Hàng giả, hàng nhái khiến doanh nghiệp thiệt hại nặng

Thuý Hằng (thực hiện) 24/12/2021 09:11

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ: Nếu không được xử lý dứt điểm, tình trạng hàng giả, hàng nhái kéo dài sẽ “giết chết” các doanh nghiệp chân chính.

Bà Vũ Kim Hạnh.

PV: Hiện đang là mùa mua sắm cuối năm, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước đang rất lo lắng về vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lừa dối người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh không lành mạnh, bà nghĩ sao về vấn đề này?

Bà Vũ Kim Hạnh: Thực tế trong khi các DN Việt Nam đang nỗ lực phục hồi sản xuất để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm hàng hóa chất lượng với giá cả phù hợp thì lại bị số lượng lớn hàng lậu cạnh tranh, các đối tượng làm giả, làm nhái sản phẩm lừa dối người tiêu dùng, khiến cho môi trường kinh doanh bị xáo trộn, không lành mạnh.

Các DN rất bức xúc về vấn đề hàng giả buôn bán trên mạng, kể cả các sàn thương mại điện tử uy tín lẫn các điểm bán của cá nhân trên facebook, zalo. “Nhiều trường hợp người tiêu dùng phát hiện rồi báo lại thì DN mới biết sản phẩm của mình bị làm giả. Và khi đã phát hiện thì cũng rất khó truy đuổi vì những đối tượng này hễ thấy động là biến mất.

Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái gây thiệt hại rất lớn cho các DN?

- Đúng vậy, tình trạng hàng giả, hàng nhái kéo dài sẽ giết chết các DN chân chính. Mặc dù Bộ luật Hình sự đã quy định cụ thể các mức xử phạt đối với hành vi sản xuất hàng giả với mức án lên đến 15 năm tù, thậm chí là tử hình đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh gây hại tới sức khỏe, tính mạng con người. Tuy nhiên, việc phát hiện và theo đuổi đến cùng để xử lý vẫn là câu chuyện rất dài.

Để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái lộng hành, bản thân người tiêu dùng cũng phải trở thành người tiêu dùng thông minh, thưa bà?

- Ngoài nhiệm vụ kiểm soát, xử lý của các cơ quan chức năng, về phía người tiêu dùng, cần chú ý hơn tới yếu tố pháp lý khi mua sắm hàng hóa. Cụ thể, người tiêu dùng nên đọc kỹ các thông tin trên bao bì sản phẩm. Các DN làm ăn nghiêm túc bị khống chế rất chặt chẽ bởi các quy định về ghi nhãn hàng hóa, nhưng các đối tượng làm hàng giả thì có thể tùy ý ghi nhãn. Nên nếu để ý kỹ, người tiêu dùng sẽ nhận thấy có rất nhiều thông tin lộn xộn thậm chí là vô lý không đáng tin cậy.

Có một tâm lý phổ biến của người tiêu dùng hiện nay là ngại phản ánh các thông tin về hàng gian, hàng giả cho cơ quan chức năng vì cho rằng giá trị không đáng kể. Nhưng thực sự, những thông tin phản hồi của người tiêu dùng sẽ giúp bảo vệ nhà sản xuất, bảo vệ nền kinh tế trong nước.

Ngoài sự thờ ơ của người tiêu dùng thì nhiều DN cũng có tâm lý né tránh trong việc chống hàng gian, hàng giả. Nhưng từ đó, cũng cần xem lại, có một sự liên quan giữa việc DN phản ứng như thế nào với việc sau khi họ lên tiếng thì mọi việc được cơ quan chức năng xử lý như thế nào. Các cơ quan chức năng cần đi trước và tạo được niềm tin thì DN mới mạnh dạn tham gia.

Trân trọng cảm ơn bà!

Thuý Hằng (thực hiện)