Vaccine mới chống Covid-19
Một thế hệ vaccine mới không sử dụng kim tiêm và có thể chống lại các chủng virus Corona trong tương lai đã bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng tại Anh. Đó là vaccine DIOSynVax, do Giáo sư Jonathan Heeney tại Đại học Cambridge - Giám đốc điều hành Công ty DIOSynVax, phát triển.
Vaccine phổ quát hay vaccine tăng cường?
Cuộc thử nghiệm được tiến hành với các tình nguyện viên từ 18 đến 50 tuổi, tại cơ sở nghiên cứu lâm sàng NIHR ở Southampton (vương quốc Anh). Theo giáo sư Heeney, vaccine mới sử dụng công nghệ khác biệt để phòng bệnh, và có thể tạo ra sự bảo vệ rộng hơn chống lại các biến thể của SARS-CoV-2 và các chủng khác của virus Corona.
Đó là tin vui trong cuộc chiến chống Covid-19, nhất là trong lúc biến thể Delta vẫn hoành hành, đồng thời lại xuất hiện biến thể mới Omicron.
Trong khi đó, tại Singapore, các nhà khoa học phát hiện người từng mắc SARS sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19 đã phát triển “siêu kháng thể” có thể ngăn ngừa nhiều loại virus Corona, bao gồm Covid-19. Kết quả nghiên cứu này được nhà virus học Linfa Wang tiến hành trên cơ sở xét nghiệm máu của những người sống sót sau đợt bùng phát dịch do virus Corona trước đây (như SARS và MERS).
Kết quả thu được cũng khiến chính ông Wang sửng sốt vì sau khi được tiêm vaccine ngừa Covid-19, những người từng mắc SARS phát triển một loại “siêu kháng thể”, có tác dụng ngăn chặn các virus thuộc họ Corona. “Trong hơn mười năm, tôi đã “ngồi lì” trong một căn phòng ở tầng 13 chỉ để mong tìm được một loại vaccine có thể tạo ra dạng phản ứng miễn dịch phổ rộng giống với những người từng mắc SARS. Tới nay, tuy còn cần thêm thời gian nhưng những gì thu được cho thấy nó có thể có ích trong việc ngăn chặn các biến thể của SARS-CoV-2”, ông Wang nói.
Melanie Saville - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển vaccine tại Liên minh Sáng kiến sẵn sàng ứng phó dịch bệnh (CEPI), cho rằng kết quả nghiên cứu của Wang về một loại vaccine phổ quát có thể trở thành vũ khí dự phòng để chống lại các mối đe dọa, kể cả với biến thể mới nhất là Omicron - biến thể có nhiều đột biến hơn bất cứ phiên bản SARS-CoV-2 nào trước đó.
Cũng giống như nhà virus học Linfa Wang, nhà nghiên cứu Drew Weissman (Đại học Pennsylvania, Mỹ) cũng đã công bố kết quả bước đầu về một loại vaccine phổ quát, tập trung vào các loại virus có họ hàng khá gần với SARS-CoV-2. Theo tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, thì nghiên cứu của tiến sĩ Drew là “khả quan”.
Riêng với biến thể Omicron, tiến sĩ Mikael Dolsten - Giám đốc khoa học của Pfizer cũng đang nghiên cứu một loại vaccine tăng cường. Vị chuyên gia này cho biết, mình không nghiên cứu phát triển một loại vaccine phổ quát mà muốn tìm ra một loại vaccine đặc chủng. “Tuy nghiên cứu của chúng tôi khác với hướng nghiên cứu của giáo sư Jonathan Heeney và tiến sĩ Lifa Wang, nhưng cùng một mục đích là ngăn chặn sự lây lan của virus, nhất là với các biến thể mới” - tiến sĩ Dolsten nói.
Còn theo ông Stéphane Bancel - Giám đốc điều hành của Moderna thì vaccine phổ quát là “sáng kiến hay”, song cảnh báo rằng các nhà khoa học đã nghiên cứu vaccine cúm nhiều năm mà chưa có bước đột phá. Nhiều nhà nghiên cứu cố gắng mở rộng mục tiêu tấn công của vaccine, kích thích khía cạnh khác của hệ miễn dịch. Về lâu dài, thách thức lớn nhất để phát triển một loại vaccine phổ quát là vấn đề thời gian. Vì với việc phát triển một vaccine tăng cường để chặn bước tiến của một virus cụ thể (mà ở đây là biến thể Omicron) sẽ biến nghiên cứu thành thương phẩm nhanh hơn rất nhiều.
Omicron chưa có dấu hiệu “trốn thoát” vaccine hiện có
Nhìn chung, tại thời điểm cuối năm 2021, thế giới đã ghi nhận nhiều thành tựu vaccine chống virus Corona. Riêng với biến thể Omicron từ virus SARS-CoV-2, giới khoa học thống nhất cho rằng nó có thể “nhẹ với số đông (chỉ những người đã tiêm vaccine) nhưng nặng với số ít (chỉ những người chưa tiêm vaccine)”. Chính vì thế, phải đẩy nhanh tốc độ phát triển một loại vaccine mới, dù rằng Omicron chưa có dấu hiệu “trốn thoát” các loại vaccine đang sử dụng.
Đáng chú ý, biến thể Omicron tấn công chủ yếu vào những người chưa tiêm vaccine, chưa tiêm liều vaccine tăng cường thuộc nhóm dễ tổn thương, người từng mắc Covid-19 chủng khác. Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghegreyesus, Omicron có tốc độ lây lan chưa tưng thấy, so với bất kỳ biến thể nào của virus SARS-CoV-2.
Chính vì thế, trước những kết quả nghiên cứu mới về vaccine, WHO bày tỏ sự phấn khởi nhưng vẫn cảnh báo không nên sớm “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”. WHO tiếp tục khuyến cáo tất cả các quốc gia cần đẩy nhanh hơn nữa việc bao phủ vaccine mũi 2; khi có điều kiện thì tiêm tăng cường mũi 3, đồng thời không được quên giãn cách xã hội, các biện pháp khử khuẩn và khẩu trang.
Hầu hết mũi thứ 3 của các loại vaccine ngừa Covid-19 đang sử dụng giúp tăng cường miễn dịch mạnh - một nghiên cứu Tạp chí y khoa The Lancet cho biết. Dù vậy, nghiên cứu này cũng lưu ý hiệu quả khác nhau tùy thuộc vào cách kết hợp vaccine. Theo đó, ít nhất 2 tháng sau liều thứ 2 của Pfizer và 3 tháng đối với AstraZeneca, người được tiêm mũi thứ 3 tăng cường đều cho thấy hệ miễn dịch đối với các biến thể của SARS-CoV-2 được nâng lên rõ rệt. “Tất cả loại vaccine đều giúp tăng cường miễn dịch ở các độ tuổi khác nhau” - nghiên cứu cho biết.