Cần xử lý nghiêm quảng cáo phản cảm
Với xu hướng phát triển, quảng cáo đang đóng một vai trò quan trọng nhằm tạo sự thu hút từ khách hàng. Nhưng vì lợi nhuận không ít đơn vị đã sẵn sàng đánh đổi đạo đức, uy tín với những “chiêu trò” quảng cáo phản cảm gây bất bình trong dư luận.
Không để “nhờn luật”
Mới đây, dư luận xã hội đã hết sức bất bình khi mạng xã hội lan truyền hình ảnh một nhóm thanh niên cởi trần hết sức phản cảm đứng trong khoang tàu điện Cát Linh - Hà Nội. Bên cạnh việc “khoe thân”, nhóm thanh niên này mang theo banner quảng cáo cho chuỗi cửa hàng. Họ “vô tư” sử dụng riêng một khoang tàu, đứng chắn lối đi lại của các khách hàng…
Đây không phải là lần đầu tiên dư luận xã hội bức xúc vì những chiêu trò quảng cáo “bẩn” của một số thương hiệu. Trước đó vào năm 2016, ngay tại Hà Nội, một công ty điện thoại đã sử dụng người mẫu ở trong thùng kính và diễu hành trên phố bằng xe bán tải để quảng sản phẩm. Áp tải cho chiếc ô tô nói trên là một đoàn xe máy với cờ phướn bay phấp phới đã thu hút sự chú ý của người đi đường.
Ngay sau sự việc trên, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tới làm việc và lập biên bản xử phạt 6 triệu đồng. Cũng trong khoảng thời gian này, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã xử phạt 40 triệu đồng với một siêu thị điện máy khi sử dụng người mẫu mặc bikini mát mẻ để tiếp thị. Một nhà hàng tại khu vực Cầu Giấy cũng bị phạt 40 triệu đồng vì để nhân viên mặc bikini rót bia, bưng đồ ăn cho khách.
Mới đây nhất, tại trận đấu thứ 5 Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 trên sân Mỹ Đình, hai “hot girl” là T.A. và P.A. đã có màn quảng cáo trá hình trên mạng xã hội. Điều đáng nói là cả hai “hot girl” này mặc áo và cầm bảng “hashtag” ngang nhiên quảng cáo cho một trang web cờ bạc bất hợp pháp.
Được biết với hành vi trên, 2 “hot girl” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hay trên kênh Youtube dành cho thiếu nhi hiện nay có rất nhiều quảng cáo dành cho người lớn được cài cắm gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các em nhỏ…
Có thể nói, với sự bùng nổ của công nghệ đặc biệt là mạng xã hội, việc quảng cáo đang được “phủ sóng” rộng khắp. Ở đó, điều đáng ngại nhất là các quảng cáo thu hút được đông người theo dõi lại đến từ những clip hay hình ảnh phản cảm, dung tục.
Thậm chí, sau những quảng cáo “bẩn” trên nhiều đơn vị đã bị các cơ quan chức năng “tuýt còi”, thế nhưng những hành động này dường như vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trước sự việc nhóm thanh niên quảng cáo phản cảm trên khoang tàu điện Cát Linh - Hà Nội, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ:
Cục Văn hóa cơ sở thấy rằng đây mới là một hiện tượng tự phát, cá biệt và đã được Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Để tránh những hiện tượng như trên tái diễn, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục Việt Nam, Cục Văn hóa cơ sở sẽ tập trung vào một số giải pháp sau:
Thứ nhất: Tăng cường phổ biến, giáo dục nâng cao hiểu biết pháp luật về quảng cáo đến các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội thông qua các tổ chức nghề nghiệp hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng, tránh tình trạng thiếu hiểu biết, nên đưa ra các hoạt động quảng cáo gây ấn tượng quá mức để thu hút sự chú ý dẫn đến vô tình vi phạm pháp luật.
Thứ hai: Đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội xác minh, xử lý nghiêm và thông báo kết quả xử lý lên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, tránh tình trạng tái diễn các hiện tượng như vậy.
Thứ ba: Tôn vinh, định hướng giá trị tốt đẹp của hoạt động quảng cáo thông qua các sự kiện xây dựng quảng bá thương hiệu quốc gia cho ngành quảng cáo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội quảng cáo Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương tổ chức. Khi những điều tốt đẹp được nhân rộng thì những hành vi xấu, phản cảm sẽ tự khắc bị đẩy lùi.
Tạo “tường lửa” cho văn hóa quảng cáo
Không thể phủ nhận quảng cáo là một phần tất yếu, khán giả dù muốn hay không cũng khó tránh, đôi khi “phải xem”. Song một khi những quảng cáo thiếu đi sự biên tập kỹ lưỡng, thiếu đi sự sáng tạo và chuẩn mực sẽ gây hiệu ứng ngược lại.
Mặc dù đã có Luật Quảng cáo và nhiều văn bản điều chỉnh, thế nhưng ý thức tuân thủ của một số doanh nghiệp, nhà kinh doanh chưa nghiêm túc đã dẫn đến tình trạng quảng cáo cẩu thả, qua loa; chỉ cốt để câu khách mà làm trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, vi phạm đạo đức kinh doanh và thuần phong mỹ tục.
Về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định: Cần tăng cường hơn nữa việc xử phạt những trường hợp vi phạm. Và phải xử phạt thật nghiêm túc. Bởi vì, nếu chúng ta chỉ xử phạt, kể cả mang tính làm gương, thì sẽ không bao giờ chấm dứt những hiệu ứng tâm lý đám đông khi mà nguyên nhân sâu xa nhất chưa giải quyết rốt ráo.
