Siết chặt quản lý đơn thuốc
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư quy định việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử. Đây được coi là nỗ lực của ngành y tế trong việc siết chặt quản lý kê đơn thuốc, vừa đảm bảo tránh gian lận bảo hiểm y tế, đồng thời tránh việc y bác sĩ kê cho người bệnh toàn loại thuốc mà chỉ có ở cửa hàng thuốc “sân sau” để ăn chênh lệch.
Theo lộ trình, các bệnh viện từ cấp 3 trở lên sẽ phải hoàn thành việc kê đơn thuốc điện tử trước ngày 30/6/2022, các cơ sở y tế còn lại phải hoàn thành trước ngày 1/12/2022. Tất cả các đơn thuốc điện tử đều phải đưa lên hệ thống đơn thuốc quốc gia để kiểm tra, giám sát. Các bệnh viện, cơ sở y tế còn gần 1 năm để chuyển đổi từ giấy sang điện tử.
Hệ thống đơn thuốc quốc gia ở góc độ nào đó có thể ví như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó bao gồm các thông tin về bệnh lý, triệu chứng lâm sàng, chụp chiếu, chỉ định thuốc của y bác sĩ... Từ đó, bất cứ ai khi truy cập vào hệ thống dữ liệu đơn thuốc đều có thể biết ngay bác sĩ đã “phán” đúng bệnh chưa, việc kê đơn thuốc có vấn đề không?
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là bước “đại nhảy vọt” của ngành y tế trong nỗ lực quản lý khám chữa bệnh một cách minh bạch, hiệu quả. Giờ thì các cán bộ y tế khó mà “nhấm nháy” với nhà thuốc để hưởng chênh lệch khi kê đơn thuốc cho người bệnh. Khi đơn thuốc được đưa lên hệ thống đơn thuốc quốc gia, có hàng trăm cặp mắt soi vào, khó mà làm ẩu.
Hơn thế nữa, khi xảy ra bất cứ sự cố nào với người bệnh trong quá trình điều trị, cơ quan chức năng chỉ cần truy xuất đơn thuốc bác sĩ đã kê trong hệ thống dữ liệu là có thể xác định lỗi từ đâu, ai phải chịu trách nhiệm. Tới đây sẽ không còn việc tranh cãi đúng sai mỗi khi xảy ra các sự cố.
Quan trọng hơn, với việc kê đơn thuốc điện tử và cập nhật lên hệ thống quốc gia, các bệnh viện, cơ sở y tế sẽ khó mà lợi dụng để trục lợi bảo hiểm y tế. Không chỉ có các cơ quan quản lý, ngành bảo hiểm cũng sẽ được cấp quyền truy xuất vào hệ thống để kiểm tra, giám sát, tránh việc cố tình kê đơn thuốc ảo, khai tăng số lượng thuốc để trục lợi bảo hiểm.
Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo Cục Quản lý dược yêu cầu, hướng dẫn các cá nhân, tổ chức kinh doanh thuốc kết nối liên thông với hệ thống đơn thuốc quốc gia để bán cho người bệnh có nhu cầu. Mỗi lần bán thuốc của các cơ sở kinh doanh sẽ để lại “dấu” trên hệ thống để cơ quan quản lý xem xét khi xảy ra sự cố ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng người bệnh.
Các bệnh nhân cũng không thể tự ý đi mua thuốc về dùng với lý do quên đơn thuốc ở nhà. Khi truy xuất trên hệ thống không có tên bệnh nhân, không có đơn thuốc của bác sĩ, nhà thuốc sẽ không được phép bán thuốc cho người bệnh. Điều này sẽ giảm thiểu việc vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh và an toàn chung.
Ngoài ra, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc tránh tiếp xúc như kê đơn thuốc bằng giấy cũng là một biện pháp phòng dịch, lại đảm bảo yêu cầu số hóa mọi lĩnh vực để tiến tới quản lý xã hội bằng chính phủ điện tử theo đúng lộ trình mà Chính phủ đã đặt ra.
Có thể nói, việc kê đơn thuốc điện tử mang lại rất nhiều ích lợi, vì vậy cần nhanh chóng hiện thực hóa trong cuộc sống. Nếu có cá nhân, đơn vị nào vin cớ này, cớ kia để trì hoãn thì Bộ Y tế cần có những biện pháp cương quyết để quy định này không bị “đánh trống bỏ dùi”. Bởi lẽ, quy định dù thiết thực đến đâu cũng chỉ có giá trị trong thực tiễn cuộc sống, chứ không thể phát huy tác dụng khi nằm trên giấy.