Tránh tình trạng xuất khẩu ‘giật cục’
Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về khắc phục tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Trong đó lưu ý Bộ Công thương tiếp tục đàm phán, kiến nghị với các bộ, ngành và chính quyền địa phương phía Trung Quốc triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thông quan và xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản của Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu tiên phía Trung Quốc siết lại việc nhập khẩu nông sản từ phía Việt Nam. Những ngày qua, có đến cả ngàn xe container hàng nông sản bị ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), do rất khó thông quan dẫn đến mối lo chất lượng của hàng hóa tươi sống cùng các chi phí đội lên.
Trước tình hình này, Bộ Giao thông vận tải đã cử tổ công tác đến Lạng Sơn phối hợp giải quyết. Theo ông Lê Đình Thọ -Thứ trưởng Bộ GTVT, kho bãi tại các cửa khẩu có hạn khi phía Trung Quốc tăng cường kiểm soát dịch sẽ dẫn đến ùn tắc vì hàng hóa không thể luân chuyển nhanh được. Vì thế các cơ quan chức năng cần chủ động phối hợp với các doanh nghiệp tránh tình trạng thông tin chưa rõ ràng, đầy đủ dẫn đến mạnh doanh nghiệp nào doanh nghiệp đó đi.
Về phía Bộ Công thương, theo ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn. Lãnh đạo Bộ Công thương đã trao đổi trực tiếp, điện đàm, gửi công thư, công hàm tới các cơ quan phía Trung Quốc để trao đổi các nội dung, đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực biên giới Việt - Trung. Cụ thể là khắc phục việc hạn chế về nhân lực bốc xếp, kéo dài thời gian hoạt động của các cửa khẩu, thống nhất quy trình, biện pháp phòng, chống dịch cũng như trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương.
Được biết, trong tháng 12 Bộ trưởng Bộ Công thương đã có 3 cuộc điện đàm/hội đàm trực tuyến với các đối tác phía Trung Quốc như Bộ trưởng Thương mại, Bí thư Quảng Tây, Tổng cục trưởng Hải quan và 10 cuộc làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để trao đổi các nội dung nhằm thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại song phương.
Đáng chú ý, vẫn theo ông Toản, cũng rất cần lưu ý về quy định “Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu” và “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” của phía Trung Quốc, đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Sắp tới là kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, cũng có thể dẫn tới việc hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc cũng sẽ khó khăn hơn.
Cùng với những khó khăn khách quan, thời gian qua đã có nhiều ý kiến góp ý giải quyết tình trạng ùn ứ hàng nông sản ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Một số chuyên gia cho rằng doanh nghiệp trong nước không nên “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, có nghĩa là cần mở rộng nhiều thị trường để xuất khẩu nhằm tránh rủi ro, chứ không chỉ tập trung vào một thị trường. Tuy nhiên, Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng của nhau, việc vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn các thị trường khác như Âu-Mỹ, nên nhiều doanh nghiệp vẫn tập trung vào đây.
Cũng đáng chú ý là việc Bộ Công thương đã nhiều lần khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc cần chuyển nhanh và chuyển mạnh xuất khẩu chính ngạch, vì ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất thì xuất khẩu chính ngạch vẫn lưu thông bình thường, trong khi xuất khẩu tiểu ngạch tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Một thực tế nữa dẫn tới ùn tắc hàng nông sản xuất đi là việc nhiều địa phương, doanh nghiệp không cập nhật thông tin thay đổi chính sách từ phía Trung Quốc, nên không đáp ứng được đòi hỏi thông quan. Trong khi ùn tắc đang rất nặng nề thì doanh nghiệp vẫn tiếp tục vận chuyển hàng lên biên giới, như một sự may rủi.
Tuy nhiên, để hàng nông sản Việt Nam tránh được ùn tắc, mất giá khi xuất đi, điều cần nhất vẫn là các cơ quan quản lý nhà nước phải thống nhất được với phía Trung Quốc chính sách xuất - nhập khẩu ổn định, lâu dài, tránh tình trạng “giật cục” khiến nhiều địa phương cũng như doanh nghiệp của chúng ta bị động, rơi vào thế yếu.