Khó xóa sổ tín dụng đen
Công an tỉnh Nghệ An vừa triệt phá một đường dây tín dụng đen liên tỉnh với số tiền giao dịch lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Nhà chức trách đã bắt giữ 52 nghi phạm liên quan đến đường dây cho vay nặng lãi với giá cắt cổ này. Kết quả điều tra sơ bộ ban đầu của cơ quan Công an cho thấy, có khoảng 10.000 bị hại đã sập bẫy đường dây tín dụng đen này.
Con số 10.000 bị hại (thực tế có thể còn hơn) không khỏi khiến dư luận xã hội giật mình. Làm sao có thể không “choáng” khi có quá nhiều người chấp nhận đưa “đầu” vào thọng lọng của đường dây tín dụng đen với lãi suất cao 200%/năm? Từ đó một câu hỏi lớn được đặt ra: Vì sao biết là bị “cắt cổ” mà nhiều người vẫn cam tâm?
Đi sâu vào tìm hiểu thế giới tín dụng đen mới thấy rằng, không có gì là khó hiểu khi mà nhiều người dù biết bị những kẻ cho vay nặng lãi “hút máu” mình mà vẫn lao vào chỉ bởi những nhu cầu cấp thiết trong cuộc sống hàng ngày. Họ buộc phải tìm đến với tín dụng đen vì không có lựa chọn nào khác.
Hầu hết bị hại của các đường dây tín dụng đen đều là người nghèo, ăn bữa nay lo bữa mai, giật gấu vá vai. Khi có việc phải tiêu đến tiền, nhất là những khoản tiền lớn, họ chỉ còn biết tìm đến tín dụng đen. Bởi đã nghèo thì làm gì có tài sản thế chấp để vay của ngân hàng.
Khi đó chính là lúc tín dụng đen “lên ngôi”. Các đường dây tín dụng đen không cần bất cứ tài sản thế chấp nào vẫn có thể cho người tiêu dùng vay một khoản tiền nhất định. Hơn thế nữa, những kẻ cho vay nặng lãi còn đơn giản hóa các thủ tục đến mức tối đa, tức là chỉ cần vài thông tin cơ bản là có thể xuất tiền cho người vay.
Bỗng dưng con ốm, bố/mẹ nằm viện hết cả trăm triệu đồng, nhiều người biết xoay xở, vay mượn tiền ở đâu nếu không phải là nhắm mắt đưa chân đến với các đường dây tín dụng đen? Khi cầm tiền của những đối tượng cho vay nặng lãi, họ biết mình sẽ không có đường thoát, nhưng vẫn phải nhắm mắt đưa chân. Không vậy thì lấy đâu tiền trang trải viện phí?
Một doanh nghiệp nhỏ đang cần một khoản tiền để mở rộng sản xuất kinh doanh, trong khi ngân hàng đòi hỏi đủ thủ tục mà còn chưa chắc đã vay được, thì tín dụng đen chỉ cần biết địa chỉ, số căn cước công dân là có thể xuất tiền. Trong khi, với người kinh doanh, nếu chờ hoàn thiện thủ tục ở ngân hàng đồng nghĩa là vuột mất cơ hội.
Số phận các nạn nhân của những đường dây tín dụng đen thì muôn hình vạn trạng, mỗi người có một hoàn cảnh riêng, nhưng đều có điểm chung là cần tiền ngay để giải quyết công việc. Điểm yếu của họ chính là không còn con đường nào khác để có thể vay mượn, trong khi tín dụng đen lại luôn…trực chờ.
Nhất là thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số người có nhu cầu vay vốn để phục vụ sinh hoạt, phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng không đáp ứng yêu cầu vay vốn của hệ thống ngân hàng cũng tăng hơn. Nắm được điều này, những đối tượng cho vay cũng lập tức chuyển hướng vào các nhóm người có thu nhập thấp, bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh như công nhân, người lao động thời vụ, kinh doanh nhỏ lẻ, người bị mất việc làm, thanh thiếu niên.
Tại nhiều cuộc hội thảo bàn giải pháp xóa bỏ tín dụng đen, các chuyên gia tài chính – ngân hàng từng nhiều lần nhấn mạnh rằng, có cung ắt có cầu, khi mà vẫn còn nhiều người cần tiền tìm đến tín dụng đen thì không thể xóa sổ nó. Muốn người dân không tìm đến tín dụng đen, các ngân hàng, quỹ tín dụng, các cấp, ngành cần thay đổi tư duy, tạo điều kiện vay vốn cho những người nghèo không có tài sản thế chấp. Song, điều đó e rằng rất khó.