Hàng Tết ‘lặng như tờ’
Mặc dù chỉ còn khoảng hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, song thời điểm này, thị trường hàng hóa Tết khá ảm đạm, khác hẳn không khí của những năm trước - thời điểm chưa có dịch Covid-19. Khảo sát thị trường cho thấy, các doanh nghiệp (DN), nhà phân phối, các tiểu thương rất dè dặt trong việc chuẩn bị nguồn hàng cho Tết năm nay.
Chợ truyền thống đìu hiu
Nếu như thời điểm này, dịp cận lễ Noel và Tết Dương lịch mọi năm, không khí mua sắm, trang hoàng đón năm mới đã rất náo nhiệt, thì năm nay rất bình lặng. Đèn hoa không được trang hoàng rực rỡ như cùng kỳ mọi năm.
Đáng chú ý, do dịch bệnh kéo giảm thu nhập của người dân nên việc sắm sửa hàng hóa cho dịp Tết năm nay của người dân trở nên trầm lắng hơn hẳn. Tại các chợ truyền thống, các tiểu thương hầu như rất e dè với việc trữ hàng cho dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Tại chợ Hôm - Đức Viên (Hà Nội), nhiều tiểu thương bán hàng ở đây cho hay, kể từ khi Hà Nội mở cửa trở lại và hoạt động theo Nghị định 128, lượng người dân đến mua sắm tại chợ giảm rõ rệt, không còn cảnh tấp nập người ra kẻ vào chợ Hôm như thời chưa xảy ra dịch bệnh.
Chị Phạm Mai Lan (chủ tiệm giày dép tại chợ Hôm) cho biết, thời điểm này so với cùng kỳ các năm trước, không khí mua sắm trầm lắng hơn rất nhiều.
Theo chị Lan, nếu như năm ngoái, dịp cuối năm là thời điểm các tiểu thương nhập lượng hàng lớn hơn nhiều lần so với ngày thường vì nguồn cung tăng cao, thì năm nay tình hình hoàn toàn ngược lại. Do dịch bệnh, tiểu thương không dám nhập hàng, vì chỉ sợ nhập về không bán được.
“Cùng thời điểm này các năm trước, tôi nhập rất nhiều giày dép vì cuối năm là thời điểm người dân sắm sửa “mạnh tay”, nhưng năm nay khác, chỉ nhập khoảng 3 phần so với 10 phần của những năm trước. Ở đây, mọi người đều lo lắng không dám nhập hàng vì nhỡ chẳng may hôm nay nhập, mai có một ca F0 là chợ đóng cửa” - chị Lan chia sẻ.
Những tưởng các cửa hàng kinh doanh ăn uống sẽ khá hơn, song, bà Nguyễn Thị Tươi (chủ quầy phở ở chợ Hôm) cho biết, cửa hàng phở của bà từ lúc mở cửa lại khi Hà Nội hết thực hiện giãn cách xã hội, đến nay, luôn trong tình trạng ế ẩm. Nếu như trước đây, chỉ đến 9 giờ sáng là tôi đã dọn hàng, thì nay đến 11 giờ trưa vẫn còn” - bà Tươi cho hay.
Sang các quầy bán đồ khô, bánh kẹo, tình hình tuy có khá hơn so với các quầy bán giày dép, quần áo, vải vóc - những mặt hàng không thiết yếu, song lượng người mua cũng không nhiều như trước đây.
Tương tự, tại các chợ truyền thống khác trên địa bàn TP Hà Nội như Cầu Giấy, Thành Công, Nhân Chính, Đồng Xuân... tình hình cũng không khá hơn. Hầu hết các tiểu thương buôn bán tại các chợ này đều có chung nhận định, lượng người mua sắm hàng Tết năm nay ít hơn rất nhiều so với mọi năm.
Chị Trần Tuệ Linh (tiểu thương bán bánh kẹo ở chợ Đồng Xuân) cho biết, số người đến hỏi mua hàng trong ngày chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi cùng thời điểm này mọi năm, người dân hỏi mua hàng tới tấp, nhiều sản phẩm phải đặt trước vài ngày mới có.
“Mọi năm cứ đầu tháng 11 khách đã bắt đầu đi hỏi giá để nhập hàng Tết, nhưng giờ chợ đã mở cửa cả tháng, Tết lại đang đến gần mà chưa thấy ai gọi hỏi. Tôi không dám nhập hàng nhiều vì sau đợt dịch lần 1 và 2 buôn bán đã rất chông chênh, nếu nhập hàng mà không bán được sẽ phải bỏ, trong khi mặt hàng Tết không để được lâu, chỉ 1-2 tháng là hỏng” - chị Linh nói.
Cũng theo chị Linh, trong khoảng hơn một tháng trở lại đây, chị chỉ kinh doanh các loại bánh kẹo truyền thống, lượng hàng bán ra chỉ bằng 30% so với trước đây nên kế hoạch trữ hàng Tết sớm đã được chị Linh “rất cân nhắc”.
