Lênh đênh thương hồ
Những ghe thương hồ ở ven sông Hậu đoạn chảy qua thành phố Long Xuyên (An Giang) ngày cuối năm chộn rộn, khẩn trương hơn. Những chuyến hàng tất bật, tiếng vỏ lãi, tiếng mạn thuyền chạm vào nhau, tiếng người mời gọi khách, í ới bạn hàng quen như da diết hơn…
1. Cuối năm, ai cũng toan tính để trở về, nhưng người thương hồ lại bắt đầu hối hả ra đi. Cả một năm dài không thể buôn bán do dịch bệnh, họ sống đắp đổi qua ngày bằng chút sản vật từ dòng sông nên thời gian cuối năm là cơ hội mưu sinh của nhiều ghe.
Ngoảnh nhìn về phía cầu Vàm Cống xa xa như chiếc tàu dừa vắt qua sông, ông Nguyễn Văn Phiên, 67 tuổi nhẩm tính, hết ngày mai trả đơn cho khách ở Long Xuyên rồi xuôi về Cái Bè lấy trái cây. Sau tạt sang Chợ Lách lấy bông kiểng rồi vòng qua Gò Công ăn giỗ cha nuôi trước khi ngược lên Chợ Đệm bỏ hàng.
Cuối năm nhiều nhà vườn trên Bình Chánh, Nhà Bè bắt đầu trữ cây hoa kiểng bán Tết. Sau đó ông sẽ quay lại Sa Đéc, Hồng Ngự lấy khô, lấy mắm cho chuyến hàng cuối cùng của năm. Dù là chiếc ghe nhỏ nhất trong những ghe buôn thương hồ nơi đây nhưng hành trình miền Tây lên TP HCM rồi quay về đã gắn bó với ông hơn nửa thế kỷ, đều đặn như con nước lớn nước ròng.
Ông Phiên kể, với ông gắn bó cùng chiếc ghe, dòng sông không chỉ là một cuộc mưu sinh mà dường như đang trả nợ cuộc đời, trả nợ số phận. Năm bảy tuổi ông theo bạn ra tắm sông ở cù lao sau nhà thì bị nước cuốn đi. Khi tỉnh dậy thấy mình được đôi vợ chồng già chạy ghe buôn gốm vớt lên.
Ghe đang chạy từ Kiên Lương lên Thủ Dầu Một lấy hàng. Khi quay về, họ ghé lại nhiều cù lao dọc dòng sông để hỏi xem có gia đình nào mất con không nhưng không ai biết. Lúc đó ông chỉ nhớ tên cha là Năm, tên mẹ là Bảy và trước nhà có 2 cây so đũa chứ không biết cù lao tên gì. Ông cũng không biết mình bị ngất đi bao lâu cho tới khi được vớt lên.
Sau này ông nghĩ có lẽ số phận chọn ông sống cùng sông nước nên ông xin ở lại trên ghe cùng vợ chồng già buôn gốm. Sau đó ông lấy vợ, sắm một chiếc ghe của đời mình. Chỉ có cuộc mưu sinh là không đổi, vẫn lênh đênh khắp miền ngược, miền xuôi.
Vừa chuẩn bị bữa cơm chiều, bà Hồng vợ ông vừa bảo hôm rồi con gái ở dưới Cai Lậy chạy xe máy chở 2 đứa cháu lên thăm. Do dịch nên nửa năm không gặp con cháu, ông bà vui cả tuần sau đó. Nói chuyện làm ăn, bà Hồng bảo năm nay khó khăn, cứ mua khô, mua mắm đem về thành phố bán dễ hơn chứ mua hoa, mua kiểng sợ hụt vốn. Mấy bữa trước bà phải bán sáu chỉ vàng để làm vốn cho chuyến hàng cuối năm này nên phải tính toán cho kỹ.
Năm nay dịch dã ai cũng khó khăn cả. Nếu bán hết hàng ông bà sẽ ghé Cai Lậy ăn Tết cùng vợ chồng con gái, còn không thì cứ neo ở bên Bình Chánh, Nhà Bè cho tới qua Tết luôn cũng không sao. Nhiều năm ông bà cũng ăn Tết ven sông ở TP HCM rồi nên quen. Trên đó cũng vui, chỉ có điều ít bạn ghe neo lại từ năm này qua năm khác.
2. Khu vực quanh chợ nổi Long Xuyên này có hàng trăm ghe thương hồ. Họ là ghe buôn chuyến từ Long Xuyên lên TP HCM như vợ chồng ông Phiên cũng có mà ghe ở các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Cà Mau chạy về bán nông sản cũng nhiều. Trong số vài chợ nổi còn sót lại của dải đất đồng bằng châu thổ rộng lớn, chợ nổi Long Xuyên là nơi còn giữ được tập quán buôn bán và trao đổi hàng hóa xưa cũ nhất.
Đó là các ghe từ nhiều nơi tụ lại, trao đổi hàng hóa trên sông xong lại tỏa đi theo các nhánh sông. Ghe đến và đi tấp nập ngày đêm. Những chợ nổi khác hầu hết chỉ còn ghe du lịch, rất ít ghe buôn bán thương hồ như vậy. Nhưng không chỉ có ghe thương hồ, nơi đây còn nhiều ghe sống cùng thương hồ, cũng gắn bó cùng sông nước.
