Gỡ khó để thông quan
Do phía Trung Quốc tiếp tục áp dụng chính sách “Zero Covid” nên đã xảy ra ùn tắc nông sản tại các khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc nước ta. Dù các cơ quan chức năng đã làm việc với đối tác, song những ngày gần đây vẫn có hàng đoàn dài xe container chở nông sản phải nằm dài chờ thông quan, nhất là tại Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Ngày 22/12, thông tin từ UBND TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, địa phương này vừa nhận được thông báo từ chính quyền TP Đông Hưng (Trung Quốc) về việc tạm dừng việc thông quan người và hàng hóa ở cửa khẩu Đông Hưng; trong đó, bao gồm cả cặp chợ biên mậu và cầu phao, kể từ 0h ngày 21/12, để phòng, chống dịch Covid-19.
Ùn tắc, thiệt hại lớn
Theo thông báo trên, những người đã đặt lịch hẹn thành công qua hệ thống nhập cảnh hẹn tại cửa khẩu Đông Hưng, nếu đang/đã đến TP Móng Cái thì tuân thủ theo các quy định về phòng, chống dịch; có thể chọn lưu trú tại các khách sạn cách ly chờ Cửa khẩu Đông Hưng thông quan lại bình thường, khi thông quan lại sẽ làm thủ tục nhập cảnh theo thứ tự hẹn trước.
Phía Đông Hưng cũng thông báo thêm, cửa khẩu Đông Hưng hiện nay (bao gồm cả cặp chợ biên mậu, cầu phao) các xe hàng xếp hàng chờ xuất nhập cảnh, thời gian chờ lâu. Đối với những mặt hàng cần xuất, nhập khẩu gấp cần chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch xuất nhập khẩu, sắp xếp thời gian thông quan hợp lý, thận trọng lựa chọn cửa khẩu thông quan để tránh những tổn thất không đáng có do hàng hóa tồn đọng.
Trao đổi với báo chí, đại diện UBND TP Móng Cái cho biết, việc Cửa khẩu Đông Hưng phải tạm dừng thông quan đã gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam. Bởi, hiện nay vẫn còn khoảng 1.000 container đang chờ đợi ở Cửa khẩu quốc tế Móng Cái để chờ thông quan sang Trung Quốc. Việc phải chờ đợi kéo dài suốt 2 tuần qua đã khiến một lượng lớn nông sản bị hư hỏng, buộc phải vứt bỏ hoặc bán tháo với giá rẻ mạt. Vì vậy, TP Móng Cái đã lên phương án hỗ trợ các DN. Theo đó, lưu kho bãi container được giảm từ 200.000 đồng/container/ngày xuống còn 100.000 đồng/container/ngày. Cùng với đó, các đơn vị cung ứng dịch vụ hỗ trợ DN, lái xe.
Thực tế, tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu chính ở Lạng Sơn như Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma... kéo đã dài khoảng nửa tháng qua. Theo thống kê của Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) lượng xe container tồn tại 3 khu vực cửa khẩu này là hơn 4.461 xe với các mặt hàng chủ yếu là hoa quả, tinh bột sắn… Tình trạng này gây ra nhiều vấn đề hệ lụy đến an ninh xã hội, cũng như vệ sinh an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản, thủy hải sản, nếu để lâu sẽ dẫn đến hư hỏng gây thiệt hại cho DN.
Lý do ùn tắc nông sản, theo Sở Công thương Lạng Sơn là do Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khiến thời gian chờ làm thủ tục thông quan tăng lên nhiều so với trước đây. Một nguyên nhân nữa, là nhiều cửa khẩu của một số tỉnh như Lào Cai tạm đóng, khiến hàng hoá đổ dồn về Lạng Sơn.
Không chỉ năm nay mà các năm trước, nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đều gặp những khó khăn nhất định dẫn đến việc ùn tắc gây nhiều thiệt hại cho các chủ xe hàng.
