Gói hỗ trợ phải đúng và trúng thời điểm
Các tín hiệu tích cực của việc phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) ngày càng rõ nét. Tuy nhiên để có thể bứt phá, DN mong muốn có được các gói hỗ trợ đủ sâu, có tính toán tới đặc thù của từng ngành và triển khai ngay trong đầu năm 2022.
Sự phục hồi tích cực
DN thời gian này đang chạy nước rút để hoàn thành đơn hàng Tết, kèm với đó đăng thông tin tuyển dụng để lên kế hoạch vận hành cho năm tới.
Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh (Agtex) Phạm Văn Việt cho biết, sau khi TP Hồ Chí Minh mở cửa trở lại từ 1/10, các DN tập trung sản xuất các đơn hàng xuất khẩu và đã kết thúc mùa Thu Đông 2021 từ ngày 15/11. Hiện các DN đã chuyển sang sản xuất hàng cho năm 2022.
Song, theo ông Việt, chi phí vận chuyển đã tăng lên tới 15.000 USD/container, quá cao so với mức 2.700 USD hồi trước dịch. Thêm vào đó, chi phí nguyên phụ liệu cũng tăng trung bình 10 -15% so với trước, trong đó giá bông tăng 20%, giá sợi tăng 10%...
Ngoài những vấn đề về chi phí thì nguồn vốn đối với sự phục hồi cũng đang là bài toán nan giải cho các DN, đặc biệt là các DN vừa vừa nhỏ. Theo ông Việt, việc đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là chuỗi tiêu thụ gây ảnh hưởng lớn tới dòng tiền của DN. Tình hình dịch bệnh phức tạp khiến các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may Việt Nam chỉ có thể bán hàng qua kênh online. Do đó, các DN dệt may phải chấp nhận cho đối tác nợ 3 tháng, thậm chí có đơn hàng phải giảm giá 25% và cho nợ 6 tháng. Với các DN sản xuất hàng cho thị trường nội địa, hiện đang là cao điểm sản xuất nên nhu cầu vốn cũng rất cao. “Các DN lớn thì có thể kiểm soát được dòng tiền và xoay sở được, nhưng các DN nhỏ thì gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn” – ông Việt cho biết.
Đại diện một công ty may ở Hưng Yên cũng cho hay, để chạy kịp đơn hàng, công ty đã tăng công suất hoạt động lên 100%. Song, bài toán lớn nhất của công ty lúc này là tính toán làm sao để sản xuất mà không lỗ vốn, do giá nguyên liệu, chi phí sản xuất đội lên cao.
Một cuộc khảo sát trên diện rộng của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cũng chỉ ra, do tình hình các chuỗi cung ứng trên thế giới vẫn đang đứt gãy, chưa phục hồi hoàn toàn nên DN và người lao động tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong bối cảnh “sống chung với dịch”. Có 30% DN cho biết, họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động nói chung và đặc biệt là lao động có trình độ chuyên môn. Hơn 45% DN cho là phải đưa ra mức thu nhập cao hơn so với trước dịch để thu hút lao động trở lại. Do vậy Ban IV đề xuất để hỗ trợ DN vượt qua các khó khăn về tài chính và phục hồi, Chính phủ cần thiết kế các gói hỗ trợ đủ sâu, đủ rộng, có tính toán tới đặc thù của từng ngành và triển khai ngay trong đầu năm 2022 nhằm tạo đà cho DN có sức phục hồi và bứt phá.
Làm sao cho hiệu quả
Để hỗ trợ DN, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế ngành, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cho rằng, cần khẩn trương thực hiện các gói hỗ trợ đã công bố cũng như nghiên cứu thực hiện gói phục hồi tăng trưởng trong trung hạn, xây dựng chiến lược và kịch bản sản xuất kinh doanh trong điều kiện mới, đặc biệt cần có sự tiếp cận và tư duy chính sách mới trong giai đoạn tới.
“Các biện pháp thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt là đầu tư cải thiện hạ tầng số và thúc đẩy DN chuyển đổi số là rất cần thiết. Ngoài ra, cũng cần tận dụng gói hỗ trợ để phát triển một số ngành mũi nhọn, cải thiện chuỗi cung ứng và phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt ”, TS Thắng nêu quan điểm.
Hiện nay, chương trình và các chính sách cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với 5 nhóm giải pháp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng đã phần nào được hé mở. Dù chưa có thông tin cụ thể về quy mô, đối tượng của gói hỗ trợ phục hồi kinh tế này song theo TS Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương, chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ cần có quy mô đủ lớn, có trọng điểm là những ngành, lĩnh vực có mức độ thiệt hại lớn; có đóng góp trực tiếp và lan tỏa khi phục hồi và cần thời gian đủ dài.
Vị chuyên gia này cũng lưu ý, khi có gói hỗ trợ rồi thì điều khó nhất là đưa tiền vào đúng chỗ, đúng thời điểm. Bởi nếu vào sai, hệ quả sẽ xảy ra như gói kích cầu năm 2009, nền kinh tế rơi vào vòng xoáy “lạm phát cao - tăng trưởng thấp - DN suy kiệt”. Bên cạnh việc triển khai nhanh gói hỗ trợ đủ lớn như trên, Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách và tái cấu trúc kinh tế. Đồng thời, tận dụng hội nhập, khai thác các FTA; thu hút FDI có chất lượng; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…
Tại cuộc toạ đàm Sản xuất an toàn giữa mùa dịch diễn ra mới đây, Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn phân tích: qua đợt dịch này các DN đều hiểu rằng tái cấu trúc là bắt buộc và rút ra bài học lớn là sắp xếp lại quy trình làm việc, kết hợp làm việc trực tuyến và trực tiếp.
Cơn bão Covid -19 đã giúp sàng lọc cộng đồng DN, đặc biệt là DN sản xuất. Đây là trải nghiệm mà trong cộng đồng DN cả nước, thì các DN ở TP Hồ Chí Minh thấm nhất. Đây là tín hiệu hy vọng rằng khi trở lại làm việc an toàn, sống chung với dịch thì DN TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là khối DN sản xuất với hàng trăm ngàn lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất đã chuẩn bị tâm thế một cách vững vàng.