Lo khó tuyển học viên lái xe ô tô vì Thông tư mới
Bộ Giao thông vận tải vừa lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư mới, trong đó nội dung yêu cầu các trung tâm dạy lái xe ô tô phải lắp đặt “hệ thống thông tin dữ liệu DAT”. Hệ thống này được dự báo sẽ tác động rất lớn tới việc đào tạo lái xe ô tô.
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT ngày 8/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT.
Một số điểm mới đó là bổ sung hệ thống thông tin dữ liệu DAT, hệ thống này sẽ giám sát chặt chẽ việc chấp hành số giờ học và quãng đường chạy thực hành của học viên.
Thiết bị DAT được Tổng cục Đường bộ đề xuất lắp đặt trên các xe tập lái, mục đích để giám sát thời gian học và quãng đường chạy thực hành của người học lái xe.
Dữ liệu thực hành được lưu tại máy chủ của trung tâm lái xe hoặc nhà cung cấp thiết bị và truyền dữ liệu realtime theo giao thức Restful API về máy chủ của Tổng cục Đường bộ.
Rất nhiều trung tâm đào tạo lái xe đang băn khoăn về dự thảo thông tư này. Giám đốc một trung tâm đào tạo lái xe đánh giá: “DAT bao gồm phần cứng, phần mềm và đường truyền dùng để thu nhận, quản lý, khai thác dữ liệu, do vậy, chắc chắn phải đầu tư số tiền lớn để lắp thiết bị DAT. Trong khi đó, hiện nay rất nhiều đơn vị rơi vào tình trạng khó khăn vì tài chính sau thời gian ngừng hoạt động kéo dài để chống dịch Covid-19".
“Thiết bị DAT đang trong quá trình thử nghiệm để đánh giá chất lượng, đây vẫn là thiết bị quá mới chưa từng có trên thị trường, chưa đánh giá được độ bền và độ tin cậy khi sử dụng. Hiện nhiều trung tâm đào tạo lái xe chưa biết “mặt mũi” thiết bị của DAT là như thế nào. Nếu Thông tư được áp dụng ngay từ ngày 1/1/2022, sẽ gây ra áp lực rất lớn cho trung tâm đào tạo lái xe về chi phí đầu tư. Trung tâm nào càng nhiều xe thì chi phí lắp đặt càng tăng cao”, vị này nói thêm.
Hiện Bộ Giao thông vận tải đã chỉ định tổ chức thử nghiệm thiết bị DAT theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QGVN 105:2020/BGTVT cho Viện dụng Công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Sở Giao thông vận tải thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất thiết bị DAT tại các địa phương thực hiện nghiên cứu, triển khai thực hiện các trình tự, thủ tục hợp quy thiết bị DAT theo quy định.
Gửi hồ sơ công bố hợp quy thiết bị DAT để Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp nhận và đăng tải trên trang thông tin điện tử các sản phẩm đủ điều kiện trước khi cung cấp cho các cơ sở đào tạo lái xe.
Theo tìm hiểu của phóng viên, một số công ty đã bắt đầu giới thiệu thiết bị DAT cho các trung tâm đào tạo lái xe. Mức giá đưa ra còn tuỳ thuộc và số lượng của trung tâm đào tạo, tuy vậy chi phí lắp đặt DAT cho 1 xe tập lái được báo giá trên 10 triệu đồng/thiết bị. Với số lượng 370 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 35.737 xe tập lái các hạng thì số tiền đầu tư là rất lớn....
Đó còn chưa kể đến chi phí đầu tư cho thiết bị phần cứng đi kèm như: server lưu trữ dữ liệu trong 2 năm, chi phí gói di động 3G, thiết bị đầu cuối khác.
Chương trình đào tạo lái xe hiện nay theo khung của Bộ Giao thông vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam là đơn vị tham mưu trực tiếp), theo đó để có bằng lái Hạng B2 học viên phải học thực hành 81 giờ, với Hạng C là 91 giờ. Số km học viên thực hành là 1.100 km. Theo dự thảo Thông tư, sau ngày 1/1/2022: “Nếu không đạt được chỉ tiêu về quãng đường thực hành lái xe và không ít hơn 50% thời gian học thực hành lái xe theo quy định thì học viên không được thi sát hạch để cấp Giấy phép lái xe”.