Covid-19 mang tới đói nghèo
Hơn 500 triệu người trên toàn cầu đã bị đẩy vào cảnh nghèo đói cùng cực khi họ phải tự trang trải chi phí chữa trị Covid-19. Thông tin này được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra.
Theo đó, đại dịch Covid-19 đã làm đứt gãy hệ thống y tế trên khắp thế giới và gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ những năm 1930, khiến nhiều người dân càng gặp khó khăn hơn khi chi trả cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
“Tất cả các chính phủ phải lập tức nối lại và đẩy nhanh những nỗ lực nhằm đảm bảo mọi công dân của họ có thể tiếp cận các dịch vụ y tế mà không phải sợ những hệ quả về tài chính” - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi. Theo WHO, mọi người dân đều phải được tiếp cận với các dịch vụ y tế họ cần mà không gặp khó khăn về tài chính.
“Đại dịch Covid-19 khiến mọi thứ trở nên tồi tệ, trong khi đó số ca tử vong do bệnh lao và sốt rét đang có xu hướng tăng”, Juan Pablo Uribe - Giám đốc toàn cầu về y tế, dinh dưỡng và dân số tại WB, cho hay.
Còn trong một báo cáo của tổ chức Oxfam, Covid-19 có nguy cơ đang tạo ra một “kỷ băng hà việc làm” dẫn tới gia tăng tình trạng nghèo đói, kể cả ở những quốc gia vốn thịnh vượng. Ngay tại Nhật Bản, quốc gia chống chịu đại dịch tốt vào loại hàng đầu thế giới thì trong đại dịch cũng có tới 40% người lao động vốn làm việc thời vụ dễ bị tổn thương với mức lương thấp và hợp đồng có thể dễ dàng bị chấm dứt.
Ông Ren Ohnishi - người đứng đầu Trung tâm hỗ trợ cuộc sống độc lập Moyai cho biết: Nhiều người Nhật đang làm việc bán thời gian và có mức lương thấp. Trong hệ thống xã hội của Nhật Bản, bạn sẽ được giúp đỡ nếu là lao động chính thức toàn thời gian hoặc nếu có gia đình hỗ trợ.
Nhưng một khi bạn trượt khỏi mạng lưới an toàn, chẳng hạn như làm công nhân bán thời gian hoặc không có quan hệ tốt với gia đình, bạn có thể dễ dàng rơi vào cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, ở thời điểm này, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản vẫn hàng đầu thế giới và số người ở mức “nghèo tương đối” cũng thấp nhất thế giới.
Không được như Nhật Bản, nhiều quốc gia châu Phi, Nam Á, Trung Mỹ, số người nghèo vẫn không ngừng gia tăng do đại dịch Covid-19 kéo dài. Nhiều quốc gia châu Phi cho dù không phải quá “vật vã” với biến chủng Delta gây bệnh Covid-19 ở mức khủng khiếp, nhưng số người thất nghiệp đã tăng lên đáng kể. Nhất là tại những vùng thôn quê, cảnh người dân không có việc làm, phải đợi cứu trợ đã được coi là “quen thuộc”.
Tiến sĩ John Nkengasong - người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho hay, dịch bệnh kéo dài trong khi hệ thống y tế tại châu lục này khá “mong manh” nên sức chống chịu của nó đã tác động tới nền kinh tế.
Trong khi đó, biến thể Omicron lại đe dọa, khiến nhiều quốc gia đã hạn chế đi lại hai chiều tới đây. Tiến sĩ Nkengasong nhận xét, đại dịch Covid-19 đã kéo theo đói nghèo, trở thành đại dịch “kép”, càng khiến cho thực tế cuộc sống khó khăn hơn.
Còn tại Nam Á, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhiều quốc gia vẫn phải đóng cửa trường học cũng như hạn chế nhiều hoạt động kinh tế. Do đó, cũng khiến thu nhập nhiều gia đình tụt dốc.
Tại Trung Mỹ, cùng với đói nghèo, bạo lực, đại dịch Covid-19 và thiên tai đã khiến hàng nghìn người di cư trái phép tới Mỹ. Những dòng người từ Honduras đã phải liều mình vượt qua lực lượng quân đội có vũ trang của Guatemala để tiến vào nước này.
Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) người di cư phải trải qua những hành trình dài, nguy hiểm, họ chịu rủi ro rất cao, bị bắt cóc và giết hại bởi các băng nhóm tội phạm.
Đại diện IOM cho rằng, muốn ngăn được dòng người di cư bất hợp pháp thì các quốc gia trong khu vực phải có sự phối hợp chung. Tuy nhiên, cơ bản là phải nhanh chóng khống được dịch Covid-19, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội để người lao động nghèo có thu nhập. Tuy nhiên, đó không bao giờ là chuyện dễ dàng.