Dấu hiệu F0 tại nhà trở nặng
Theo Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0 do Sở Y tế Hà Nội ban hành đầu tháng 12, F0 hoặc người chăm sóc cần báo ngay cho nhân viên y tế khi có một trong những dấu hiệu sau:
- Khó thở, thở hụt hơi hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít khi hít vào.
- Nhịp thở tăng: Người lớn nhịp thở bằng hoặc trên 21 lần/phút; Trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi nhịp thở bằng hoặc trên 40 lần/phút; Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi nhịp thở bằng hoặc trên 30 lần/phút. Lưu ý ở trẻ em đếm đủ nhịp thở trong vòng một phút khi trẻ nằm yên không khóc.
- SpO2 dưới 95% (nếu có thể đo), khi phát hiện bất thường thì đo lại lần hai sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo.
- Mạch nhanh trên 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút.
- Huyết áp (nếu có thể đo): Huyết áp tối đa dưới 90mmHg, huyết áp tối thiểu trên 60 mmHg.
- Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
- Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khó, li bì, khó đánh thức, co giật.
- Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
Ở trẻ em là các dấu hiệu trẻ không thể uống hoặc bú kém, giảm, ăn kém, nôn. Trẻ có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống như sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban..., mắc thêm bệnh cấp tính như sốt xuất huyết, tay chân miệng...
Các triệu chứng nặng sẽ xuất hiện vào ngày thứ 7 đến thứ 10 kể từ khi khởi bệnh, ngay sau thời điểm bệnh nhân ho tăng liên tục, khi virus phát tán mạnh nhất và nồng độ virus cao nhất. “Đây là thời điểm F0 cần được theo dõi sát nhất”, theo bác sĩ Nguyễn Thành Quân, Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành.
Quan trọng nhất là phát hiện tình trạng thiếu oxy thầm lặng.
TS.BS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam chia sẻ: “Một số bệnh nhân Covid-19 gặp phải tình trạng thiếu oxy thầm lặng, tức độ bão hòa oxy trong máu giảm nhưng họ vẫn hoàn toàn thấy khỏe mạnh và không hề khó thở. Do đó việc đo nồng độ oxy trong máu sẽ giúp người bệnh sớm phát hiện được tình trạng này và can thiệp y tế kịp thời”. F0 nhẹ, không triệu chứng không chủ quan mà cần tăng cường kiểm tra để phát hiện tình trạng này.
Về chế độ ăn uống, sinh hoạt, F0 nên nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe), tập hít thở ít nhất 15 phút mỗi ngày, uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước, không bỏ bữa. F0 cũng cần tăng dinh dưỡng như ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả... và suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái.