Đổi đời sau 10 năm ‘lên bờ’
Từ bỏ cuộc sống lênh đênh sông nước để “lên bờ”, sau hơn 10 năm, hàng trăm hộ dân ở làng chài Kim Lai, thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương) đã có cuộc sống đủ đầy để phát triển kinh tế.
An cư lạc nghiệp
Sau nhiều năm mới có dịp quay trở lại phường Ngọc Châu, thành phố Hải Dương, chúng tôi không khỏi bỡ ngỡ trước sự đổi thay của nơi đây. Những con đường mới được trải nhựa rợp bóng cây xanh, từng khu đô thị mới mọc lên minh chứng cho sự phát triển không ngừng của thành phố.
Ông Lê Hồng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Châu phấn khởi khoe: “Đây là khu dân cư mới của làng chài Kim Lai. Hơn 10 năm nay, hàng trăm hộ dân ở đây đã không còn sống trong cảnh sông nước. Họ đã lên bờ, xây nhà, có công việc ổn định, kinh tế phát triển, con cái được học hành đến nơi đến chốn…”.
Làng chài Kim Lai được hình thành từ những năm 60 của thế kỷ XIX. Cuộc sống nay đây mai đó không ổn định nên đa phần người dân đều thất học. Ông Vũ Xuân Toàn, nguyên Trưởng khu dân cư số 16 phường Ngọc Châu nhớ lại, năm 2007, khi ông làm trưởng khu, hơn 85% số người dân Kim Lai không biết đọc, biết viết.
Thời còn lênh đênh sông nước, ngoài nghề thuyền chài, công việc chính của lao động Kim Lai là khai thác cát sông. Thanh niên trai tráng cứ đi biền biệt theo những con tàu hút cát khắp các dòng sông trong và ngoài tỉnh. Đa phần là hút cát trái phép nhưng cũng chật vật quanh năm “bữa no, bữa đủ”. Nhưng nay cuộc sống nơi đây đã đổi thay rất nhiều.
Năm 2008, UBND tỉnh Hải Dương quyết định quy hoạch vùng định cư mới cho dân làng chài Kim Lai. Điều này chẳng khác nào họ bắt được phao cứu sinh. Hiện nay, dân Kim Lai đã biết đọc, biết viết, trẻ con được đến trường. Nhiều người đã tìm được nghề mới.
Đến nay hàng trăm hộ dân đã xây được nhà kiên cố, nhà cao tầng. Một số người mở cửa hàng buôn bán, làm dịch vụ rửa, sửa xe hoặc đi làm công nhân tại các doanh nghiệp, nhà máy với mức thu nhập ổn định từ 5-8 triệu đồng/người/tháng. Trước năm 2010, làng chài Kim Lai có gần 100 hộ thuộc diện nghèo thì nay chỉ còn vài ba hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Anh Trần Văn Nguyên đã có nhiều năm làm nghề lái tàu và khai thác cát cho biết, gia đình anh đã có nhiều đời làm nghề sông nước. Từ nhỏ, anh Nguyên chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có một ngôi nhà khang trang để ở, con cái được đến trường. Nhưng từ khi được hỗ trợ mua đất trên bờ, gia đình anh đã có nơi ở ổn định. Công việc của vợ chồng anh cũng thuận lợi hơn.
Cơ hội đổi đời và làm giàu
Hơn 10 năm định cư cũng là chừng ấy thời gian người dân Kim Lai tìm kiếm cơ hội làm giàu để có cuộc sống sung túc, đủ đầy. Với họ ước mơ không còn giản đơn là lên bờ để có mảnh đất cắm dùi mà còn là cơ hội kiếm nghề mới làm giàu.
Anh Hoàng Xuân Phúc (48 tuổi) nhớ lại, khi mới lên bờ, nhiều người dân ở đây vốn chỉ quen với nghề sông nước nên cuộc sống của họ gặp không ít khó khăn. Chưa tìm được nghề mới, nhiều hộ lại quay về nghề cũ. Việc này khiến lãnh đạo địa phương và thành phố Hải Dương băn khoăn, suy tính.
Để mở ra hướng mới, phường Ngọc Châu quyết định tổ chức họp dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của mọi người. Ngay sau đó, những lớp dạy nghề may, sửa chữa điện, điện tử lần lượt được mở ra. Phường Ngọc Châu tiếp tục xin lãnh đạo cấp trên xây dựng đề án phát triển 6.000m2 mặt nước để người dân nuôi cá lồng phát triển kinh tế.
Nghề mới này đã thu hút được nhiều người dân Kim Lai trở về lập nghiệp. Người dân còn được hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất. Mới đầu chỉ vài ba hộ tham gia, sau thấy hiệu quả nên nhiều hộ đăng ký học và làm theo. Vẫn bám sông để kiếm sống nhưng giờ đây thu nhập từ nuôi cá lồng cao gấp nhiều lần so với những nghề cũ. Đến nay, ở Kim Lai đã có hơn 20 hộ nuôi cá lồng. Họ đã thành lập một hợp tác xã chuyên chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ nhau về giống, vốn.
Có điều kiện phát triển kinh tế, người dân Kim Lai càng hiểu rõ việc không biết chữ sẽ khó thực hiện được giấc mơ đổi đời. Vì vậy không cần vận động, ngay khi lên bờ họ lần lượt xin cho con đi học ở các trường trong phường và khu vực lân cận.
Anh Nguyễn Văn Tả - ngõ 1 (khu 16, phường Ngọc Châu) chia sẻ: Biết chữ thôi chưa đủ, người dân làng chài Kim Lai còn tính cho con em mình học cao để bay xa. Chỉ tính 5 năm trở lại đây, làng chài Kim Lai đã có hơn 20 em học đại học, cao đẳng.
Nhiều người ra trường làm trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài. Một số đã tìm kiến cơ hội sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc để làm việc. Hiện thu nhập bình quân đầu người ở Kim Lai đã đạt khoảng 40 triệu đồng/năm.
“Cái khó ló cái khôn”, người dân Kim Lai đang nỗ lực để phát triển kinh tế theo hướng linh hoạt, an toàn và phù hợp với điều kiện thực tế nhằm thay đổi cuộc sống, đổi đời với ước mơ của ông cha bao đời nay.