Giám đốc một công ty về trà gia vị, thảo dược cho rằng, bối cảnh hiện tại buộc các DN phải làm việc trực tuyến. Tuy nhiên, như DN của ông lại không có cán bộ chuyên trách khiến quá trình xúc tiến không đạt chuẩn. Vị giám đốc này mong gắn kết cộng đồng DN nhỏ để cùng nhau giải quyết các vấn đề trên.
Còn chủ một DN xuất nhập khẩu chè đen ở thành phố Yên Bái thì phân tích, hàng hoá mà lái xe, người dân đưa trực tiếp sang Trung Quốc tại một số cửa khẩu phía Bắc hiện nay là những sản phẩm được ưa thích. Phía nhập khẩu yêu cầu các sản phẩm cấp thấp nhưng lại đòi hỏi chất lượng cao, giá mềm. Chính vì vậy, nếu DN thuê được đội xe, bán được hàng thì chi phí vận chuyển cũng rất cao, thậm chí còn cao hơn cả giá trị hàng hóa; thêm vào đó còn phụ thuộc vào đơn vị trung gian trong xuất khẩu…
Để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu, Tổng cục Hải quan đã có Công điện số 14/TCHQ chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh biên giới thực hiện các giải pháp như: Khẩn trương tạo điều kiện và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu; giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh; giải quyết thủ tục thông quan cả ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ...
Cần sớm đàm phán để khơi dòng chảy
Trong cuộc làm việc mới đây giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tỉnh Lạng Sơn bàn về giải pháp gỡ khó cho xuất khẩu nông sản, đại diện tỉnh Lạng Sơn đề xuất Việt Nam và Trung Quốc phải bàn và thống nhất cách thức, biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, giữ an toàn cho cả hai nước. Bộ NNPTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc cần ký nghị định thư về kiểm dịch thực vật với hoa quả Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc để giảm bớt thời gian kiểm dịch hàng hoá, thúc đẩy nhanh khả năng thông quan. Cùng đó các bộ, ngành cần khuyến cáo để nông dân, DN kinh doanh nông sản hàng hoá phải sản xuất theo quy trình đáp ứng quy định về chất lượng, yêu cầu nhập khẩu của Trung Quốc, hướng tới xuất khẩu chính ngạch, hạn chế trao đổi hàng hóa qua hình thức cư dân biên giới.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, sắp tới, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thông báo tới đơn vị kiểm dịch vùng liên hệ các DN để thông báo tình hình ùn tắc hiện nay, từ đó có kế hoạch đảm bảo không quá dồn áp lực xe nông sản lên biên giới.
Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc là do phía Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng lái xe hàng hóa qua lại khu vực biên giới hạn chế, có những cửa khẩu chỉ đáp ứng từ 20- 25% so với lưu lượng thông quan hàng hóa so với bình thường. Đặc biệt, có địa phương cơ quan chức năng phía Trung Quốc tăng cường biện pháp chống dịch ở mức cao hơn, yêu cầu thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa tại cặp cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài và cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan theo hướng lái xe chuyên trách điều khiển xe sang phía Trung Quốc giao hàng và yêu cầu lái xe phải đi về trong ngày, niêm phong cabin xe, lái xe không được xuống xe và phải tiêm đủ 2 mũi vaccine; đồng thời thực hiện xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR định kỳ 3 ngày/lần.
Để tập trung chống dịch, phía Trung Quốc chuyển một số cán bộ kiểm dịch hải quan sang hỗ trợ kiểm soát người Trung Quốc nhập cảnh về nước ăn Tết nên lực lượng hải quan giải quyết thủ tục hàng hóa hiện nay rất mỏng. Bên cạnh đó, khi Trung Quốc đưa ra thông báo dự kiến tạm dừng nhập khẩu trước và sau Tết Nguyên đán 14 ngày đối với xe lạnh để chuẩn bị các công việc trước và sau Tết càng gây áp lực cho các DN Việt Nam đưa hàng hóa lên cửa khẩu để kịp xuất khẩu trước thời gian trên.