Mỗi doanh nghiệp khi thực hiện quảng cáo cần phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình. Những bộ quy tắc đạo đức, Bộ luật Dân sự dành riêng chế tài các hành vi không gian mạng (không chỉ là an ninh mạng) sẽ phải là những ưu tiên để chúng ta thực hiện trong thời gian tới.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn lý giải, để hình thành nên ứng xử văn minh trong môi trường quảng cáo, chúng ta nên bắt đầu từ người sử dụng. Khi chúng ta trang bị cho người sử dụng một nhận thức đúng, một phông kiến thức căn bản tốt trong việc sản xuất các chương trình quảng cáo, chúng ta sẽ không quá lo lắng về tác động tiêu cực của mạng xã hội.
Để làm được điều đó, chúng ta cần có những chính sách phù hợp, công tác truyền thông tích cực. Bên cạnh đó, những giải pháp kỹ thuật cũng là những biện pháp không thể tránh được trong quản lý các chương trình quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo trên mạng xã hội. Chúng ta cũng cần kiểm soát những gì là tốt, bổ ích đối với người Việt Nam.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long: Nhiều đơn vị sẵn sàng chịu phạt để thu hút sự chú ý
Có một thực tế là hiện nay có nhiều doanh nghiệp, đơn vị sẵn sàng chịu phạt với các quảng cáo phản cảm với mục đích thu hút sự chú ý của khách hàng. Đơn cử như trường hợp quảng cáo Coca Cola trước đó. Đơn vị này đã làm chương trình tạo lên sự tranh cãi, và không chỉ có nhãn hàng Coca Cola muốn làm vậy, rất nhiều nhãn hàng đã dùng chiêu này và chấp nhận rủi ro. Nếu xét ở góc độ tạo dư luận, truyền thông thì những chiến dịch này của doanh nghiệp đã thành công.
Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng cái giá mà doanh nghiệp phải trả là quá rẻ, dẫn đến việc xuất hiện ồ ạt các quảng cáo phản cảm trong thời gian qua. Tuy nhiên, mọi vấn đề đều có hai mặt. Dù đạt được mục đích là thu hút dư luận nhưng khi doanh nghiệp sử dụng chiêu trò thì sẽ khó tạo dựng được thương hiệu, cũng như hợp tác với các đơn vị uy tín vì đã “dính tràm” xử phạt và tạo nên hiệu ứng xấu với công chúng.
Do đó, để loại bỏ được những quảng cáo phản cảm điều đầu tiên là phải xử phạt thật nặng. Đây là câu chuyện thuộc về các cơ quan chức năng khi cần có những chế tài, quy định cụ thể. Bên cạnh đó, muốn quản lý hiệu quả, xử lý dứt điểm cần có những biện pháp thuyết thục. Đơn cử như cần có những quy định cụ thể là người dân không được cởi trần lên tàu điện, mặc quần áo quá ngắn tại nơi công cộng… Nhưng hơn cả với chính các doanh nghiệp muốn phát triển nên cần có trách nhiệm với xã hội, công đồng.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học): Cần tẩy chay quảng cáo phản cảm
Quảng cáo ở Việt Nam hiện nay thực sự đang hỗn loạn, xô bồ, thể hiện tính chất tự phát. Hiện nay còn xuất hiện nhiều quảng cáo lợi dụng các giá trị nhân văn, đánh vào lòng trắc ẩn của con người, chứ giá trị thực tế “hứa” trong quảng cáo mà các công ty mang đến cho cộng đồng không đáng kể. Ở đó, các chủ thể thực hiện tác nghiệp quảng cáo đa số thiếu các ý tưởng để thực hiện công việc của mình theo một chuẩn mực, ưu tiên được thông điệp mang đến cho cộng đồng, thay vì đó, họ cố tình truyền tải các thông tin ngoại lai. Ở đây, có sự lẫn lộn giữa thông tin chủ đạo và thông tin thứ yếu.
Không những vậy, thời gian qua càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng chiêu quảng cáo bằng cách thuê người mẫu hoặc cho nhân viên ăn mặc gợi cảm để “câu” khách. Nguyên nhân doanh nghiệp lựa chọn cách quảng cáo gọi cảm, sexy vì những hình ảnh này ngay lập tức gây chú ý và thu hút người xem. Từ sự chú ý đó người xem sẽ lưu vào trí nhớ tên sản phẩm, dịch vụ gắn với cái mà người ta nhìn thấy. Thông qua việc bắt mắt để giới thiệu, đánh thức suy nghĩ trở thành chỉ dẫn để khách hàng đến với một doanh nghiệp, một sản phẩm doanh nghiệp nào đó, có thể nói khía cạnh quảng cáo là thành công nhưng lại mất mát ở việc khác.
Vì, một khi quảng cáo gợi cảm quá mức sẽ dẫn đến phản cảm. Có điều mất mát ở đây thuộc về xã hội, khi người ta lạm dụng phạm trù cái đẹp biến nó thành dung tục, mất chuẩn mực xã hội. Do đó, để giải quyết triệt để vấn đề này, cần phải làm cho doanh nghiệp nhận ra sai lầm khi quảng cáo phản cảm dẫn tới các sản phẩm doanh nghiệp bị tẩy chay.
H.Minh (ghi)