Phối hợp để thu hồi tài sản tham nhũng
Báo cáo của ngành tư pháp cho biết, đến cuối năm 2021 thu hồi được hơn 4.000 tỷ đồng tiền thiệt hại từ các vụ án tham nhũng, sai phạm về kinh tế tại nhiều vụ án lớn trên cả nước. Con số này quá thấp so với tổng số tiền phải thi hành từ các án tham nhũng là hơn 72.000 tỷ đồng.
Thu hồi “nhỏ giọt”
Theo kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm 2021, đại diện Bộ Tư pháp thừa nhận, đã giảm nhiều so với trước, trong khi số tiền đang thực hiện thi hành từ các án tham nhũng là rất lớn. Cụ thể, năm 2021 các cơ quan thi hành án trên cả nước xử lý đối với 51 người đứng đầu do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 16 người bị xử lý hình sự và 35 người đã bị xử lý kỷ luật. Qua tổ chức thi hành án, ngành tư pháp phải thi hành gần 4.800 vụ việc, trong đó có gần 3.700 vụ việc đang được thi hành. Tuy nhiên, tính đến cuối năm nay, ngành tư pháp chỉ xử lý, thu hồi khoảng hơn 4.000 tỷ đồng. Đây là con số rất khiêm tốn so với tổng số tiền toàn ngành tư pháp từ trung ương đến địa phương phải thi hành là hơn 72.000 tỷ đồng.
MTTQ các cấp là một trong số các cơ quan giám sát việc xử lý, thu hồi án tham nhũng, kinh tế. PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh nêu rõ, việc giám sát trong một số lĩnh vực có tính chuyên môn cao như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hóa, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục… cần phải có thành viên (đoàn giám sát) có trình độ, chuyên môn hoặc từng công tác trong những lĩnh vực này. Nhất là, đối với các án tham nhũng, tội phạm kinh tế được phát hiện thời gian qua được che đậy bởi các “lợi ích nhóm” hoặc được “đỡ đầu” bởi người đứng đầu thuộc các cơ quan, đơn vị nhà nước ở địa phương có thẩm quyền phê duyệt hoặc tham mưu để thông qua những dự án tiền tỷ một cách dễ dàng.
Cùng quan điểm này, Luật sư Nguyễn Văn Tâm (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, để đẩy nhanh thu hồi thiệt hại về tài sản của nhà nước tại các án tham nhũng hiện nay, cần phải làm tốt từ khâu giám sát, trong đó có vai trò của hệ thống MTTQ, HĐND và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương. Đây chính là cánh tay nối dài của Trung ương tại cơ sở.
Ông Đỗ Mạnh Bổng, Viện trưởng VKSND TP HCM chỉ ra nhiều nguyên nhân của việc chậm thu hồi tài sản tham nhũng tại TP HCM. Trong đó, thực tế khi thi hành án và tổ chức thu hồi tài sản còn nằm rải rác ở nhiều hạng mục và ở nhiều địa phương, trong khi, tính pháp lý của các tài sản cũng chưa rõ ràng. Tại nhiều vụ án tham nhũng, tài sản chung của người phải thi hành án có liên quan với những người khác cũng buộc cơ quan thi hành án phải mất thêm thời gian để thu hồi. Cũng theo ông Bổng, ở đa số các vụ án tham nhũng lớn thì, số tiền phải thu hồi là rất lớn nhưng tài sản được bản án tuyên duy trì kê biên lại không nhiều, giá trị chưa tương xứng với số tiền bị chiếm đoạt. Bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan xuất phát từ các vướng mắc và chồng chéo về pháp luật còn tồn tại như chính sách về công khai, minh bạch tài sản,…đã khiến việc thi hành án bị kéo dài.
Cần cơ chế phối hợp
Việc thu hồi tài sản trong các án tham nhũng và sai phạm kinh tế lớn chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân, dẫn đến tài sản bị thất thoát và bị chiếm đoạt chưa thể thu hồi hết về ngân sách nhà nước. PGS.TS Nguyễn Lê Ninh cho rằng, đây là trách nhiệm không chỉ của ngành tư pháp, mà còn là trách nhiệm của người đứng đầu từng địa phương trên cả nước. Mặc dù vậy, con số 51 người đứng đầu từ trung ương đến địa phương thời gian qua bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng là rất đau lòng.
Ông Ninh kiến nghị, Bộ Tư pháp cần làm việc với từng địa phương cũng như các cơ quan giám sát tham nhũng, trong đó có hệ thống MTTQ để tháo gỡ những vướng mắc trong thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay. Theo kiến nghị của đại diện Viện KSND TP HCM, thời gian tới cần tập trung nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thiệt hại, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng và chức vụ xảy ra trên địa bàn. Cụ thể, VKS thành phố kiến nghị xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan tố tụng và các cơ quan có liên quan (thanh tra, kiểm toán,…) để đảm bảo sự minh bạch, thông suốt ngay từ giai đoạn thụ lý tin báo tố giác tội phạm đến giai đoạn điều tra truy tố, qua đó đẩy nhanh được tiến độ thu hồi tài sản.
Ngoài công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng và cơ quan giám sát, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần có cả trách nhiệm của ngân hàng và các tổ chức tín dụng trong ngăn chặn thất thoát tài sản tham nhũng, theo đó cần cơ chế minh bạch, rõ ràng hơn nữa. Về lâu dài, Chính phủ cần xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công dân, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để quản lý, ngăn chặn việc tẩu tán tài sản do tham nhũng mà có.
Theo kiến nghị của đại diện Viện KSND TP HCM, thời gian tới cần tập trung nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thiệt hại, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng và chức vụ xảy ra trên địa bàn. Cụ thể, VKS thành phố kiến nghị xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan tố tụng và các cơ quan có liên quan (thanh tra, kiểm toán,…) để đảm bảo sự minh bạch, thông suốt ngay từ giai đoạn thụ lý tin báo tố giác tội phạm đến giai đoạn điều tra truy tố, qua đó đẩy nhanh được tiến độ thu hồi tài sản.