Đánh thức khát vọng thoát nghèo
Với phương châm “cho người dân cần câu thay vì cho con cá”, MTTQ các cấp tỉnh Gia Lai đã xây dựng những mô hình để thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào các dân tộc thiểu số.
Năm 2011, gia đình chị Nay H’Yên - hộ nghèo của buôn Dù, xã Ia Mlah được huyện Krông Pa chọn làm điểm trong thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Chỉ trong 3 năm khu vườn tạp của gia đình chị đã được cải tạo với các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế. Không chỉ có vậy đàn bò trong chuồng cũng đã nhiều hơn.
Kinh tế phát triển, gia đình chị Nay H’Yên đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo, xây dựng được nhà kiên cố, có phương tiện sản xuất và đầy đủ vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Để có sự đổi thay đó là sự đồng hành của đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở.
Không chỉ hỗ trợ về giống, vốn tư liệu sản xuất, họ còn chính là những người trực tiếp cầm tay, chỉ việc hướng dẫn gia đình thay đổi cách làm ăn để không còn nguy cơ tái nghèo.
Cùng với gia đình chị Nay H’Yên, đến nay đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có những gam màu tươi sáng hơn. Bước ngoặt lớn nhất, đến từ việc các địa phương bắt tay vào thực hiện cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
Sau 10 năm triển khai thực hiện cuộc vận động, cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã Tơ Tung, huyện Kbang đã ngày càng ấm no hơn. Nhờ được hỗ trợ về cây, con giống, phân bón cũng như cán bộ nông nghiệp về tận buôn làng chỉ dẫn cách làm, các hộ nghèo đã học được kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi mới thay cho những cách làm cũ, lạc hậu trước kia.
Nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo như mô hình liên kết trồng mía đường, mô hình làm chuồng trại, trồng cỏ chăn nuôi cho bò đã được hình thành và nhân rộng, tạo được sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng dân cư.
Theo bà Nông Thị Danh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tơ Tung, huyện Kbang, dù thay đổi nếp nghĩ cách làm cũ đã gắn bó với bà con từ xưa là điều không dễ dàng nhưng với các giải pháp đa chiều, việc làm cụ thể sáng tạo thiết thực thông qua các mô hình cụ thể, Mặt trận đã giúp cho bà con có thêm niềm tin, động lực vươn lên.
Qua thực hiện cuộc vận động, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thông tin về những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai Phạm Thị Lan cho biết, xác định công tác tuyên truyền vận động, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu là giải pháp quan trọng hàng đầu giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, MTTQ các cấp tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế, phong tục tập quán của từng địa phương, từng dân tộc.
Với phương châm “cho người dân cần câu thay vì cho con cá”, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ động khảo sát thực trạng hộ nghèo để xây dựng các mô hình thực hiện cuộc vận động.
Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh và nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai đã triển khai xây dựng các mô hình như “hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản”, mô hình “hỗ trợ nuôi dê lai bách thảo, mô hình “hỗ trợ trồng cây bời lời” tại các địa phương với tổng số tiền trên 1,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trên cơ sở hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai, Mặt trận các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động khảo sát thực trạng hộ nghèo tại địa phương để xây dựng các mô hình thực hiện cuộc vận động.
Đến nay Mặt trận các cấp đã duy trì và nhân rộng 400 mô hình phát triển sản xuất hiệu quả với hơn 18.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Thông qua cuộc vận động, các chương trình dự án, các phong trào do chính quyền, các đoàn thể phát động đã giúp đỡ hơn 29.500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.