Sự tử tế không bao giờ thay đổi
Nhân ngày gặp mặt, một số bạn học phổ thông với nhau từ cách đây hơn nửa thế kỷ tranh luận rất sôi nổi về đề tài: “Đạo đức hiện nay có xuống cấp không?
Sự tử tế có còn không hay đã hết, hay đã suy giảm đi rồi”. Rồi họ lấy nhiều thí dụ có thật trên báo, trên mạng xã hội và trên các trang thông tin đại chúng để minh họa. Ông chủ tọa nói: “Ông nào nói cũng đúng mà cũng không đúng”. Rồi ông hỏi từng người: “Trong số chúng ta đây đã ai dám bất hiếu với cha với mẹ, bất nhân, bất nghĩa với anh em, với bạn bè chưa?
Thoáng chút bối rối, nhưng mọi người đều khẳng định một cách rõ ràng, dứt khoát rằng:
- Chưa hề có chuyện đó.
- Không bao giờ chúng ta là người xấu.
- Không đời nào có chuyện như thế.
- Cả đời chúng ta, bẩy, tám mươi năm nay lúc nào cũng sống lương thiện, chăm chỉ, giúp đỡ người khác.
- Suốt đời chúng ta sống tử tế mà.
Theo “Từ điển tiếng Việt”: “Tử tế là: 1/Có đủ những gì thường đòi hỏi phải có để không bị coi là quá sơ sài, lôi thôi hoặc thiếu đứng đắn. Thí dụ: Đi ra đường phải ăn mặc tử tế. Lấy nhau có cưới xin tử tế. Con nhà tử tế. 2/Tỏ ra có lòng tốt trong đối xử với nhau. Thí dụ: Ăn ở tử tế với nhau. Được đối xử tử tế”.
Nhà triết học lớn người Pháp, ông Jean Jacques Rousseau (1712 – 1778) cũng đã có một tổng kết thiên tài: “Làm gì có sự khôn ngoan nào ở trên đời vượt qua được sự tử tế”.
Rõ ràng, chỉ qua trích dẫn từ Từ điển và một nhà triết học, ta đã thấy rõ: Sự tử tế là một kỹ năng sống cơ bản của con người có giáo dục, của người được rèn luyện từ nhỏ về lòng nhân từ, lòng bác ái, tình thương người như thể thương thân.
Nếu đã là kỹ năng sống tốt như thế, đạo đức như thế, bền vững như thế thì sao lại đặt vấn đề là “Sự tử tế có thay đổi theo thời gian, theo thời đại không?”. Câu trả lời dứt khoát là: “Không bao giờ”. Trên thực tế đã cho ta thấy sự tử tế với người khác phải được đề cao như cơm ăn, nước uống, không khí thở hàng ngày mới mong thành người lương thiện, có ích cho xã hội được. Tùy theo từng công việc được phân công trong xã hội mà sự tử tế được áp dụng, được thực hành, được thể hiện để phục vụ con người.
Nhà triết học, nhà thơ, nhà khoa học lỗi lạc người Đức, ông Wolfgang Goethe (1749 – 1832) đã có một cái nhìn tổng quát mà xa thẳm, mà bao trùm lên tất cả: “Hiểu biết sẽ chẳng khi nào thấy đủ/ Nếu không đem trải nghiệm với đời/ Ước vọng sẽ chẳng khi nào thấy đủ/ Nếu cứ ngồi tưởng mộng giữa chơi vơi”.
Từ cái nhìn bao la rộng lớn của Goethe, ta hiểu thêm được là: Tử tế là chia sẻ, dâng hiến và hòa đồng với tập thể, với cộng đồng xã hội.
Mà chia sẻ được sự hiểu biết, chia sẻ được ước vọng thì quả thực là niềm vui lớn, hạnh phúc lớn của những con người lao động, dù trí óc hay chân tay, để hướng đến một ánh sáng văn minh là giao lưu, gắn bó.
Đã có tác giả phân tích: Thế nào là sự tử tế? Hiểu đơn giản người tử tế là người có đạo đức, được gia đình và xã hội giúp đỡ, giáo dục tốt nên biết đối xử với ai cũng tốt, cũng thân thiện, cũng cảm mến. Trái với người tử tế là người ích kỷ, nhiều tham vọng cá nhân, tham lam chỉ muốn có lợi cho mình, không bao giờ muốn chia sẻ với ai, nên luôn nhận được những kết quả thảm hại: Lúc khó khăn không có ai giúp đỡ, ai cũng xa lánh, không dám gần những loại người này. Mấy câu thơ rất đơn giản của Goethe nhưng hàm ý sâu xa, bao quát, lại được sự đóng góp của dịch giả khi chuyển ngữ sang tiếng Việt đã khiến ai đọc được đều thấm thía, thú vị về một khía cạnh to lớn của sự tử tế là giúp người cũng là giúp mình. Đó là luật nhân quả công bằng và rất thường gặp trong đời sống hàng ngày.
