Sêkhốp và Nam Cao: Nhìn từ hai nền văn học

GS PHONG LÊ 23/12/2021 10:00

Người viết bài này là một độc giả yêu mến Nam Cao từ khi còn ở tuổi học sinh. Đã từng viết về Nam Cao ngay sau khi vào nghề.

Từ trái sang: Nhà văn Tô Hoài, nhà báo Xuân Thủy, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và nhà văn Nam Cao. Ảnh: Trần Văn Lưu.

Và dẫu đã nhiều lần viết, vẫn luôn mong muốn được viết lại Nam Cao sau những chiêm nghiệm về đời, trải nghiệm về mình. Trong rất nhiều chiêm nghiệm và trải nghiệm, đến từ “Bài học quét nhà”, “Những chuyện không muốn viết”, “Nhỏ nhen”, “Tư cách mõ”, “Nhìn người ta sung sướng”... thấy thường trở đi trở lại cái ám ảnh của những cảnh “sống mòn”, những chuyện “đời thừa”, thuộc đủ mọi dạng; cùng cái khát vọng thoát ra khỏi nó - cái khát vọng mà chỉ Nam Cao mới nói được rõ nét đến thế. Bởi tất cả những gì Nam Cao viết dẫu chỉ rút từ chính mình, mà cứ như là viết về và viết cho bao người khác.

Mỗi dịp đọc Sêkhốp lại là một dịp tôi nghĩ về Nam Cao. Tôi không biết nhiều về Sêkhốp mà chỉ là người yêu mến và ngưỡng mộ Sêkhốp, bởi ở Sêkhốp, hơn bất cứ nhà văn nào khác gợi tôi nhớ Nam Cao một cách trực giác, tự nhiên, trên tất cả những gì Nam Cao đã làm được, và cả những gì ông chưa làm được, bởi hành trình văn học hiện đại Việt Nam là quá gấp chỉ trên dưới 30 năm, và đời văn Nam Cao là quá ngắn, chỉ trên dưới 10 năm. Sau những “lão quản Bi”, những “người trong bao”, “anh Béo và anh Gầy”, sau “cái chết của một công chức” và “người tu sĩ vận đồ đen”... chẳng phải là đặc sản riêng của nước Nga chuyên chế, còn có “Vanka”, “Vận xấu”, “Buồn ngủ”, “Trong khe núi”… nằm trong nỗi khổ mênh mông của nhân loại. Và bên số kiếp người lao động trong xã hội Sa hoàng hoặc xã hội thuộc địa còn có gương mặt của giới trí thức trong những cảnh “đời thừa” và “sống mòn”, góp thêm vào bức tranh xã hội một nét xám mờ, han rỉ. Nếu giữa Sêkhốp và đám trí thức sống lười, sống thừa còn có một khoảng cách để thấy ý nghĩa tiếng kêu của Sêkhốp: “Sao các người có thể sống tồi, sống tẻ như thế!”; thì ở Nam Cao, nhà văn và nhân vật là một. Đó là cơ sở cho ta hiểu cái Tự thuật đầy ngậm ngùi Nam Cao viết gửi Ban Tổ chức Hội Văn nghệ Việt Nam ngày 10/4/1950, hơn một năm rưỡi trước khi hy sinh: “Bắt đầu viết từ năm 1940. Ngoài những truyện ngắn đăng trên tờ “Tiểu thuyết thứ Bảy” và một số sách nhi đồng (Truyền Bá, Hoa Mai) không xuất bản được tác phẩm nào đáng kể...”; dẫu ông đã dốc hết mình ra để viết, không phải tất cả chỉ vì sự mưu sinh; dẫu ông đã ban sự sống cho bao nhân vật rồi sẽ bất tử như Thứ, Điền, Hộ, lão Hạc, Chí Phèo, Nhu, Nhượng, bà cái Đĩ, dì Hảo, Trạch Văn Đoành...

