Liên kết để phục hồi kinh tế

THANH GIANG 18/12/2021 14:02

Đó là ý kiến của ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM tại diễn đàn Liên kết phát triển TP HCM và các tỉnh - thành Đồng bằng sông Cửu Long (Mekong Connect) năm 2021 với chủ đề Phục hồi kinh tế và Liên kết phát triển trong bình thường mới, diễn ra ngày 17/12, tại TP HCM.

Ông Phan Văn Mãi khẳng định, liên kết để cùng phát triển giữa TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL là nhu cầu cấp thiết. Trong quá trình phát triển kinh tế của mình, TP HCM luôn đánh giá cao mối liên kết với các tỉnh, thành ĐBSCL, với địa kinh tế của khu vực Mekong, dồi dào nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo, có lợi thế phát triển kinh tế biển, có hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh.

TP HCM là trung tâm thương mại lớn của cả vùng với 80% nguồn cung cho thị trường đến từ ĐBSCL. Hơn nữa, TP HCM và ĐBSCL đã có mối liên kết phát triển về hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, chuỗi sản xuất kinh doanh, kinh tế biển, kết nối năng lượng-du lịch-hàng không, hệ sinh thái khởi nghiệp và liên kết công nghiệp hỗ trợ…

Theo ông Phan Văn Mãi, thời gian qua TP HCM cùng các tỉnh, thành đã chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch, cùng giúp nhau các nguồn lực y tế, nhân lực, thống nhất trong cách phòng, chống dịch để nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh, ổn định và phục hồi kinh tế.

Hy vọng thời gian tới TP HCM và các tỉnh, thành Tây Nam bộ sẽ liên kết với nhau một cách chặt chẽ hơn nữa, cùng nhau xây dựng những cơ chế, chính sách thu hút và thúc đẩy đầu tư, phát triển mang tính liên vùng. Từ đó, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của Vùng, huy động cao nhất các nguồn lực bên trong và bên ngoài, sớm mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững”, ông Mãi cho biết.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP HCM cũng cho rằng, TP HCM mong muốn đẩy mạnh liên kết với các tỉnh, thành ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong điều kiện dịch bệnh liên kết càng có ý nghĩa hơn khi thành phố nhận được sự hỗ trợ từ các tỉnh.

Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng nhìn nhận, trong liên kết vùng vai trò của TP HCM là vô cùng lớn. Cho nên TP HCM cần tiếp tục phát triển lớn mạnh, giữ vai trò đầu tàu cho vùng và cho các tỉnh.

Nói về liên kết vùng giữa TP HCM và các tỉnh Tây Nam Bộ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, TP HCM có rất nhiều chương trình hợp tác với các tỉnh miền Tây Nam bộ. Tại sao không hợp tác cả đồng bằng với TP HCM và miền Đông? Đã đến lúc quan tâm nhiều hơn đến thương hiệu vùng và thương hiệu quốc gia?”.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ cho rằng: “Đối với đồng bằng sông Cửu Long, trong bối cảnh liên kết với TP HCM, hay liên kết với Vùng Đông Nam Bộ, hay với các vùng, miền khác, đổi mới sáng tạo có thể là một giải pháp để huy động tối đa các nguồn lực nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Đơn cử, diễn đàn Mekong Connect có thể xem một cấu phần quan trọng, góp phần xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở của vùng, từng bước tạo dòng chảy tri thức trong môi trường kinh tế - xã hội.

Nhiều ý kiến đánh giá, cứ 5 năm, dân số TP HCM tăng 1 triệu người mà đa số là từ các tỉnh ĐBSCL. Chính lực lượng lao động này đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế TP HCM. TP HCM luôn xác định là đối tác phát triển của ĐBSCL, vì vậy sự kết nối toàn diện và bền vững giữa các địa phương ĐBSCL là yếu tố vô cùng quan trọng đối với TP HCM và ngược lại.

ĐBSCL được xem là nguồn cung cấp chính các ngành hàng tự nhiên cho thị trường nội địa và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Hàng năm khu vực này sản xuất trên 50% sản lượng lúa, duy trì an ninh lương thực trong nước, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây; xuất khẩu 95% lượng gạo và 60% lượng cá của cả nước…

THANH GIANG