Sống là đi tìm hạnh phúc cho mọi người

HẢI NHI 19/12/2021 09:00

Thượng tọa Thích Chân Quang quan niệm: Lý tưởng sống của con người là đi tìm hạnh phúc cho người khác. Đạo đức là gốc của hạnh phúc. Khi ta đem đạo đức đến cho người nào thì người đó sẽ có hạnh phúc. Và bến đỗ của Thượng tọa là Đạo Phật, vì Phật pháp có nguồn đạo đức đạo lý rất lớn để khai thác, ứng dụng, tu dưỡng, và để chia sẻ lại cho nhiều người.

Thượng tọa Thích Chân Quang. Ảnh: Quang Vinh.

Ngay từ giây phút đầu gặp gỡ, chúng tôi cảm nhận được nụ cười ấm áp, thân thiện và gần gũi của một người Thầy được rất nhiều Phật tử cung kính - Thượng tọa Thích Chân Quang, trụ trì chùa Thiền Tôn Phật Quang, ngôi chùa tọa lạc tại thung lũng thuộc núi Dinh, thôn Chu Hải, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện Thượng tọa đang đảm trách vị trí Phó trưởng ban Kinh tế - Tài chính trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Với con đường Phật Pháp cả đời nguyện gắn bó, Thượng tọa Thích Chân Quang trải lòng: “Tôi đến với Phật pháp, có lẽ là do duyên từ kiếp trước rồi. Tôi là người mơ mộng từ thuở nhỏ. Tôi từng mơ trở thành nhà bác học vì tôi học giỏi Toán, Lý. Ở trường, nhiều thầy cô đã khuyến khích điều đó. Khi tôi lớn lên cũng là thời điểm đất nước vừa giải phóng, tôi không còn cơ hội học tập mà phải đi làm rẫy, làm kinh tế mới rồi sau đó mới đi học trở lại”.

Thượng tọa kể rằng: Thời điểm đi làm kinh tế mới, lúc đó tôi tham gia phụ trách Thiếu niên Nhi đồng. Để dạy các em, tôi đã tìm mua sách về đội, đoàn, tư tưởng Mác-Lênin…Quả thực đến khi đọc nhiều sách thì trong tôi mới hình thành những ý niệm về chính trị. Tôi không đi theo chính trị, nhưng lĩnh vực này đã gợi mở cho tôi một điều: Con người đi tìm hạnh phúc là chính. Nhưng cái gốc của hạnh phúc là gì? Tôi đã đi tìm lời giải cho vấn đề này rất lâu.

“Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước năm 1975, tôi đã tìm ra và hình thành nên lý tưởng sống là đi tìm hạnh phúc cho người khác. Tôi cho rằng khi ta đem tới cho người khác đạo đức thì người ta sẽ hạnh phúc, vì đạo đức mới là gốc của hạnh phúc. Và bến đỗ của tôi là đạo Phật. Chỉ nơi Phật pháp tôi mới tìm thấy nguồn đạo đức, đạo lý rất lớn. Nếu tôi có thể khai thác, ứng dụng, sống và tu dưỡng thì sau này có thể chia sẻ điều đó cho rất nhiều người. Không ngờ rằng hiện nay tôi đang làm được điều đó…”, Thượng tọa bày tỏ.

Trong chuyến công tác tại Hà Nội lần này, Thượng tọa thấy trọng trách của mình rất lớn khi vừa bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ với đề tài “Nghĩa vụ con người trong Pháp luật quốc tế và Pháp luật Việt Nam” (ngày 9/12/2021), vì đây là một đề tài rất khó. Luận án sẽ đem lại rất nhiều giá trị cho xã hội. Giới nghiên cứu khoa học cũng đưa ra những đánh giá rất cao về Luận án. TS Phạm Hồng Quang bày tỏ sự ngạc nhiên: đây là một đề án “khó, độc, lạ” nhưng “tính khoa học, tính phản biện rất cao và giá trị rất thiết thực”.

Có thể nói, việc nghiên cứu Tiến sĩ ngành Luật học là rất hiếm hoi đối với các nhà tu hành. Chặng đường này đã có không ít những gian nan thử thách, nhưng Thượng tọa vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng. “Trong khoa học nhân văn, ngành Luật góp tiếng nói quan trọng. Vì Luật pháp liên quan tới quyền lực quốc gia. Do đó, tiếng nói và sức mạnh của ngành Luật rất lớn. Nếu có đạo lý, đạo đức và luật pháp thì con người sẽ trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều”, Thượng tọa cho biết.

Trong quá trình bảo vệ, từ tên đề tài đến các lần bảo vệ chuyên đề, bảo vệ cấp cơ sở, Thượng tọa đã gặp phải không ít ý kiến trái chiều khá sắc bén của giới nghiên cứu chuyên môn, nhất là những lần phản biện khá gay go của Hội đồng đánh giá Luận án. Tuy nhiên, những lý luận chắc chắn và sự thuyết phục mang tính khách quan, khoa học đã làm hài lòng cả những Giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành như: GS.TS Nguyễn Đăng Dung, TS Phạm Hồng Quang, PGS.TS Tường Duy Kiên…

Thượng tọa cho biết: “Tôi vốn là cử nhân Anh văn. Khi theo học văn bằng 2 cử nhân Luật tại Trường Đại học Luật Hà Nội, tôi bắt đầu có nhiều suy nghĩ mở rộng. Đặc biệt, khi học môn học về Nhân quyền, tôi như bùng nổ cảm xúc. Tôi tự đặt câu hỏi rằng: Cả thế giới chỉ nói về quyền con người, đấu tranh vì quyền con người, sao không ai thúc đẩy nghĩa vụ con người? Con người phải thực thi nghĩa vụ rồi mới được thụ hưởng quyền chứ? Trong chương trình cử nhân Luật, tôi cũng chỉ được học môn Quyền con người mà không được học môn Nghĩa vụ con người. Trong tôi nảy ra ý nghĩ: mình phải làm nghiên cứu về đề tài liên quan đến nghĩa vụ con người. May mắn, khi tốt nghiệp cử nhân Luật, tôi đạt thủ khoa nên Trường Đại học Luật Hà Nội đã cho tôi cơ hội làm nghiên cứu sinh”.

