Hướng tới một ngành ngoại giao hiện đại, chuyên nghiệp

H.VŨ 19/12/2021 06:35

Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, ngày 18/12, Bộ Ngoại giao tổ chức Phiên họp toàn thể về công tác xây dựng ngành với chủ đề: “Đổi mới, sáng tạo hướng tới xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại”. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh dự và chỉ đạo hội nghị.

Chủ động tìm cách làm mới, hướng đi mới

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, đối ngoại và ngoại giao luôn gắn liền với sự phát triển bang giao quốc tế và phục vụ lợi ích các quốc gia, dân tộc. Trong điều kiện toàn cầu hóa sâu rộng và dưới tác động nhiều chiều của các xu thế lớn và các thách thức toàn cầu, đặc biệt từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, ngành ngoại giao của nhiều nước trên thế giới đã, đang và tiếp tục có những điều chỉnh để thích ứng với bối cảnh mới.

Theo ông Sơn, cùng với đất nước, ngành ngoại giao đang bước vào giai đoạn chiến lược mới để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Bên cạnh đó, nhiều năm nay, ngành ngoại giao đã và đang triển khai đồng bộ và gắn kết chặt chẽ các trụ cột, binh chủng ngoại giao, bao gồm ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân, nhằm thực hiện nhiệm vụ giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao vị thế đất nước.

“Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong giai đoạn mới cùng với những biến chuyển sâu sắc của tình hình thế giới đang đặt ra yêu cầu về mở rộng nội hàm, lĩnh vực hoạt động của ngành ngoại giao. Bên cạnh các lĩnh vực truyền thống, đòi hỏi ngành ngoại giao phải chủ động, tích cực tìm cách làm mới, hướng đi mới, lĩnh vực mới đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước như ngoại giao công nghệ, ngoại giao số, ngoại giao môi trường, ngoại giao y tế, ngoại giao năng lượng” - ông Sơn nhấn mạnh.

Phát triển “ngoại giao số”

Cũng theo ông Sơn, tính hiện đại của ngoại giao Việt Nam thể hiện ở sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống, bản sắc ngoại giao dân tộc, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, đường lối đối ngoại của Đảng ta qua các thời kỳ và tinh hoa ngoại giao thời đại. Vận hành ngành ngoại giao trong khuôn khổ thể chế ngày càng hoàn thiện. Tổ chức bộ máy tinh gọn, hợp lý, hiệu quả với phương thức hoạt động khoa học, chuẩn hóa và số hóa, có năng lực đổi mới, sáng tạo và chủ động thích ứng với chuyển biến mau lẹ của tình hình.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Công tác đối ngoại trong Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa qua là xây dựng một nền ngoại giao hiện đại cụ thể là bộ máy, tổ chức, phương thức hoạt động, trên cơ sở các thành tố quan trọng của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh như lợi ích quốc gia dân tộc, độc lập tự cường, làm bạn với tất cả các nước, xây dựng đối ngoại trở thành một mặt trận binh chủng, kết hợp sức mạnh thời đại với sức mạnh dân tộc, “dĩ bất biến ứng vạn biến” hay ngoại giao “tâm công”.

Từ đó, theo Phó Thủ tướng, xây dựng một nền ngoại giao toàn diện dựa trên ba trụ cột, toàn bộ các bộ ngành, địa phương, hệ thống chính trị, trên tất cả các lĩnh vực từ ngoại giao chính trị, an ninh-quốc phòng, kinh tế, văn hóa là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

“Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam đã triển khai và đẩy mạnh công tác ngoại giao trực tuyến, duy trì tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao, mở rộng quan hệ ngoại giao, vận động, giao lưu, trao đổi về hợp tác kinh tế, văn hóa xã hội đều thông qua trực tuyến như mô hình đại sứ lưu động hay đại sứ ảo, hiện đang được một số nước áp dụng, điển hình là Singapore và Barbados”-Phó Thủ tướng cho hay.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, ngoại giao số có thể được ứng dụng rộng rãi hơn trong đối ngoại, tăng cường độ bao phủ ngoại giao Việt Nam, đặc biệt tại địa bàn kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, để thực hiện một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại nhằm thực hiện các mục tiêu đối ngoại đã được đề ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIII thì ngành Ngoại giao cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, bộ máy, củng cố năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại.

Muốn vậy, theo Phó Thủ tướng, cần quan tâm đến công tác cán bộ trong triển khai đối ngoại. Cần tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng trong tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng các cán bộ mới theo hướng toàn diện, hiểu biết về các vấn đề, có trình độ, có văn hóa và khả năng thích ứng với thay đổi, nhất là trong công nghệ, cũng như đảm bảo cơ sở vật chất, tư tưởng chính trị, hệ giá trị, văn hóa, bản sắc của cán bộ ngoại giao làm công tác đối ngoại.

Chiều cùng ngày, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 bế mạc.

H.VŨ