Cái bùi ngùi trong tổng kết đời mình ở Nam Cao quả là phù hợp với cái cô quạnh của làng văn Việt Nam; mỗi người đều lầm lũi và mải miết cho việc chạy in trong mênh mông những lo lắng của sự mưu sinh và trước một tương lai mờ mịt. Lời sau đây là của Thứ trong “Sống mòn”, nhưng cũng chính là tình cảnh và tâm trạng Nam Cao: “Sao mà cái đời nó tù túng, nó chật hẹp, nó bần tiện thế! Không bao giờ dám nhìn cao một tí. Chỉ những lo ăn, lo mặc. Hình như tất cả nguyện vọng, tất cả mong ước, tất cả mục đích của đời chúng mình, chỉ là một ngày hai bữa. Bao nhiêu tài trí, sức lực, lo tính đều chỉ dùng vào việc ấy. Khổ sở cũng vì thế, nhục nhã cũng vì thế, mòn mỏi tài năng, trí óc, giết chết những mong muốn đẹp, những hy vọng cao xa cũng vì thế nốt. Lúc nào cũng lo chết đói! Lúc nào cũng lo làm thế nào cho khỏi chết đói! Như vậy thì sống làm gì cho cực!”...

Còn Sêkhốp, dẫu có ai đó tiên đoán là sẽ say rượu và chết dấp ở vỉa hè hoặc gậm cầu thì ông vẫn cứ có người đọc là những đồng nghiệp lớn không ngừng quan tâm và động viên ông như Đ.Grigôrôvíts, Kôrôlencô, L.Tônxtôi, Xantưcốp Sêđrin, M.Gorki... Và ông dám thách thức cả Sa hoàng khi viết bản cáo trạng “Đảo Xakhalin”, khi dứt khoát trả lại danh hiệu Viện sĩ để phản đối Nicôlai II không chấp nhận danh hiệu Viện sĩ của Gorki...

Hai cái đời văn với những khác nhau rất lớn của hoàn cảnh và đến từ hoàn cảnh. Một bên là nước Nga tư bản chủ nghĩa ở đêm trước Cách mạng 1905, và một bên là sự sống tận đáy bần cùng của một xã hội thuộc địa đang chờ một cơn lột xác vào tháng Tám 1945. Một bên là lịch sử hàng trăm năm trong liên tục của một hành trình chống lại đủ loại ách chuyên chế, một bên là hành trình tìm đến sự giải phóng cho những tước đoạt và đè nén làm khổ và làm nhục con người... Cái anh chàng Hộ hoặc Điền ham học, ham đọc trong văn Nam Cao chắc là đã có thể đến được với A.Sêkhốp, G. Môpátxăng, A. Đôđê, Lỗ Tấn... như là sự tìm đến những phương thức hiệu quả nhất cho văn học đi được vào dòng đời, theo một quan niệm mới mẻ nhất, phù hợp với thời hiện đại. Nếu có đặt yêu cầu so sánh ở đây thì chỉ là sự thực hiện ở một phía, phía của sự tiếp nhận, trên những yêu cầu và điều kiện cụ thể của văn học Việt Nam mới chỉ đi vào quỹ đạo hiện đại trên dưới 30 năm.

Nhà văn Nam Cao (1917-1951). ẢNH: Tư liệu.