Điểm đặc biệt ở Luận án là phần giải pháp, Thượng tọa đã đề xuất một bản Tuyên ngôn Toàn cầu về Nghĩa vụ con người để cân đối lại với bản Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948. Đây là giải pháp rất mạnh dạn, rất táo bạo mà các giảng viên của Trường Đại học Luật Hà Nội cũng như các nhà nghiên cứu chuyên môn khác đều rất bất ngờ. Giải pháp đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Hội đồng đánh giá chuyên môn. GS.TS Thái Vĩnh Thắng - Giảng viên cao cấp, nguyên Chủ nhiệm khoa Pháp luật Hành chính-Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng: Đề xuất này “là một gợi ý có ý nghĩa lớn cho Liên hợp quốc về vấn đề cân bằng giữa Quyền và Nghĩa vụ”.

Thượng tọa phân tích: “Tuyên ngôn Nhân quyền được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10/12/1948, tức sau ngày 9/12 năm nay chỉ một ngày là tròn 73 năm kỷ niệm ngày công bố. Sau bản Tuyên ngôn này, nhiều văn kiện pháp lý đã ra đời và ảnh hưởng rất lớn cho nhân loại về vấn đề Nhân quyền. Và tôi xin đưa ra bản Tuyên ngôn Toàn cầu về Nghĩa vụ con người để cân đối lại. Nghĩa là ai có quyền gì thì phải có nghĩa vụ kèm theo. Ví dụ, ta có quyền được sống trong một xã hội sung túc thì nghĩa vụ của ta là phải lao động để tạo ra của cải vật chất cho xã hội này, để mọi người cùng nhau thụ hưởng”.

Nhấn mạnh về nghĩa vụ của con người, Thượng tọa Thích Chân Quang nhìn nhận: “Nghĩa vụ khi nào cũng phải nhiều hơn quyền lợi thì xã hội mới bền vững. Con người cần những lợi ích hợp pháp để sống, trong đó có vật chất như tiền bạc, nhà cửa, môi trường trong lành… và tinh thần như sự giáo dục, sự an toàn… Nhưng ai cung cấp những điều đó cho con người? Trước nay, rất nhiều người nghĩ rằng, cứ vin vào quyền con người được pháp luật quy định thì sẽ được ai đó cung cấp lợi ích hợp pháp. Nhưng không, hễ quyền là phải có nghĩa vụ đi kèm. Và trên thực tế, đã rất nhiều người không thể thực thi nghĩa vụ nên họ không thể có quyền.

Ví dụ trẻ sơ sinh chưa đóng góp được gì cho xã hội, mà theo lý luận của pháp luật, nếu không thực thi nghĩa vụ thì không có quyền. Không có quyền nhưng vẫn phải được cung cấp những lợi ích hợp pháp. Như vậy, sự chăm sóc nuôi dưỡng mà trẻ em được hưởng không đến từ Nhân quyền mà đến từ Nhân tình - tình yêu thương giữa con người với nhau. Hoặc một người lao động vất vả cống hiến cho xã hội đến khi nghỉ hưu, lợi ích của họ có được là do Nhân nghĩa cung cấp chứ không phải Nhân quyền. Nhân nghĩa chính là lòng biết ơn của xã hội với chính con người đó, vì cả đời họ đã cống hiến cho xã hội và họ xứng đáng được hưởng lợi ích hợp pháp khi về già, đó là sự biết ơn của xã hội.

Và người khuyết tật không thể thực thi nghĩa vụ, mà không thực thi nghĩa vụ thì không có quyền. Vậy làm sao ta cung cấp lợi ích cho họ? Lúc này ta có phương thức Nhân đạo. Xã hội sẽ khơi lên lòng nhân đạo của mọi người để cung cấp lợi ích hợp pháp cho những trường hợp đó bằng sự yêu thương”, Thượng tọa nói.

Vậy nên, theo Thượng tọa Thích Chân Quang, ta có 4 phương thức để cung cấp lợi ích cho con người là: Nhân quyền do pháp luật quy định. Nhân tình là tình yêu thương giữa con người với con người (nhất là gia đình). Nhân nghĩa là lòng biết ơn của xã hội với các cá nhân một đời cống hiến cho xã hội như thương binh, liệt sĩ… Và Nhân đạo là sự tử tế của con người với những người yếu thế trong xã hội này. Ta có tới 4 phương thức, chứ không phải Nhân quyền là duy nhất.

Theo Thượng tọa Thích Chân Quang, để thực thi được nghĩa vụ con người thì yếu tố xây dựng nhận thức đạo đức là cực kỳ quan trọng. Song song đó là việc vận dụng kết hợp các công cụ như pháp luật, tín điều tôn giáo, quy định của tổ chức, văn hóa truyền thống xã hội… mới có thể điều chỉnh hành vi con người, làm cho con người thực thi nghĩa vụ một cách hạnh phúc, tự nguyện, thực thi vượt hơn yêu cầu. Như lời tựa cuốn luận án Thượng tọa viết: “Mỗi người đến với thế giới này đều có trách nhiệm xây dựng thế giới tốt đẹp hơn, để cùng nhau thụ hưởng những quyền và hạnh phúc trong thế giới đó”.

HẢI NHI