Nơi con sông Hồng chảy về với biển

TRẦN DUY HƯNG 21/12/2021 16:10

Đó là cửa Ba Lạt với bên phải (hữu ngạn) thuộc địa bàn xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy (Nam Định), bên trái (tả ngạn) thuộc địa bàn huyện Tiền Hải (Thái Bình). Sông Hồng đổ về đây sau khi miệt mài chảy trên hành trình gần 1.200 cây số, bắt nguồn từ Trung Quốc. Riêng phần chảy trên lãnh thổ Việt Nam dài hơn 500 cây số…

Cồn Lu, Cồn Ngạn, Cồn Mờ…

Tôi đã nhiều lần đến khu vực cửa sông ấy. Ở đó có gì? Nói theo các nhà khoa học thì đó là cả một hệ sinh thái đất ngập nước vùng cửa sông mà cả vùng đệm và vùng lõi rộng tới hơn 14.000 ha, tương đương diện tích một huyện đồng bằng, trong đó vùng lõi rộng hơn 7.000 ha chính là Vườn quốc gia Xuân Thủy (tham gia Công ước Ramsar từ năm 1989, được UNESCO công nhận là vùng lõi số 1 của Khu dự trữ sinh quyển vùng châu thổ sông Hồng từ năm 2004). Đến đây, trước khi tìm hiểu, khám phá kỹ hơn về vùng đất ngập nước vùng cửa sông này ai cũng bị choáng ngợp trước bạt ngàn màu xanh của cây sú vẹt. Những tên đất, tên sông ở đây nghe cũng lạ: Giao Thủy, sông Hóp, sông Vọp, Cồn Lu, Cồn Ngạn, Cồn Mờ…

Mang những tên đất, tên sông ở đây ra hỏi ông Ngô Văn Lời, cán bộ Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nam Định mới nghỉ hưu, lại là người địa phương, đọc nhiều, hiểu lắm, chẳng ngờ được ông kể, lý giải cho nghe nhiều chuyện hay. Theo ông Lời, tên huyện Giao Thủy ngày nay rất dễ hiểu, chỉ vùng đất là nơi gặp gỡ, giao hòa của dòng nước sông Hồng và biển cả. Về tên các cồn, ông kể, năm 1971 khi đang ở trong quân đội, dạy học tại Trường Văn hóa B (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) ông được chứng kiến sông Hồng gây ra trận lũ lớn, nhiều nơi sông chảy qua bị vỡ đê, nhiều xóm làng, đồng ruộng bị ngập lụt. Đặc biệt, tại thời điểm ấy, ở cửa Ba Lạt quê ông có Cồn Ngạn chắn ngang, chia đôi dòng chảy sông Hồng về hai phía huyện Tiền Hải (Thái Bình) và huyện Giao Thủy (Nam Định). Do lũ quá lớn, chỉ trong một ngày đêm đã xé đôi Cồn Ngạn, hất sang hai bên để chảy ra biển. Nhưng Cồn Ngạn chỉ là một trong số nhiều cồn cát từng bị dòng chảy sông Hồng xẻ đôi để chảy ra biển…

Theo đó, 200 năm trước khi Cồn Ngạn bị sông Hồng xẻ đôi (năm 1971), cửa sông Hồng nằm tại vị trí thị trấn Ngô Đồng (trung tâm huyện Giao Thủy, cách cửa Ba Lạt chừng 10 km về phía thượng nguồn) ngày nay. Khi ấy, chắn ngang cửa sông cũng có một cồn cát rất lớn. Trong một cơn đại hồng thủy, khi chảy về đây, gặp cồn cát trên, trước khi xé đôi cồn cát trên để chảy ra biển sông Hồng buộc phải chảy làm hai ngả, một ngả chính là Sông Sò hiện nay (chia ranh giới huyện Xuân Trường và huyện Giao Thủy), ngả kia chảy về phía tỉnh Thái Bình. Khi ấy, lũ sông Hồng cuốn theo rất nhiều một loại cây to, thân mềm, có tên là cây Ngô Đồng, dồn ứ ở cồn cát chắn ở cửa biển. Đây là lý do người đời sau gọi vùng đất cửa sông phía tỉnh Nam Định là Ngô Đồng, ngày nay chính là thị trấn Ngô Đồng, trung tâm huyện Giao Thủy và cồn cát đầu tiên bị sông Hồng xẻ đôi ấy được gọi là Cồn Nhất. Ở đây, ngày nay đang hiện hữu một con phà tên là phà Cồn Nhất, một trong những những con phà phục vụ việc qua lại của người dân hai tỉnh Nam Định, Thái Bình trên sông Hồng.

