Xây ‘lan can’ ý thức
Mới đây, tại chung cư Goldmark City (số 136 Hồ Tùng Mậu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) một học sinh lớp 6 đã bị rơi từ tầng 22 tòa nhà xuống tử vong. Đây không phải lần đầu tiên xảy ra tai nạn rơi từ tầng cao xuống đất tử vong, trong đó nạn nhân đa phần là các cháu nhỏ. Những cái chết thương tâm đã được cảnh báo từ lâu, song vẫn không tránh được. Vì sao?
Cứ lâu lâu, người ta lại nghe tin ở nơi này hay nơi khác trên cả nước có cháu nhỏ rơi từ tầng cao xuống tử vong. Các vụ tai nạn diễn ra chủ yếu ở các đô thị lớn có nhiều tòa nhà chung cư chọc trời như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Dù câu chuyện làm thế nào để đảm bảo an toàn cho trẻ ở các khu chung cư đã được nhắc tới, nhưng tai nạn vẫn xảy ra.
Kết quả điều tra một số vụ tai nạn trẻ nhỏ rơi từ tầng cao chung cư xuống đất tử vong của cơ quan chức năng chỉ ra một số nguyên nhân chính: Hầu hết lan can của các tòa nhà chung cư đều khá thấp nên dễ xảy ra tai nạn, không riêng trẻ nhỏ mà ngay cả với người lớn. Cùng với đó, một số ông bố, bà mẹ vẫn còn quá chủ quan, không để ý khi trẻ chơi ngoài ban công...
Ngay sau khi những vụ tai nạn thương tâm ấy, người ta đã tổ chức một số hội thảo khoa học về việc làm thế nào đảm bảo an toàn cho trẻ? Thậm chí hành lang pháp lý cũng có sự điều chỉnh quy định “cứng” về độ cao lan can để bảo vệ chủ căn hộ. Song, với cơ man những nhà chung cư đã xây rồi thì làm sao để giữ an toàn cho trẻ?
Vậy là cư dân đang sinh sống tại các nhà chung cư buộc phải tự nghĩ ra cách để giữ an toàn cho bản thân và gia đình. Nơi nào có thể cải tạo được, người ta không ngần ngại dựng ngay một chiếc “chuồng cọp” bao quanh ban công. Song, cũng có những tác dụng ngược bởi khi xảy cháy thì rất khó ứng cứu. Theo ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng, một công trình khi thiết kế phải đảm bảo an toàn trong việc rơi, ngã nhưng cũng đồng thời phải đảm bảo cả an toàn phòng cháy chữa cháy.
Nhiều chủ các căn hộ chung cư do không được phép cải tạo nên họ đi lùng mua các loại lưới bảo hiểm để chăng bên ngoài ban công phòng khi có người thân không may ngã xuống. Hình thức này không phải xin phép cải tạo, lại đảm bảo mỹ quan nên được nhiều người dùng.
Song, với loại lưới bảo hiểm này, giá rẻ nhất cũng phải 120-150 nghìn/m2, đâu phải ai cũng có điều kiện để lắp, nhất là những gia đình cả hai vợ chồng đều là công nhân. Ngay cả khi chi phí lắp lưới bảo vệ đối với nhiều người không quá to tát gì, nhưng phần vì bận, phần vì chủ quan, nên vẫn còn những vụ tai nạn thương tâm xảy ra.
Về phần các chủ đầu tư, dù đã có quy định cứng về chiều cao tối thiểu đối với lan can tòa nhà chung cư, nhưng đâu phải doanh nghiệp nào cũng tuân thủ. Đơn giản là nếu chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, chủ đầu tư thay vì lãi được 10 đồng chỉ còn lãi khoảng 4-5 đồng, vậy thì vì sao họ lại phải làm khi không có cơ quan giám sát?
Đó là lý do vì sao, ngay cả các chung cư mới xây cũng không đảm bảo độ cao lan can cần thiết để giữ an toàn cho chủ các căn hộ. Thời gian qua, Ban quản trị các tòa nhà cũng đã có nhiều buổi tuyên truyền cho các cư dân. Tuy nhiên, việc này chỉ có thể khuyến khích chứ không có quy định yêu cầu thực hiện.
Có thể nói, để xảy ra các vụ tai nạn thương tâm, cướp đi sinh mạng các cháu nhỏ tại các tòa nhà chung cư chủ yếu là do ý thức của người lớn. Từ chủ đầu tư cố bớt xén tiền xây dựng, đến các bậc phụ huynh chưa thực sự quan tâm giám sát trẻ nhỏ... Vậy nên, để giảm thiểu, thậm chí là chấm dứt những vụ việc tương tự, thiết nghĩ mỗi người lớn cần xây “lan can” ý thức của mình.