Bình yên cho những cây cầu
Cầu Cái Đôi Vàm dài hơn 100 mét (phần thân cầu), có giá trị xây lắp 33 tỷ đồng. Công trình khởi công vào năm 2020 và đang hoàn thiện phần lan can, tay vịn, đường dẫn thì xảy ra sự cố.
Vào khoảng 9h15 ngày 21/12, công trình xây dựng cầu nối từ bờ Nam với bờ Bắc ngang sông Cái Đôi Vàm (huyện Tân Phú, tỉnh Cà Mau) bất ngờ bị lún phần trụ chính (trụ T7), đoạn gần giữa sông. Đến khoảng 12h trưa cùng ngày thì phần trụ bị lún đã sát mặt nước, kéo phần nhịp giữa và nền cầu sụp lún theo, chắn sát mặt sông Cái Đôi Vàm. Đây là sự cố nguy hiểm trong xây dựng cầu, cho dù thời điểm đó không có phương tiện đường thuỷ lưu thông qua lại nên không xảy ra tai nạn về người.
Cầu Cái Đôi Vàm dài hơn 100 mét (phần thân cầu), có giá trị xây lắp 33 tỷ đồng. Công trình do Ban Quản lí dự án xây dựng công trình giao thông Cà Mau làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty cổ phần tập đoàn TPM, đơn vị giám sát là Công ty cổ phần TVXD 533 phía Nam. Công trình khởi công vào năm 2020 và đang hoàn thiện phần lan can, tay vịn, đường dẫn thì xảy ra sự cố.
Ngay sau đó, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ nguyên nhân; đề nghị đơn vị thi công, chủ đầu tư tập trung nhân lực, trang thiết bị để xử lý sớm nhất có thể sự cố; đồng thời tìm nguyên nhân, trách nhiệm của các bên, có giải pháp để tiếp tục thi công, đảm bảo công trình sớm hoàn thành.
Nhận định ban đầu của các bên liên quan có thể do địa chất yếu, hoặc bên dưới có túi bùn nhưng cũng không loại trừ lỗi do khâu thiết kế. Tuy nhiên, mọi việc vẫn chờ kết luận từ cơ quan chức năng.
Mặc dù không ai muốn nhưng trên thực tế sự cố về xây dựng vẫn xảy ra, trong đó có sự cố xây cầu bắc qua sông. Đây đều là những sự cố lớn, ảnh hưởng kéo dài, việc khắc phục cũng không hề đơn giản. Đáng tiếc là ngoài cầu Cái Đôi Vàm, thời gian qua tại Cà Mau cũng đã xảy ra một số sự cố khác. Trong đó có thể kể đến vụ chiếc sà lan chở đầy cát neo đậu gần cầu Cả Trăng, bị nước chảy mạnh làm đứt dây neo ngày 12/1/2017. Sà lan bị trôi, va đập vào trụ cầu làm gãy đôi nhịp giữa. 2 nhịp cầu hơn 23 mét bị sụp xuống sông. Trước đó, vào ngày 5 rạng sáng ngày 6/8/2016, cầu Ô Rô bắc qua kênh Ô Rô, thuộc ấp Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển có 2 nhịp dài khoảng 20 m cũng bất ngờ đổ ụp xuống sông. Nguyên nhân được cho là nền đất yếu, nước chảy siết, đất hai bên bờ lở rất nhiều ảnh hưởng đến cầu.
Theo các chuyên gia địa chất, tỉnh Cà Mau thuộc vùng đất yếu. Nếu như tình trạng sụt lở đất ở Đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây diễn biến phức tạp, thì Cà Mau là một trong những địa phương có nhiều điểm sụp đất nhất: Thống kê năm 2020, tỉnh Cà Mau có trên 1.000 điểm sụp đất, có nơi sâu đến gần 2 mét.
Cà Mau là tỉnh có 3 mặt giáp biển nên có nhiều cửa sông, cửa biển, hệ thống sông ngòi chằng chịt. Nền đất đặc biệt yếu thuộc về vùng cửa biển, dọc theo những dòng sông. Vì thế, việc triển khai những công trình xây dựng lớn tại đây khó khăn hơn những nơi khác khi phải gia cố, xử lý nền công phu hơn, tốn kém hơn, mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, cũng không thể vì thế mà chấp nhận sự cố đến với những công trình.
Cũng như một số tỉnh miền Tây Nam bộ, giao thông tại Cà Mau chưa phát triển. Nhiều năm qua, bằng rất nhiều nỗ lực, chính quyền cùng người dân đã cơ bản xóa được “cầu khỉ” bắc ngang kênh rạch, để người dân đi lại dễ dàng hơn. Nhất là những tháng mùa mưa kéo dài, đi trên những cây cầu bê-tông, nhớ lại những lần trơn trượt trên cây cầu tre lắt lẻo, không khỏi rùng mình.
Một trong những “nút thắt” tại miền Tây Nam bộ chính là hệ thống giao thông đường bộ, trong đó có những cây cầu vượt sông. Ngân sách nhà nước đã dành khá lớn cho ưu tiên này. Tới đây, tại Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cà Mau nói riêng còn tiếp tục có thêm nhiều tuyến đường, nhiều cây cầu. Chính vì thế, sự cố cầu Cái Đôi vàm mới đây là thêm một cảnh báo: nếu loại trừ yếu tố thiết kế, kỹ thuật kém, nhà thầu “ăn bớt”... thì việc thăm dò kĩ lưỡng nền đất, xử lý chắc chắn sụp lở là điều rất quan trọng để bảo đảm tốt nhất những công trình xây dựng. Trong đó có những cây cầu.