Giảm phụ thuộc, tăng tính chủ động
Câu chuyện hàng hoá ùn tắc tại cửa khẩu khi phía Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu năm nào cũng được nhắc nhưng chưa giải quyết hiệu quả.
Một cán bộ thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn chia sẻ dường như năm nào khi “căn bệnh” tái phát, các bộ quản lý và địa phương lại ngồi lại bàn và đưa ra giải pháp để triển khai. Dù đã có rất nhiều giải pháp được áp dụng tức thời nhưng bài toán khó này cần một lời giải triệt để. Về phía nông dân, thậm chí phải thay đổi lối canh tác truyền thống, phải biết trồng cây trái vụ, tránh “đụng hàng”. Và ở khâu thương mại phải làm chuyên nghiệp, mua bán theo hợp đồng, phải có kho bảo quản, tạm trữ, chế biến... Ngay từ đầu năm, Bộ NNPTNT, Bộ Công thương nên tổ chức một hội nghị triển khai kế hoạch tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trên phạm vi cả nước để có những phương án, giải pháp chủ động hơn cũng như những định hướng, khuyến cáo kịp thời cho bà con nông dân, các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp từ khâu trực tiếp sản xuất, đến chế biến, vận chuyển, tiêu thụ, xuất khẩu;
Đặc biệt, cần thay đổi tập quán kinh doanh xuất khẩu từ phương thức truyền thống, không có hợp đồng thương mại sang phương thức hiện đại, thành lập hợp đồng với các điều khoản rõ ràng, minh bạch giữa các bên. Nói như chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh thì cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm hiểu và mở rộng thị trường xuất khẩu đối với hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là những thị trường mới tiềm năng, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Ở góc độ quản lý, Tổng cục Hải quan đã đề xuất Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Công thương đàm phán với phía Trung Quốc tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu; đặc biệt là các mặt hàng nông sản của Việt Nam.
Tổng cục Hải quan cũng đề nghị Bộ Ngoại giao đàm phán, trao đổi với cơ quan chức năng phía Trung Quốc đảm bảo việc thực hiện theo đúng Hiệp định thương mại biên giới giữa hai nước đã ký kết để hoạt động thương mại biên giới phát triển lành mạnh, liên tục và ổn định. Trường hợp khi có thay đổi về chính sách đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cần thông báo trước ít nhất 10 ngày trước khi áp dụng để phía Việt Nam có thời gian chuẩn bị…
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu
Qua nắm bắt tình hình thì thấy có một số doanh nghiệp Việt Nam không thực hiện nghiêm quy định 5K, dẫn đến một số lái xe mắc Covid-19 khiến phía Trung Quốc kiểm soát ngặt nghèo hơn, cả người, phương tiện và hàng hóa, bao bì, dẫn đến ùn tắc xe chở nông sản. Do đó, khi doanh nghiệp và lái xe thực hiện vận chuyển hàng hoá cần thực hiện nghiêm 5K, tránh gây thiệt hại chung.
Sau đó nữa là cơ quan chức năng phải tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc để có giải pháp tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu. Đồng thời, cần giải quyết các vấn đề phát sinh trong giao nhận hàng hóa. Nếu như hàng nào cần xử lý tại chỗ thì ưu tiên xử lý tại chỗ, hàng nào mà chưa xuất khẩu đi được thì chờ kho lạnh. Tránh thiệt hại cho doanh nghiệp được chừng nào hay chừng đó. Và giải pháp cuối cùng là phải tìm thêm thị trường xuất khẩu.
Chuyên gia Kinh tế Đặng Đình Đào: Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại
Phải có quy hoạch vùng sản xuất, vùng nguyên liệu để hướng dẫn người nông dân trồng và thu hoạch mua bán đúng thời vụ. Doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, đảm bảo hàng hoá xuất khẩu chuẩn về chất lượng.
Doanh nghiệp cần chủ động chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch, mua bán theo hợp đồng, với điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng. Doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm hiểu và mở rộng thị trường xuất khẩu.
T.Hằng (ghi)