Nâng cao ‘sức mạnh mềm’ của ngoại giao Việt Nam

H.Vũ 21/12/2021 07:12

Chiều 20/12, Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị Ngoại giao văn hóa, triển khai chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030: Chủ động thích ứng, góp phần lan tỏa giá trị và quảng bá sản phẩm Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thảo, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ cho rằng, ngoại giao văn hóa cần phải được triển khai tại các cơ quan đại diện tại nước ngoài. Bởi việc sử dụng sức mạnh “mềm” là vấn đề quan trọng trong phát triển sức mạnh “cứng”. Nếu như trong ngoại giao kinh tế có những điểm bất đồng thì ngoại giao văn hóa hầu như không có điểm bất đồng. Đặc biệt việc triển khai ngoại giao văn hóa là không thể thiếu tại các địa bàn, vì suy cho cùng cơ quan đại diện tại nước ngoài chính là “nước Việt Nam thu nhỏ” tại nước sở tại. Vì thế cần đẩy mạnh ngoại giao văn hóa tại các cơ quan đại diện tại nước ngoài.

Theo ông Thảo, văn hóa chính là con người, là đại sứ và các cán bộ ở cơ quan đại diện. Cho nên các nước họ đánh giá văn hóa ngay chính trong cách làm việc, cách đối ngoại. Ông Thảo và cho rằng, cần phải quan tâm đến đào tạo nhân lực làm công tác ngoại giao ngay từ trong nước.

Theo ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, ngoại giao văn hóa đóng góp vào thành công chung trong công tác đối ngoại của Việt Nam, góp phần quảng bá sản phẩm Việt Nam ra thế giới. Do đó làm sao phát huy giá trị văn hóa để nâng cao sức mạnh mềm của ngoại giao Việt Nam. “Trong quá trình đi các nơi, tôi luôn đi tìm các nhà hàng Việt Nam tại nước sở tại để xem cộng đồng sinh sống và xem văn hóa của ta tại nước sở tại như thế nào? Tôi muốn lãnh đạo tại nước sở tại đến nhà hàng Việt Năm tại đó ăn uống để quảng bá hình ảnh Việt Nam, gắn ngoại giao văn hóa với ngoại giao kinh tế”- ông Nam chia sẻ và mong các cơ quan đại diện phát triển các ngành hàng văn hóa tại nước sở tại từ đồ trang trí cho đến các nhà hàng ăn uống, sản phẩm đặc sản của Việt Nam.

Cùng chung quan điểm, ông Đặng Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cũng cho rằng, cần phát huy hơn nữa ngoại giao văn hóa ở nước sở tại để quảng bá hình ảnh quốc gia, nâng tầm sức mạnh của đất nước.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt nhiệm vụ phát huy hơn nữa ngoại giao văn hóa đóng góp thiết thực vào quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước. Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa qua cũng nhấn mạnh văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, văn hóa là động lực phát triển.

Theo ông Sơn, chiến lược Ngoại giao văn hóa đầu tiên của đất nước được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2011 chính là dựa trên nền tảng văn hóa, kết tinh từ truyền thống đối ngoại của dân tộc, qua đó vừa hệ thống hóa các bài học lịch sử vừa đưa ra các giải pháp chính sách, cơ chế để triển khai công tác này. Sau 10 năm thực hiện, chiến lược đã nâng tầm giá trị văn hóa Việt Nam thông qua vận động danh hiệu quốc tế.

“Đến nay ta đã có 47 di sản, danh hiệu quốc tế được UNESCO ghi danh, đứng đầu các nước Đông Nam Á về số danh hiệu, 63 địa phương cũng đều sở hữu hoặc đồng sở hữu ít nhất 1 danh hiệu. Các danh hiệu quốc tế này góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc và tạo nguồn lực mới để phát triển bền vững ở các địa phương”- ông Sơn cho hay.

H.Vũ