Các doanh nghiệp vẫn cung ứng đủ nguồn hàng
Khảo sát tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hàng hóa cũng không phong phú và được nhập hàng tấp nập như mọi năm. Tại siêu thị Vimart + trên phố Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội), hàng hóa vẫn khá dồi dào nhưng không còn cảnh người mua tấp nập xếp hàng mua như các năm trước.
Đại diện siêu thị này cho biết, từ thời điểm làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 đến nay, lượng người đến mua mỗi ngày đã sụt giảm mạnh so với trước.
Ghi nhận của PV cho thấy, các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán được bày bán trên các kệ của siêu thị khá phong phú, từ bánh kẹo đồ khô, miến, măng, mộc nhĩ, giò chả... cho đến các đồ dùng không thiết yếu như khăn mặt, bột giặt và các vật dụng khác. Thế nhưng số khách vào mua rất đìu hiu.
Chị Trần Thị Minh Thu, người dân ở phố Chính Kinh cho biết, trước cũng rất hay vào siêu thị này mua sắm nhưng kể từ khi dịch bệnh bùng phát mạnh, chị chủ yếu đặt mua hàng trên mạng, không vào trực tiếp siêu thị để mua đồ để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), dịch Covid-19 tác động mạnh đến thu nhập của người dân, phần lớn người dân giảm thu nhập nên đã thắt chặt chi tiêu. Bởi vậy, sức mua trong cuối năm nay sẽ không cao và sẽ tập trung chủ yếu vào mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và trong dịp Tết Nguyên đán.
Dù sức mua dịp cuối năm giảm, song thời điểm này, Bộ Công thương cho biết, đã đã chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương chủ động tham mưu cho UBND tỉnh các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa theo các cấp diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn; có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân.
“Hiện nay, tại các tỉnh, thành phố trên cả nước… đều đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm dự trữ các loại hàng hóa lương thực, thực phẩm cần thiết trước mọi cấp độ và diễn biến của dịch Covid-19” - ông Đông thông tin.
Nhiều DN bán lẻ cũng đã lên kế hoạch cung ứng hàng hóa dịp Tết phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số DN, dựa trên tình hình sức mua chung của người dân, các DN đã chuẩn bị một lượng cung hàng hóa khá đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của người dân trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến khá phức tạp.
Theo ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG, hiện doanh nghiệp đã lên kế hoạch chuẩn bị mùa mua sắm cuối năm và Tết Nguyên đán. Dự kiến, lượng hàng dự trữ tăng 25% so với năm ngoái.
Theo đó, hệ thống các siêu thị của BRG đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu. Siêu thị đã làm việc với nhà cung cấp triển khai các chương trình tặng kèm cho mùa mua sắm cuối năm nhằm kích cầu, giúp khách hàng mua sắm dễ dàng.
Co.opmart Hà Nội cũng cho biết, để chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, doanh nghiệp đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng cường lượng hàng thiết yếu lên gấp đôi, qua đó chủ động nguồn cung dự trữ điều tiết giá hàng hóa Tết.
Đồng thời, đơn vị tăng cường tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa lên thêm 5-10 lần so với các tháng trong năm, nhất là nhóm hàng thực phẩm Tết, nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Đại diện Co.opmart cho hay, sẽ cố gắng đạt doanh số hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, với tổng trị giá 104 tỷ đồng, tăng 5% so với Tết Nguyên đán 2021.
Trong khi đó, Tập đoàn Central Group cũng cho biết, lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 của hệ thống siêu thị Big C dự kiến tăng khoảng 5-7% so với kế hoạch Tết 2021.
Sở Công thương Hà Nội cho biết, đã ban hành kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trên địa bàn thành phố. Theo đó, tổng giá trị hàng Tết sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của khoảng 10,33 triệu người hiện đang sinh sống, làm việc, học tập tại đây.
Theo Sở Công thương Hà Nội, hiện kênh bán hàng truyền thống trên địa bàn Thủ đô gồm: 28 hệ thống trung tâm thương mại; 123 hệ thống siêu thị; 449 chợ; 1.800 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 141 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn, có thể kết nối với 1.130 đầu mối, chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản của 45 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Các kênh bán hàng đa phương tiện: Bán hàng qua website, hotline, app… với khoảng 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng theo hình thức trực tuyến.
Trong trường hợp cần thiết khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn, có thể sử dụng: 2.500 địa điểm tại các quận, huyện sẵn sàng bố trí làm kho và điểm bán hàng lưu động; các điểm trung chuyển hàng hóa đã dự kiến; chuyển các địa điểm bán các mặt hàng không thiết yếu (siêu thị, cửa hàng, nhà hàng) sang bán hàng hóa thiết yếu…