Tiếp đến, sông Hồng còn lần lượt xé đôi các cồn Cồn Nhì, Cồn Tam, Cồn Tứ, Cồn Năm và tới năm 1971 là xé đôi Cồn Ngạn để chảy ra biển. Và trong 50 năm qua, sông Hồng thêm một lần nữa đổi dòng, xé đôi Cồn Lu. Như vậy, trong khoảng thời gian 250 năm qua, sông Hồng đã 6 lần chinh phục “vật cản” là những cồn cát chắn ngang để hòa với biển cả. Giữa các cồn về phía hai bên Sông Hồng ngày nay có nhiều con sông nhỏ, chính là dấu tích của dòng chảy Sông Hồng trước khi về với biển. Hiện nay, bên ngoài cửa sông Ba Lạt đã hình thành thêm Cồn Mờ. Đặc điểm chung của các cồn trên là có rất nhiều loài hải sản biển trú ngụ, nhất là vạng, vọp. Sinh kế của nhiều ngư dân hai huyện Tiền Hải và Giao Thủy nhiều năm qua là khai thác nguồn hải sản ở những cồn cát này.

Thu gom rau câu ở Vườn quốc gia Xuân Thủy.

Mưu sinh ở đầm bãi

Mênh mông, bạt ngàn nên đặc trưng của vùng đầm bãi cửa sông Hồng này là sự vắng lặng. Một lần đi mãi ở đây chúng tôi mới gặp hai phụ nữ đầu đội nón, khăn trùm kín mặt, ngồi phơi rau câu bên vệ đường. Đã ăn thạch rau câu nhưng khi ấy tôi mới biết nguyên liệu làm ra thứ thực phẩm được xem là lành, sạch này chính là thứ cây nhỏ, mềm, có màu đen giống rong rêu vừa được chị Hoa, chị Thảo (tên hai người phụ nữ) vớt lên từ đầm nước ven đường. Các chị cho hay cùng là người xã Giao An, huyện Giao Thủy (xã vùng đệm), lâu nay thường vào đây mưu sinh bằng việc vớt rau câu thuê. Nói vớt thuê là bởi, ở vùng đệm rộng mênh mông này đầm bãi đều có chủ, như khu đầm các chị đang vớt rau câu là của một người, cùng xã. Đầm được chủ đầu tư nuôi tôm, cua, cá... nhưng rau câu mọc đầy. Những người như chị Hoa, chị Thảo được chủ đầm thuê vớt chẳng phải để vứt đi mà mang phơi khô rồi bán cho đại lý thu gom. “Ở đây chỉ có một đại lý thu mua nên họ trả bao nhiêu chúng tôi bán bấy nhiêu. Hiện họ trả giá 5.000 đồng/kg, cân xong chúng tôi được chủ đầm chia cho một nửa”, chị Hoa thật thà. Vất vả, quần quật từ sáng đến tối nhưng như lời các chị mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 200 nghìn đồng nên chẳng quản nắng mưa trên đầm...

