Ung thư đường tiêu hóa gia tăng

Đức Trân 23/12/2021 09:32

Ung thư đường tiêu hóa bao gồm ung thư khoang miệng, thực quản, dạ dày, vòm họng, ruột non, đại trực tràng và hậu môn. Ung thư tiêu hóa được xem là căn bệnh âm thầm, hầu như không có dấu hiệu mặc dù khối u đã xuất hiện và phát triển trong thời gian dài.

Thống kê từ Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IACR), nước ta nằm trong top 20 quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao trên thế giới. Mỗi năm ghi nhận 17.500 ca mắc mới ung thư dạ dày, trong đó 15.000 trường hợp tử vong; gần 15.000 ca mắc ung thư đại tràng mới và có đến hơn 7.000 người chết vì căn bệnh này.

Báo cáo của IACR cũng ghi nhận, từ năm 2018, Việt Nam có 182.563 ca mắc mới ung thư. Năm loại ung thư phổ biến năm 2020 lần lượt là ung thư gan, phổi, ung thư vú (ở nữ), dạ dày và đại trực tràng. Việt Nam có hơn 26.000 trường hợp mới mắc ung thư gan/năm - tỷ lệ này cao nhất thế giới, trung bình mỗi năm có gần 20.000 trường hợp tử vong.

Theo GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Chủ tịch Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam, hệ tiêu hóa là nơi dễ bị tổn thương, dễ dẫn đến ung thư, nguy cơ tử vong cao hơn rất nhiều so với bất kỳ cơ quan nào khác trong cơ thể. Điều đáng báo động là những bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa ngày càng gia tăng và trong những năm gần đây luôn đứng trong top 5 những bệnh ung thư phổ biến ở nước ta.

Nguy hiểm hơn, các chuyên gia y tế lý giải, ung thư đường tiêu hóa là căn bệnh âm thầm, hầu như không có triệu chứng mặc dù khối u đã xuất hiện và phát triển suốt một thời gian dài. Các triệu chứng như đi ngoài phân đen, tắc ruột, đau bụng, chán ăn, gầy sút cân... Rất ít người chủ động tầm soát định kỳ hằng năm để phát hiện sớm tổn thương ở dạng tiền ung thư. Bởi vậy, rất nhiều người bệnh chỉ được phát hiện khi đã ở tình trạng nặng.

Chia sẻ về một vài trường hợp bệnh nhân chủ quan với căn bệnh ung thư đường tiêu hóa, BS Nguyễn Thị Lan, chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho hay, đa số bệnh nhân đến khám bệnh lý đường tiêu hóa khi xuất hiện một trong các dấu hiệu rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác khiến người bệnh chủ quan

“Thời gian qua, chúng tôi ghi nhận trường hợp của bệnh nhân P.V.Đ. (28 tuổi, ở Thanh Hóa) có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng đợt này, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, ăn uống kém. Vì vậy, bệnh nhân tự ý mua thuốc dạ dày về uống, tình trạng bệnh có đỡ nhưng không khỏi hẳn. Khi đến bệnh viện nội soi dạ dày thì ngã ngửa vì phát hiện bị mắc ung thư dạ dày.

Một trường hợp khác, anh T.Đ.D. (32 tuổi, ở Thái Bình) gần đây hay đau bụng, đi ngoài phân nhỏ dẹt, sụt cân. Đến khám tại bệnh viện, nội soi đại trực tràng phát hiện ở đại tràng Sigma có tổn thương sùi loét lớn, bác sĩ nội soi nghĩ đến u ác tính nên sinh thiết tổn thương và cho làm mô bệnh học thì có kết luận khẳng định là ung thư tuyến biệt hóa. Khi nhận được kết quả, anh D. thấy như sét đánh bên tai khi tuổi còn trẻ, con còn nhỏ dại mà đã bị mắc ung thư ở giai đoạn tiến triển. Giá như anh phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm hơn thì mọi chuyện đã khác”.

BS Lan khuyến cáo: Để phòng tránh nguy cơ mắc ung thư cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học như tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây. Giảm chất béo. Hạn chế đồ chua cay nóng, chất kích thích, chiên rán nướng, đồ ăn công nghiệp, rượu bia, không hút thuốc lá. Xây dựng lối sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày. Ngoài ra, cần phải đi khám ngay nếu xuất hiện các biểu hiện bất thường như chán ăn, đầy bụng, sụt cân không rõ nguyên nhân; đại tiện phân nhỏ dẹt, phân máu, táo bón hoặc tiêu chảy,… Đặc biệt, cần tầm soát ung thư đường tiêu hóa (dạ dày, đại trực tràng) định kỳ ở các cơ sở y tế uy tín, ngay cả khi cơ thể không xuất hiện các dấu hiệu nói trên…

Đức Trân