thực sự được doanh nghiệp quan tâm.

Bà Trần Thị Phương Hồng - cán bộ Dự án chương trình sức khỏe doanh nghiệp thuộc Tổ chức Marie Stopes Việt Nam cho biết, mỗi năm, đơn vị thực hiện khám, tư vấn miễn phí cho hơn 500 công nhân nữ. Qua các đợt khám cho thấy, tỷ lệ công nhân nữ bị các bệnh viêm nhiễm phụ khoa khá cao, khoảng 40%. Điều này cho thấy, việc chăm sóc SKSS cho công nhân nữ ít được quan tâm.

ThS.BS Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số và Kế hoạch hóa gia đình cũng cho biết, chăm sóc SKSS và kế hoạch hóa gia đình đối với người di cư và người lao động ở khu công nghiệp hiện nay vẫn đang hạn chế. Trong khi đó, lao động nữ ở khu công nghiệp phần lớn phải sống xa nhà, một trong những khó khăn rất lớn mà họ thường gặp phải là đời sống tinh thần thiếu thốn, gần như không tham gia các hoạt động giải trí và không đến các cơ sở chăm sóc sức khỏe trong suốt thời gian dài.

“Chúng tôi thăm một số khu công nghiệp thì thấy có tình trạng công nhân nữ 6h sáng đi làm, nhưng 6 - 7h tối mới rời nơi làm việc, lúc đó mới đi chợ mua thức ăn, về nấu ăn, tắm rửa xong cũng 10h tối và hôm sau lại tiếp tục guồng quay đó. Tiếp cận thông tin, tiếp nhận dịch vụ, trao đổi thông tin rất khó khăn. Có những địa phương tổ chức khám miễn phí, cung cấp dịch vụ, thuốc miễn phí nhưng doanh nghiệp không cho tiếp cận” - BS Sơn cho biết.

Để chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ tại các khu công nghiệp được triển khai hiệu quả, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin, tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển Y tế lao động xã hội đến năm 2030”, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu 80% đối tượng thuộc cơ sở, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất bị tai nạn lao động được quản lý, theo dõi sức khỏe điện tử.

Bên cạnh đó, từng bước đầu tư, nâng cấp các cơ sở y tế lao động xã hội theo quy hoạch của ngành Y tế và ngành Lao động, thương binh và xã hội. Ngoài ra đề án phấn đấu sẽ có 90% đối tượng thuộc cơ sở, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được quản lý, theo dõi sức khỏe điện tử... Khi đề án được phê duyệt sẽ góp phần tăng cường quản lý sức khỏe toàn diện cho lao động nói chung và nữ công nhân nói riêng.

Theo TS Nguyễn Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu Thanh niên, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế cho công nhân cần sớm hoàn thiện Luật Bảo hiểm Y tế theo hướng đơn giản hóa các thủ tục khám chữa bệnh, bảo đảm hưởng quyền lợi từ Bảo hiểm Y tế cho công nhân; bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ về khám sức khoẻ định kỳ đối với người lao động tại các khu công nghiệp.

Cùng với đó, hoàn thiện các chính sách có lồng ghép giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới, tạo điều kiện để nữ công nhân, nhất là phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, có cơ hội được tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ các chính sách chăm sóc sức khoẻ toàn diện.

Lê Bảo