Lao động di cư ở nước ngoài đối mặt nhiều rủi ro

Lê Bảo – Minh Quân 20/12/2021 08:32

Hiện có khoảng 500 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, trong đó 30% là lao động nữ. Tuy nhiên họ gặp phải nhiều khó khăn và rào cản hơn nam giới trong suốt quá trình trước, trong và cả sau khi đi lao động về nước.

Thách thức di cư an toàn

Nói về thực trạng lao động di cư, ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, trong giai đoạn từ năm 2014 - 2019, mỗi năm Việt Nam có trên 100.000 người ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng có thời hạn, hàng chục nghìn người du học, kết hôn với người nước ngoài. Thời gian qua, dịch bệnh hoành hành, số lượng người di cư theo các kênh chính thống giảm. Trong khi đó, tình trạng di cư trái phép vẫn diễn biến phức tạp mặc dù kiểm soát biên giới và các biện pháp hạn chế nhập cảnh đã được tăng cường.

Thực tế cho thấy, mặc dù số lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài không nhiều như nam giới, nhưng họ gặp phải nhiều khó khăn và rào cản hơn nam giới trong suốt quá trình trước, trong và cả sau khi đi lao động về nước. Ngoài những khó khăn chung mà người lao động gặp phải khi đi làm việc ở nước ngoài, những khó khăn đặc thù như bạo lực và phân biệt đối xử trên cơ sở giới làm giảm lợi ích khi lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài.

Theo TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), hiện nay Việt Nam có khoảng 540.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, phụ nữ chiếm 30%-50%. Thế nhưng, còn một số lượng đáng kể những người lao động không chính thức chưa được thống kê. Lao động di cư quốc tế là một hành trình nhọc nhằn, vất vả. Hơn một nửa lao động gặp khó khăn trong quá trình làm việc ở nước ngoài: Bị vi phạm quyền: 40%; Điều kiện làm việc không an toàn: 17%; Các vấn đề về lương: 28.2%.

“Lao động di cư quốc tế là một hành trình nhọc nhằn, vất vả, đặc biệt với phụ nữ. Trước khi đi, họ phải vay mượn, thế chấp, thu xếp gia đình, con cái... Trong khi ở nước ngoài, họ phải đối mặt với nhiều nguy cơ bị bóc lột, bạo lực. Khi trở về, họ đối mặt với khó tìm việc làm và còn phải đối mặt với bạo lực gia đình...” – TS Hồng cho biết.

Đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ xã hội

Báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng chỉ ra rằng, hơn 2/3 số lao động di cư ra nước ngoài tập trung tại các nước có thu nhập cao. Cụ thể, có đến 63,8 triệu người (37,7%) làm việc tại châu Âu và Trung Á, 43,3 triệu người (25,6%) làm việc tại châu Mỹ… Tuy nhiên, theo ILO, đại dịch Covid-19 khiến cho đối tượng lao động di cư bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với trước. Những người này bị trả lương thấp, làm những công việc đơn giản và ít được tiếp cận với các chế độ an sinh xã hội cũng như ít có lựa chọn đối với các dịch vụ hỗ trợ.

Đánh giá về việc triển khai các chính sách để tạo môi trường di cư an toàn cho người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết, để tạo sự bình đẳng cũng như di cư an toàn cho người lao động, đã có nhiều chính sách được ban hành trong đó chú trọng đến việc lồng ghép giới vào luật pháp và chính sách trong nước, nhằm cải thiện bình đẳng giới. Tuy nhiên phụ nữ lao động di cư Việt Nam nói riêng và trong ASEAN nói chung vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như phải làm những công việc có mức lương thấp hơn, gặp những phải rào cản cao hơn, có nhiều khả năng bị sa thải khi mang thai và sinh con, chậm hoặc không được trả lương, quấy rối và lạm dụng tình dục...

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động di cư an toàn, các chuyên gia cho rằng cần có quy định người sử dụng lao động hỗ trợ phúc lợi xã hội cho người lao động nhập cư, chính phủ các nước xem xét thực hiện chính sách linh hoạt cho người lao động nhập cư, các công ty và dịch vụ môi giới cần chuẩn bị tốt hơn cho những người lao động nhập cư về ngôn ngữ, kỹ năng thích ứng xã hội, kỹ năng tìm kiếm thông tin…

“Đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ nhiều khoảng trống trong chăm sóc sức khoẻ người di cư. Điều này đặt ra bài toán bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có dịch vụ y tế, dân số”, ông Nguyễn Doãn Tú- Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, Bộ Y tế đề xuất.

Lê Bảo – Minh Quân