Lời dạy bao đời nay của ông bà chúng ta đã chứng minh sức mạnh của sự tử tế, sức mạnh của giáo dục sự tử tế từ đời này sang đời sau, đó là: “Cây xanh thì lá cũng xanh/ Cha mẹ hiền lành để đức cho con”. Đó là: “Ở hiền gặp lành”.
Thế cho nên con người khôn ngoan, trưởng thành ý thức được đầy đủ, cái lá chắn cho cuộc đời ta chính là sự tử tế, cái mầm cây xanh tốt ban cho chúng ta hoa thơm trái ngọt, chính là sự tử tế. Ai có can đảm để thay đổi sự tử tế, ai có can đảm làm ngược lại sự tử tế để chuốc họa vào thân?
Jean-Jacques Rousseau, nhà triết học của trào lưu khai sáng thế kỷ XVIII đã nhắc ta: “Cái lá chắn che chở cuộc đời ta chính là sự tử tế”.
Người Anh cổ cũng nhắc nhở, giáo dục ta: “Sự tử tế quý giá hơn cả vương miện”, vì vương miện còn có lúc sụp đổ, có lúc đổi thay, chứ sự tử tế là sức mạnh vững bền mãi mãi.
Nhà triết học cổ đại Horace cách đây hàng ngàn năm cũng đã tổng kết: “Bạc kém giá trị hơn vàng, vàng lại kém giá trị hơn sự tử tế”.
Trích dẫn tất cả các danh ngôn ca ngợi sự tử tế vừa nêu trên để soi sáng một số chuyện đời thường xảy ra ở xung quanh chúng ta:
Ông Xuân và ông Thu đều mở quán cơm, phở bình dân. Cửa hàng ông Xuân lúc nào cũng đông khách, người ra vào cười nói vui vẻ. Trái lại, cửa hàng ông Thu thường vắng khách, vì kinh doanh kém nên ông sinh ra cáu gắt, to tiếng với người nhà và với khách hàng. Hỏi ra mới rõ ông Xuân là người hiền lành tử tế, ai nghèo ông không lấy tiền hoặc lấy rẻ, ai chưa có tiền ông cho chịu. Vì thế tiếng lành đồn xa, mọi người đều rủ nhau đến ăn để ủng hộ ông Xuân. Rõ ràng sự tử tế đã nâng đỡ, giúp ích cho con người ở mọi tầng lớp, mọi ngành nghề, mà trong trường hợp này là nghề phục vụ ăn uống.
Lý giải thêm về sức mạnh của sự tử tế, tưởng không có câu nào vừa giản dị, vừa dễ nhớ như câu: “Cuộc sống như chiếc gương soi. Nếu bạn cau có với nó, nó sẽ cau có với bạn. Nếu bạn tươi cười, nó sẽ tươi cười với bạn”. Câu này có thể cắt nghĩa đơn giản như sau: Nếu bạn tử tế với một ai đó thì tiếng lành sẽ đồn xa, sẽ có người tử tế lại với bạn và bạn của người đó cũng sẽ đối xử tử tế với bạn. Cái quà tặng nhân quả này chỉ đến và chỉ giành cho những người tử tế, lương thiện. Nó vô giá, không thể nào cân đong đo đếm được như cách tính toán theo kiểu con buôn, ích kỷ, tham lam. Ý tứ này của Samuel cũng giống như lời một bài hát cổ của Pháp: “Bạn hãy cứ cho đi, thế nào cũng được nhận lại”.
Sơ kết lại: Tử tế là một đức tính, một vũ khí quan trọng của cuộc đời một con người lương thiện. Ta phải giữ gìn nó suốt đời, không bao giờ được thay đổi, không bao giờ được đánh mất, nó sẽ giúp ta có một cuộc sống bình an, hạnh phúc như một ngạn ngữ cổ của người Canada: “Những gì mà ta có được lúc tuổi già chính là những thứ mà ta đã dâng hiến cho đời khi ta còn trẻ”.
Trong gần 2 năm qua, thế giới chao đảo vì đại dịch Covid-19. Nhiều người đã mắc bệnh, nhiều người đã chết. Kinh tế nhiều nước, nhiều khu vực, nhiều châu lục đã rơi vào khó khăn, kiệt quệ. Nhưng cũng chính qua 2 năm khủng hoảng quốc tế đó con người đã xích lại gần nhau, biết yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau nhiều trang thiết bị y tế quan trọng, nhiều loại vaccine chống Covid-19, nhiều loại thuốc đặc trị chống Covid-19. Tất cả những điều đó đều là kết quả của sự tử tế, sự đồng cảm, sự thương xót lẫn nhau giữa chính phủ các nước với nhau.
Sắp bước sang năm 2022, chúng ta bước vào một thời kỳ phòng chống dịch mới, chung sống an toàn với Covid-19 để duy trì phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa xã hội trong tình hình mới, trong trạng thái cân bằng mới. Với những kết quả bước đầu của sự hồi phục kinh tế ở nước ta và khu vực cũng như trên bình diện toàn cầu, cho phép tất cả chúng ta lạc quan tin tưởng vào sức mạnh mới, ánh sáng mới mà sự tử tế đã mang lại trong những ngày tháng gian khổ mà quyết liệt đã qua.