Thi đánh giá năng lực: Cơ hội cho thí sinh
Hiện đã có gần 50 cơ sở giáo dục đại học (ĐH) đề nghị ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ tài nguyên, kết quả thi đánh giá năng lực (ĐGNL) phục vụ công tác tuyển sinh năm 2022. Mặc dù đây chỉ là một trong nhiều phương pháp xét tuyển nhưng một số ý kiến cho rằng sẽ bớt căng thẳng, áp lực cho cả thí sinh và chính các trường.
Thử sức với bài thi đánh giá năng lực
Thông tin cụ thể về kỳ thi ĐGNL năm 2022, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Tiến Thảo cho biết, bài thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội được thiết kế để đánh giá 3 nhóm năng lực chính của học sinh tốt nghiệp chương trình THPT gồm: Sáng tạo và giải quyết vấn đề; năng lực toán, tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, logic, tính toán và xử lý số liệu; tự khám phá và ứng dụng công nghệ/khoa học (tự nhiên - xã hội).
Năm 2022, dự kiến kỳ thi ĐGNL được tổ chức theo quy trình chuẩn hóa thi trên máy tính; các đợt thi được thực hiện nhiều đợt từ tháng 2 đến tháng 8 tại nhiều tỉnh thành trong cả nước: Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, TP HCM tùy theo mức độ kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
Bài thi sẽ có tính phân loại cao, đánh giá năng lực học sinh theo 3 nhóm năng lực của chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông; hướng tới tương quan thuận với kết quả thi tốt nghiệp nhưng có độ khó, tính phân loại cao hơn. Sẵn sàng sử dụng phục vụ tuyển sinh ĐH và xét tuyển nhiều đợt.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT hoan nghênh kỳ thi ĐGNL ngày càng mở rộng khi tổ chức nhiều đợt và địa điểm thi ở nhiều nơi. Đặc biệt, với thời gian cơ động, không phải chờ đến khi hết học kỳ 2 như kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ khiến các thí sinh có cơ hội dự thi đầy đủ nếu có nhu cầu trong điều kiện dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát như hiện nay.
“Tôi hoan ngênh chính sách của ĐH Quốc gia Hà Nội khi hỗ trợ 50% kinh phí cho thí sinh dự thi. Thí sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo, thí sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn được miễn lệ phí. Như vậy, cơ hội tiếp cận cuộc thi là công bằng với mọi thí sinh nên các em hoàn toàn yên tâm. Bên cạnh việc xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp, bằng học bạ, các em có thêm một lựa chọn là sử dụng kết quả thi ĐGNL” - ông Nhĩ nêu quan điểm.
Minh bạch thông tin hạn chế luyện thi “ảo”
Mặc dù ĐH Quốc gia Hà Nội và các trường tổ chức kỳ thi ĐGNL như ĐH Quốc gia TP HCM, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội… đều khẳng định không tổ chức các khóa ôn luyện và cung cấp các tài liệu ôn tập, các đề thi thử miễn phí cho các kỳ thi này song trên thực tế, một số cá nhân, tổ chức vẫn thông báo chiêu sinh các lớp luyện thi cấp tốc dưới hình thức học online và thu hút rất nhiều thí sinh đăng ký.
Em Trần Anh Tuấn - Trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội) cho biết, bên cạnh việc học và ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, em còn quyết định học thêm một khóa ôn thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ và đang do dự với khóa ôn luyện cho kỳ thi ĐGNL để có thêm cơ hội vào ĐH mong muốn.
Tuy nhiên, khi tham khảo các anh chị khóa trên đang học ĐH Ngoại thương, ngôi trường em mong muốn trở thành sinh viên thì nhận được lời khuyên hãy tập trung học trên lớp, tăng cường luyện tiếng Anh theo bộ đề chuẩn đã được công khai và dành thời gian đọc sách báo, xem các tin tức thời sự có liên quan để tăng cường hiểu biết thực tế. Từ đó, có liên hệ phù hợp để giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra chắc chắn sẽ được đề cập trong kỳ thi.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện các trường tổ chức thi ĐGNL đều khẳng định không phát hành các tài liệu liên quan đến đề thi của kỳ thi ĐGNL. Những tài liệu liên quan tới đề thi này đang rao bán, phát hành trên mạng đều là mượn danh, chính xác hơn là đánh lừa học sinh và cả phụ huynh. Bởi theo quy tắc bảo mật của kỳ thi, tất cả các đề thi chính thức đều không được công bố, ngay cả giấy nháp khi các thí sinh thi xong cũng phải thu lại.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: Kỳ thi ĐGNL hiện nay là một trong các hình thức xét tuyển ĐH chiếm tỷ lệ cao trong tổng số chỉ tiêu, được nhiều trường ĐH sử dụng nên nhu cầu ôn luyện của thí sinh là tất yếu.
Các trường nên công khai minh bạch các đề thi minh họa, dạng bài, tỷ lệ phần trăm khối lượng kiến thức… để thí sinh căn cứ vào đó ôn luyện và có sự chuẩn bị thỏa đáng, tránh việc tìm kiếm các thông tin không chính thống sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi cử sau này, thậm chí tiền mất tật mang.
“Đây là một trong những phương án tuyển sinh không lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT nên được khuyến khích. Vấn đề hiện nay là chỉ tiêu giữa các phương thức tuyển sinh như thế nào các trường cần cân đối với quan điểm đặt lợi ích của thí sinh lên trên hết chứ không vì lợi ích của nhà trường” - ông Dong nêu quan điểm.
Một cán bộ tư vấn tuyển sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng khuyến cáo, để đạt kết quả tốt ở các kỳ thi ĐGNL, thí sinh cần có sự chuẩn bị cả về mặt kiến thức, khả năng tư duy, suy luận cũng như các kỹ năng đọc hiểu, giải quyết vấn đề thay vì chỉ chăm chăm học thuộc lòng. Cuối cùng là tâm lý, sức khỏe ổn định để có được kết quả tốt nhất.