Đìu hiu mai Tết
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhưng năm nay không khí tại các vườn mai ở Bạc Liêu khá ảm đạm, nhà vườn đối mặt với nhiều khó khăn như chi phí đầu tư tăng, mai nở sớm. Nhiều nhà vườn trồng mai lo lắng, thấp thỏm vì sức mua giảm mạnh.
Năm nay thời tiết bất thường khiến mai nở sớm, nhiều nhà vườn phải lặt bỏ những bông mai nở sớm đồng thời tăng cường chăm sóc mai tránh cho mai bị hư hỏng. Tuy nhiên, đó không phải là nỗi lo chính của nhiều nhà vườn, nhiều người trồng mai cho rằng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp Tết này chắc chắn bị thất thu nặng.
Anh Phạm Văn Minh, chủ cơ sở cây kiểng ấp Trung Hưng 3, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời điểm này năm ngoái, không khí mua bán mai đã bắt đầu nhộn nhịp, nhưng năm nay thị trường ảm đạm.
Vườn kiểng của anh hiện đang sở hữu hơn chục cây mai vàng được chăm sóc kỹ lưỡng, tạo dáng rất đẹp thế nhưng so khác với những năm trước đến thời điểm này hầu như chưa có doanh nghiệp nào đặt mua, hoặc hỏi thuê chưng Tết.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến kinh tế người dân lao đao, doanh nghiệp cũng chịu tác động không nhỏ trong khi đa phần vườn mai kiểng của anh Minh có giá từ hơn 10 triệu đồng đến vài chục triệu đồng một góc mai nên rất khó tiêu thụ.
Một lý do khác có thể là do kinh tế khó khăn, nhiều gia đình thắt chặt chi tiêu nên không mua mai chưng Tết còn giá cho thuê không hề rẻ, thường tính bằng từ 40% đến 50% giá trị của cây được thuê. “Với giá vài chục triệu đồng/cây, tính ra tiền thuê một cây mai vàng trông ngon mắt để chưng Tết người thuê phải bỏ ra một số tiền không hề nhỏ" - anh Minh nói.
Bà Lê Thị Út đang sở hữu cả chục gốc mai đẹp có giá bán từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng/gốc ở ấp Mỹ I, Vĩnh Phú Đông huyện Phước Long tỉnh Bạc Liêu cho biết, năm nay dịch bệnh khó khăn nên mai gốc lớn giá cao rất ít người mua.
"Giá mai từ 1 đến 2 triệu đồng thỉnh thoảng vẫn có người đến mua nhưng nhìn chung năm nay sức mua giảm hẳn so với mọi năm, doanh thu của các nhà vườn cũng sụt giảm rất nhiều đó cũng là tình hình chung của các tỉnh ở ĐBSCL chứ không chỉ riêng ở Bạc Liêu", bà Út nói.
Nhiều người trồng mai kiểng cho biết, do dự báo thị trường tiêu thụ mai kiểng gặp khó nên nhiều nhà vườn đã chủ động giảm giá bán cũng như giá cho thuê so với mọi năm nhưng đến thời điểm này khách đến mua khá vắng vẻ.
Bỏ nhiều vốn liếng, công chăm sóc với kỳ vọng sẽ thu lợi nhuận vào dịp cuối năm, thế nhưng thị trường mai Tết đìu hiu khiến nhiều nhà vườn "méo mặt".