Một đời văn Nam Cao với sáu, bảy chục truyện ngắn, vài truyện dài gom lại không đến 2.000 trang, trong so sánh với Sêkhốp có số lượng viết gấp nhiều lần hơn, với Toàn tập 30 tập, trong đó 15 tập cho Truyện ngắn, 3 tập cho Kịch, 12 tập cho Thư từ (riêng chuyện Thư từ - Correspondance - này, nếu ở các nhà văn phương Tây là có số lượng rất lớn và được giữ gìn rất cẩn thận, thì ở các nhà văn Việt Nam lại rất hiếm, thậm chí là không có; điều này đặt ra những vấn đề phải nghĩ); Sêkhốp có những năm viết hàng trăm truyện, như 1883: 120 truyện, 1885: 129 truyện, 1886: 112 truyện. Cái khác giữa hai người là lớn; cái Sêkhốp có mà Nam Cao không có là nhiều; nhưng cả hai lại có những nét tương đồng. Đó là, ở vai trò kết thúc và đưa lên đỉnh cao trào lưu hiện thực vào giai đoạn cuối của nó; ở một lối tư duy nghệ thuật độc đáo - đào sâu vào đời sống tâm lý và hướng vào cuộc sống nhỏ nhặt thường ngày; ở một tiếng nói thâm trầm, chua xót, giàu suy ngẫm và triết lý; ở một lối văn rất kiệm lời - “lời chật mà ý rộng”, giàu sức chứa và sức mở... Và nếu ở Sêkhốp là cả một nước Nga rộng lớn mênh mông thì Nam Cao, dẫu đời văn là ngắn, và dẫu lượng tác phẩm là khiêm nhường, vẫn đủ để nói với chúng ta về “Sống mòn” và “Đời thừa”, về “Trăng sáng” và “Nửa đêm”, về “Một bữa no” và “Tư cách mõ”, về “Cười” và “Điếu văn”, về “Truyện tình” và “Những chuyện không muốn viết”, về “Những cánh hoa tàn” và một “Cái mặt không chơi được” (1)... Tóm lại, đó là cả một trữ lượng bên trong, một của kho dư đầy về con người và đất nước, về trí thức và nông dân, về nông thôn và thành phố, về người lớn và trẻ con, về đàn ông và đàn bà, về những người lành lặn và những kẻ dị dạng... những vế vừa như gắn bó vừa như đối lập, thế nhưng bao giờ cũng tìm được sự hội tụ và hoà hợp trong văn Nam Cao.

Đi đến cùng phong cách cá nhân, trong tư cách công dân và tư cách nhà văn, để gặp nhân quần; trong nhân quần có số phận nhân dân và đất nước, có khát vọng tự do chống lại mọi kìm kẹp, và khát vọng phát triển mọi tiềm năng của con người; thù ghét tận cùng thói nô lệ và tất cả những gì muốn biến con người thành nô lệ... Đó là điểm gặp nhau và giống nhau của hai nhà văn lớn của hai dân tộc, dẫu giữa họ là khoảng cách trên và dưới nửa thế kỷ năm sinh và năm mất.

Giá trị Nam Cao được khẳng định trước hết qua những truyện ngắn viết về làng quê Việt Nam những năm tiền cách mạng qua một nghệ thuật viết không hề lặp lại dấu ấn của tất cả những bậc tiền bối.

Những gì của Nam Cao, in dấu ấn Nam Cao, mang giọng điệu Nam Cao, thành sở hữu của Nam Cao đã được đón nhận ở tính phổ quát của nó, tính đại diện của nó; và ở nghịch lý này mang đầy đủ nhất giá trị văn học của tác phẩm, mang rõ nét nhất chất văn ở một tác giả. Tóm lại, đó là cả một trữ lượng bên trong, một của kho dư đầy về con người và đất nước, về trí thức và nông dân, về nông thôn và thành thị, về người lớn và trẻ con, về đàn ông và đàn bà, về những người lành lặn và những kẻ dị dạng…, những vế vừa gắn bó, vừa như đối lập, thế nhưng bao giờ cũng tìm được sự hội tụ và hòa hợp ở văn Nam Cao.

Có lẽ rõ hơn một số người viết khác, ở Nam Cao - đời sống và đời văn là gắn bó với nhau như hai mặt một tờ giấy mỏng, soi bên này mà thấy cả bên kia. Soi vào văn ông để thấy đời; và soi vào đời để nhận thêm các giá trị từ những trang văn im lặng.

Thuộc trong số người viết văn sớm hy sinh cho Tổ quốc, và nếu chỉ tính thế hệ thành danh trước 1945 thì Nam Cao là người duy nhất, hy sinh ở tuổi đời 36, và tuổi nghề chỉ trên 10 năm. Mười năm - một sự nghiệp gắn nối hai giai đoạn trước và sau 1945; cả hai kết thành một phù điêu bất hủ trong lịch sử văn chương Việt hiện đại.

(1) Tên các tác phẩm của Nam Cao

GS PHONG LÊ