Bước vào ngôi nhà tạm dưới chân đê sông, chúng tôi thấy một người đàn ông đang “đánh một giấc say” trên giường trong khi gió từ đầm bãi thổi vào mát rượi. Tỉnh giấc, người đàn ông tự giới thiệu tên là Đương, ông đang trông coi thuê khu đầm bên cạnh cho một ông chủ tên Tước người xã Hoành Sơn (trong nội đồng, thuộc huyện Giao Thủy). Đến giờ, đầu đội mũ cối, quần đùi, áo cộc ông Đương đi mở cống lấy nước cho đầm. Trước khi mở, ông không quên đặt ở miệng cống phía đầm của mình một tấm lưới chắn to. Qua vài thao tác thành thục của ông, mấy tấm ván gỗ được nhấc lên, nước từ phía đầm bên vùng lõi của Vườn chảy ùa vào, kéo theo nhung nhúc cá. Tất thảy nằm gọn trong chiếc lưới ông Đương giăng sẵn. Nhìn cảnh ấy, chúng tôi mường tượng chiều nay ông sẽ có một ít tiền từ bán cá. Nếu không, với số cá ấy, buổi tối, giữa không gian mênh mông, tĩnh mịch của đầm bãi, nơi thường chỉ nghe thấy tiếng chim kêu, nước chảy, cá quẫy ông có thể một mình hoặc cùng ai đó ngồi “đưa cay”, tận hưởng cuộc sống ở nơi thiên nhiên ngập tràn nhưng cũng vắng vẻ này...

Dưới chỗ ông Đương, trong ráng chiều cha con ông Giang lại đang lặng lẽ, chăm chú thăm khám mấy chục chiếc hòm nuôi ong, đặt dọc dài bên vệ đê. Nhẹ nhàng tháo từng chiếc khay nơi có đàn ong đông đúc, giương lên ngắm nghía, thấy chỗ nào sáp ong nhô lên, cửa vít kín ông Giang lại dùng con dao chuyên dụng khẽ lách vào, gạt ngang, làm bật ra những ấu trùng ong trắng muốt. “Đó là ấu trùng ong đực. Mà ong đực không làm việc, để nở ra nhiều không tác dụng, tốn thức ăn, phải khử bớt để dành thức ăn nuôi ong chúa đẻ, nuôi ong thợ làm việc”, ông giải thích.

Nuôi ong lấy mật là một trong những sinh kế của người dân ở Vườn quốc gia Xuân Thủy.

Ông Giang người xã Xuân Thành trên huyện Xuân Trường, cùng tỉnh Nam Định, theo nghề nuôi ong đã mấy chục năm. Nghe ông rỉ rả mới hay nghề nuôi ong sao mà cầu kỳ và cũng chẳng khác dân “du mục” là mấy. Đơn giản, “con ong làm mật yêu hoa”, quanh năm người nuôi ong phải đưa đàn ong đến những vùng có nhiều cây, nhiều hoa, ví như Vườn quốc gia Xuân Thủy này (nhiều hoa sú vẹt) để ong hút hương làm mật. “Trước khi về đây, tôi “ăn dầm ở dề” cả tháng trên mạn vải Bắc Giang. Trước nữa thì lang thang cùng đàn ong trong các rẫy cà phê ở mãi Tây Nguyên...”, ông kể.

Cách chỗ cha con ông Giang một đoạn có chiếc quán nhỏ, nằm ngay lối đường thủy vào sâu vùng lõi. Cạnh đó, gặp ngày vắng chiếc thuyền khách nằm ơ hờ trên mặt nước. Bước vào quán, chúng tôi thấy hai phụ nữ trung niên nhàn tản, ngồi nhổ tóc sâu cho nhau, bên cạnh là chiếc tủ chứa nhiều chai lọ đựng mật ong, rượu ngâm ấu trùng ong. “Thần dược, đặc sản của Vườn đấy, các chú mua đi!”, hai chị vui vẻ mời chào. Khi được hỏi chuyện làm ăn, chị Tám-một chủ đầm nuôi tôm chúng tôi gặp trên đê sông-chỉ nói ngắn gọn: “Bên này (vùng đệm) thì được phép cải tạo nuôi trồng, bên kia (vùng lõi) thì bẻ một cành cây cũng bị đi tù”. Lời chị Tám phần nào cho thấy người dân ở đây đã ý thức rất rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình, được và không được phép làm gì trong khu vực Vườn quốc gia. Cũng phải thôi, rừng ngập mặn ven biển được ví như “bức tường xanh” bảo vệ đê biển, bảo vệ xóm làng trước gió bão. Rừng còn thì sinh kế, nguồn sống của người dân còn và ngược lại. Ai cũng hiểu, lẽ nào người bản địa lại không? N

Thủy sản, nguồn lợi lớn từ Vườn quốc gia Xuân Thủy.

TRẦN DUY HƯNG