Chúng tôi ghé vào một chiếc ghe của người quen khác ở khu chợ nổi Long Xuyên này. Đó là chị Ân, 29 tuổi đang sống cùng cậu con trai 13 tuổi trên chiếc ghe nhỏ không di chuyển được, neo cố định như nhà nổi. Chị Ân bị tai nạn bỏng nặng cách đây 7 năm khi chồng chị nhậu say về giữa đêm châm lửa đốt ghe. Rồi cả nhà hoảng hốt nhảy xuống sông. Những bạn thương hồ khác nghe tiếng kêu thét chạy lại chỉ cứu được chị và cậu con trai nhỏ. Chồng chị vẫn mất tích từ đó đến nay.
Năm ngoái tôi cùng mấy người bạn biết hoàn cảnh của chị qua một nhóm từ thiện trên mạng xã hội nên ghé lại tặng chút quà, đồ dùng cho hai mẹ con. Thường ngày chạy ghe vỏ lãi vào bán bún nước lèo buổi sáng, bán tạp hóa buổi chiều cho những nhà bè phía bên kia sông hay những ghe thương hồ neo lại bên này.
Chị Ân luôn đeo khẩu trang, mắt đượm buồn. Chị bảo mấy tháng trước giãn cách, hai mẹ con neo ghe lại, lâu lâu mới dám lên bờ mua gạo, đồ ăn. Cũng may nhờ bà Tám ở cuối xóm trên bờ thi thoảng đem cho bịch khô, hũ mắm còn chị hái rau muống nước nên cũng qua. Bây giờ được buôn bán trở lại, cuộc sống của hai mẹ con cũng dễ thở hơn.
“Mình chạy ghe qua phía bờ bên Lấp Vò bán hàng cho mấy nhà bè thì đắt lắm mà mùa này ghe máy chạy nhiều, sóng lớn lắm. Có bữa mới nấu nồi bún xong qua gần tới bờ bên kia thì gặp ghe máy sóng dập chòng chành đổ hết cả xuống sông. Vậy là cả tuần bán mới bù lại được. Đời sông nước là vậy, cũng do mình chạy ghe nhỏ chứ người ta đâu có cố ý hại mình”, chị Ân kể.
3. Nhưng không chỉ có những số phận bàng bạc, buồn buồn mà chợ nổi còn mang đến cả niềm vui. Nhổ neo sau khi chuyển hết hơn 4 tấn khoai mỡ và sắn ngọt, vợ chồng chị Tâm, anh Hạnh không giấu nổi vẻ mặt hồ hởi bảo giờ họ sẽ quay về nhà ở bên Tháp Mười nghỉ ngơi vài bữa, sửa lại chân vịt rồi vòng xuống Tân Phước, Mộc Hóa lấy thơm cho chuyến kế tiếp.
“Mùa này nhiều nông dân đang cắt thơm, mình lấy về bỏ mối bên này để ghe họ mang xuống dưới miệt Bình Đại, Ba Tri, Mỹ Long, Duyên Hải. Dưới đó ven biển dân không có thơm nên mấy mối hàng điện thoại từ đầu tháng nhưng bên Tiền Giang hồi bữa họ bắt có test âm tính mới cho ghe qua nên hai vợ chồng chưa dám đi.
Mình ghe nhỏ buôn bán không lời nhiều, đi qua lại mà mất mấy trăm ngàn tiền test Covid-19 nữa thì thôi ở nhà luôn. Mong từ giờ tới cuối năm yên ổn để có cái Tết tươm tất cho tụi nhỏ”, chị Tâm chia sẻ chân thành.
Những cây cầu, trục đường cao tốc đang mọc lên ngày một nhiều ở dải đất châu thổ này và có lẽ những ghe thương hồ, những gương mặt, số phận mới trò chuyện cùng tôi kia là những người thương hồ cuối cùng.
Không khó để đoán, thế hệ sau của họ, nhưng có thể đứa trẻ đang lúi cúi coi điện thoại sẽ dời xa dòng sông, dời xa cuộc đời buôn bán thương hồ này mãi mãi. Bởi không chỉ vì cuộc mưu sinh mà có lẽ, chúng không còn nặng lòng với dòng sông.
Trong số vài chợ nổi còn sót lại của dải đất đồng bằng châu thổ rộng lớn, chợ nổi Long Xuyên (An Giang) là nơi còn giữ được tập quán buôn bán và trao đổi hàng hóa xưa cũ nhất. Đó là các ghe từ nhiều nơi tụ lại, trao đổi hàng hóa trên sông xong lại tỏa đi theo các nhánh sông. Ghe đến và đi tấp nập ngày đêm. Những chợ nổi khác hầu hết chỉ còn ghe du lịch, rất ít ghe buôn bán thương hồ như vậy. Nhưng không chỉ có ghe thương hồ, nơi đây còn nhiều ghe sống cùng thương hồ, cũng gắn bó cùng sông nước.