Chính sách an sinh nào cho lao động tự do?
Từ thực trạng việc làm, đời sống của đối tượng lao động tự do, các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới cần có những giải pháp phù hợp để bảo đảm quyền an sinh xã hội cho nhóm lao động này.
Trên thực tế, nguyên nhân khiến đối tượng này khó tiếp cận với các gói an sinh xã hội đến từ khoảng trống pháp lý và việc thực hiện triển khai không đồng bộ các gói an sinh xã hội tại các địa phương.
Khó tiếp cận do đặc trưng nghề nghiệp
Công việc phải đánh đổi thời gian, sức khỏe nhưng đối tượng lao động tự do hiện nay đang gặp khó khi tiếp cận các gói an sinh xã hội, đặc biệt là lao động nữ khó tiếp cận BHXH tự nguyện và BHYT. Hai chế độ chính sách mà các lao động nữ quan tâm nhất khi đi làm xa là chế độ nghỉ thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động nhưng họ lại khó tiếp cận.
Quá trình thực hiện bài viết này, không ít lao động nữ bày tỏ, họ cảm thấy rất thiệt thòi vì không được hưởng bất kỳ chế độ gì.
Rời quê lên thành phố mưu sinh gần 10 năm nay, chị Nguyễn Thu Hằng (quê Thanh Hóa), làm nghề bốc xếp hoa quả thuê ở chợ Long Biên chia sẻ: “Cũng là lao động nữ, cùng đi làm như nhiều chị em quanh khu nhà trọ, nhưng họ được hưởng các chế độ trợ cấp, rồi ốm đau, thai sản…
Còn tôi, kể cả khi sinh con cũng không được hưởng chế độ gì. Để chăm lo sức khỏe cho bản thân, tôi đã tham gia BHYT tự nguyện nhưng BHXH tự nguyện để sau này được hưởng lương hưu thì tôi chưa có điều kiện kinh tế”.
Ông Phạm Xuân Hồng, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Giáo dục nghề nghiệp (IVES) cho biết, hiện nay, số lao động đổ về các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất vùng miền rất lớn. Trong đó, số lao động nữ chiếm con số đáng kể.
Theo ông Hồng, khó khăn của đối tượng lao động tự do khi tiếp cận an sinh xã hội hiện nay xuất phát từ chính đặc trưng trong nghề nghiệp của họ: không ổn định về công việc, chỗ làm, chủ yếu hoạt động trong khu vực kinh tế phi chính thức, hầu như không làm việc theo hợp đồng lao động - điều kiện tiên quyết để tham gia hệ thống BHXH.
Mặt khác, khó khăn còn đến từ việc nhóm lao động tự do thiếu sự quản lý của nhà nước nên khó nắm bắt về số lượng và sự biến động, dẫn đến các chính sách của nhà nước trong việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp với nhóm đối tượng này trở nên khó khăn.
Hơn nữa, đối với gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhóm lao động di cư thường xuyên thay đổi nơi làm việc, chỗ ở, không có nơi cư trú hợp pháp nên đã trở thành rào cản lớn đối với việc hỗ trợ nhóm đối tượng này, trong khi lực lượng lao động tự do là lực lượng chiếm đa số ở các thành phố lớn.
Mở rộng đối tượng tham gia BHXH
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, đứng trước những khó khăn của nhóm lao động tự do, lao động di cư, các chính sách an sinh xã hội đang được chú trọng xây dựng và thực hiện. Trong đó, mở rộng các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc cho cả người lao động là công dân nước ngoài.
Cụ thể, tại Luật BHXH 2014, Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật BHXH và Luật An toàn vệ sinh lao động đều quy định: “Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ”.
Đối với lao động di cư trong nước, quy định về chính sách an sinh xã hội ngày càng đầy đủ và hoàn thiện hơn. Theo đó, Điều 2 Luật BHXH 2014 đã nêu rõ: Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bao gồm người lao động là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 3 tháng.
Đây là những đổi mới trong quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho nhóm lao động di cư có thời gian làm việc ngắn hạn, tạo sự bình đẳng đối với những nhóm lao động khác có thời hạn lâu dài.
Tuy nhiên, có thể nói, yêu cầu tối thiểu để được hỗ trợ an sinh xã hội là người lao động phải làm việc theo hợp đồng lao động. Do đó, nhóm lao động tự do là những đối tượng không có giao kết về hợp đồng lao động cho đến nay vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, chưa được tiếp cận các chính sách an sinh xã hội.
Vấn đề này đặt ra thách thức lớn trong việc nhanh chóng mở rộng đối tượng tham gia BHXH, đảm bảo chính sách an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ, bảo vệ toàn diện quyền lợi cho người lao động.
Theo Luật sư Tiền, trên thực tế, nguyên nhân khiến lao động tự do khó tiếp cận với các gói an sinh xã hội đến từ khoảng trống pháp lý và việc thực hiện triển khai không đồng bộ các gói an sinh xã hội tại các địa phương.
Để giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho nhóm lao động tự do, Luật sư Tiền nêu quan điểm, trước hết cần xây dựng các chính sách pháp luật thừa nhận và hợp pháp hoá loại hình lao động phi chính thức, có các biện pháp để họ tham gia các loại hình bảo hiểm như BHYT, BHXH… nhằm thúc đẩy sự phát triển, hướng tới bình đẳng cho các đối tượng lao động khu vực tự do.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện cho các đối tượng lao động tự do, nâng cao trình độ, ý thức tham gia BHXH tự nguyện và BHYT toàn dân để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp khi có rủi ro, tai nạn, ốm đau xảy ra trong quá trình lao động.
Về mặt quản lý nhà nước, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý đối với lao động tự do, ban hành các chính sách khuyến khích các hoạt động kinh tế phi chính thức vươn lên để gia nhập khu vực chính thức, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa phương mở rộng sản xuất, thu hút lao động tại chỗ.
Đồng thời, công đoàn cơ sở cần tích cực thành lập các nghiệp đoàn, tập hợp lao động tự do cùng hoạt động chung một lĩnh vực, ngành nghề vào một nghiệp đoàn để quản lý và bảo vệ quyền lợi cho nhóm lao động này.