Chủ tịch Quốc hội: Công khai minh bạch vấn đề giá kit test
Ngày 21/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện tháng 11 của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, cần nắm bắt, theo dõi ý kiến nguyện vọng của nhân dân, nhất là các vụ việc có tính chất nổi cộm hiện nay.
Báo cáo tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết: Tình hình dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài, ảnh hưởng trên tất cả các mặt đời sống xã hội. Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là người lao động có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo.
Cử tri kiến nghị Chính phủ sớm triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm ổn định đời sống và phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, sau kỳ họp thứ nhất đến nay đã có 515/536 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời, đạt tỷ lệ rất cao, chỉ còn 21 kiến nghị chưa được trả lời. Tuy nhiên, qua một số vụ việc trong báo cáo còn kéo dài, cần phối hợp với các cơ quan chức năng xem xét, trả lời cho dứt điểm.
Theo ông Mẫn, hiện cử tri và nhân dân vẫn lo lắng về tình hình phục hồi phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu bão lũ liên tiếp xảy ra, nhất là ở các tỉnh miền Trung, người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập, mất an toàn thực phẩm, sản xuất mua bán hàng giả, hàng lậu, tình trạng vi phạm pháp luật của một số đối tượng, đặc biệt trong ngành y tế còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân. Vì vậy Ban Dân nguyện cần quan tâm, tổng hợp thêm.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng công tác phòng, chống dịch Covid-19 có nhiều vấn đề cần quan tâm. Theo đó cần rà soát, cập nhật thêm vấn đề cử tri quan tâm và bức xúc. Ví dụ TP Hồ Chí Minh có hàng ngàn người F0 điều trị tại nhà nhưng không được giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội; thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân.
Hay như tại Bình Dương có việc người lao động phải nộp tiền xét nghiệm Covid-19, có người nộp 4,5 triệu đồng, gần hết lương cả tháng. Đây là vấn đề cử tri quan tâm do đó cần quan tâm giải quyết và công khai, minh bạch kết quả.
“Hiện cử tri rất bức xúc vấn đề thổi giá xét nghiệm của Công ty Việt Á. Cơ quan điều tra đang vào cuộc xử lý. Nơi sản xuất 30 nghìn kít xét nghiệm của công ty này trong 1 ngày giống như kho của hợp tác xã. Tổ chức y tế thế giới không công nhận chất lượng để có thể áp dụng chung nhưng theo chuẩn Việt Nam lại phù hợp.
Cử tri quan tâm chất lượng thực tế của kit xét nghiệm này như thế nào? Có đáp ứng yêu cầu chuyên môn hay không? Bởi hiện nay gần như cả nước sử dụng kít do công ty này sản xuất. Cử tri cho rằng, vấn đề này cần làm rõ cũng như trách nhiệm của các cơ quan và một số Bộ có liên quan - ông Tùng nêu rõ.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Ban Dân nguyện cần nắm bắt, theo dõi ý kiến nguyện vọng của nhân dân, nhất là các vụ việc có tính chất nổi cộm hiện nay. Bên cạnh đó, cần công khai minh bạch trong công tác phòng, chống dịch, nhất là vấn đề giá kit test xét nghiệm để người dân yên tâm. Trong kỳ họp nên có nội dung báo cáo bằng văn bản cho các đại biểu Quốc hội.
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết một số cơ chế đặc thù cho TP Cần Thơ.