‘Chạy đua’ mở ngành mới - Bài 2: Không minh bạch liệu có theo vết 'ĐH Đông Đô'?

HOÀI HƯƠNG 24/12/2021 09:59

Việc các trường ồ ạt mở thêm nhiều ngành đào tạo mới khi chưa chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, nhân lực là vấn đề đáng lo ngại. Công tác quản lý, kiểm soát chất lượng đào tạo thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập.

Mở ngành là chức năng, quyền và nghĩa vụ của cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, nhiều ngành mới mở ra không duy trì được chất lượng đội ngũ giảng viên, không đủ số giảng viên cơ hữu là lỗi mà nhiều trường đại học vi phạm đã từng được Bộ GDĐT nêu ra.

Công khai “hình thức”

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1/7/2019, các trường đại học được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo nếu đảm bảo điều kiện theo quy định. Bộ GDĐT cũng đã trao quyền tự chủ cho các trường trong công tác tuyển sinh.

Cùng với đó, các trường phải thực hiện công khai về tài chính, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên cơ hữu, quy mô đào tạo, tỷ lệ sinh viên có việc làm, học phí… trên website nhà trường.

Việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình luôn gắn chặt với việc tự chủ. Tuy nhiên, việc công khai này ở nhiều trường hiện nay còn đang mang tính hình thức, làm cho có.

Tìm hiểu trên các website của một số trường, có trường ở mục Ba công khai đang bị bỏ lửng từ cách đây vài năm như Trường Đại học Hòa Bình. Các thông tin công khai cam kết chất lượng giáo dục, điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, công khai tài chính đang dừng lại ở năm 2019, nghĩa là cách đây 3 năm.

Ở một trường đại học, trong mục Đội ngũ giảng viên, có khoa được nhà trường liệt kê đầy đủ số lượng giảng viên nhưng có khoa lại chỉ nêu có một vài người. Nếu như khoa chỉ có một vài người như thông tin trên website của trường thì rõ ràng không đảm bảo yêu cầu theo Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT ban hành quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học.

Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, TS Nguyễn Phi Long, Trưởng Phòng Đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, các thông tin về Ba công khai được nhà trường cập nhật ở các đề án tuyển sinh. Tuy nhiên, khi phóng viên tìm kiếm các thông tin này lại không hề dễ dàng. Về vấn đề này, TS Long thừa nhận, website nhà trường hiện đang trong quá trình nâng cấp nên vẫn còn những hạn chế.

Có thực tế, không ít trường khi làm hồ sơ mở ngành thì có đầy đủ danh sách giảng viên theo yêu cầu nhưng người học thì chưa bao giờ được gặp, được học những giảng viên đó.

Cũng vì do không đủ giảng viên cơ hữu, sinh viên những trường này phải học trong trạng thái “ăn đong”, nếu nhà trường mời được giảng viên thì học, chưa có giảng viên thì nghỉ. Chất lượng giảng viên theo đó cũng khó kiểm soát.

Đại diện Học viện Phụ nữ Việt Nam công khai các thông tin về đội ngũ giảng viên với phóng viên Đại Đoàn Kết Online.

Việc công khai thông tin của các trường là việc làm rất cần thiết để người học đưa ra quyết định chọn trường học, ngành học đáp ứng nhu cầu thực tế và đã được Bộ GDĐT quy định tại Điều 12, Thông tư 09/2009/TT-BGDĐT. Thực hiện công khai của cơ sở giáo dục nhằm mục đích nâng cao tính minh bạch, phát huy dân chủ, tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong quản lý nguồn lực và đảm bảo chất lượng giáo dục. Đồng thời, tránh tình trạng sinh viên vào học rồi mới “ngã ngửa” về chất lượng dạy và học của nhà trường.

Tình trạng về nhiều ngành mới mở ra nhưng không duy trì được chất lượng đội ngũ giảng viên, không đủ số giảng viên cơ hữu là lỗi mà nhiều trường đại học vi phạm và đã được Bộ GDĐT chỉ ra trước đó.

Thậm chí, có trường khai 1.000 giáo viên cơ hữu trong đề án tuyển sinh, nhưng thực tế chưa có từng ấy. Tới khi tuyển được nhiều sinh viên, trường mới đi ký hợp đồng giảng viên đủ số lượng.

Thời điểm năm 2019, hàng loạt trường bị báo chí phanh phui kê khai giảng viên xác định chỉ tiêu chưa chính xác, nhiều giảng viên đứng tên cơ hữu ở hai trường.

Thông tin giảng viên là “bí mật”?

Trước thông tin phản ảnh về việc một số khoa của các trường: Trường Đại học Hòa Bình, Học viện Phụ nữ Việt Nam không có đủ đội ngũ giảng viên cơ hữu, chủ yếu là giảng viên thuê ngoài, phóng viên Đại Đoàn Kết Online đã liên hệ đặt lịch làm việc với lãnh đạo các trường trên để tìm hiểu, xác minh thông tin.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng viên cơ hữu của Khoa Truyền thông đa phương tiện, TS Long cho biết, việc mở ngành mới được Học viện Phụ nữ thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT.

Hiện Khoa Truyền thông đa phương tiện của học viện có 13 giảng viên cơ hữu, trong đó có 4 tiến sĩ và 9 thạc sĩ, đảm bảo theo quy định tại Thông tư 22.

Để chứng minh về đội ngũ giảng viên cơ hữu hiện có của khoa này, TS Long đã cung cấp cho phóng viên danh sách giảng viên, bảng lương, hợp đồng lao động, thời khóa biểu, bảng điểm tương ứng của từng giáo viên của năm 2021.

Trong khi đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo Trường Đại học Hòa Bình, ông Dương Văn Bá, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Hòa Bình khẳng định: “Với các trường ngoài công lập, câu chuyện về đội ngũ giảng viên luôn có những khó khăn nhất định. Song, nhà trường luôn cố gắng đáp ứng đủ yêu cầu về đội ngũ theo quy định và báo cáo định kỳ hằng năm với Bộ GDĐT”.

Đại diện lãnh đạo Trường Đại học Hòa Bình trao đổi với phóng viên.

Cụ thể, theo ông Bá, ngành đào tạo Quan hệ công chúng và Truyền thông của nhà trường hiện có 21 giảng viên cơ hữu gồm: 2 PGS, 10 tiến sĩ, 9 thạc sĩ. Tuy nhiên, tại buổi làm việc, nhà trường không cung cấp các thông tin để chứng minh đội ngũ giảng viên này hiện đang giảng dạy tại trường hay không.

Ông Bá cho biết, thông tin này là nội bộ của trường và đã được báo cáo thường xuyên với Bộ GDĐT(?!)

TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) nêu quan điểm, theo quy định, việc tự chủ mở ngành phải gắn chặt với công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình với toàn xã hội, cơ quan báo chí chứ không chỉ với cơ quan quản lý nhà nước.

“Dưới góc độ là người học, phụ huynh, họ có quyền chính đáng được biết việc mở ngành đó có bảo đảm chất lượng hay không. Thực tế đã có trường như Trường Đại học Đông Đô khi báo chí phản ánh sai phạm, mọi chuyện mới bung ra, khi ấy người học là người chịu thiệt nhiều nhất. Nếu các trường minh bạch, rõ ràng thì há cớ gì không thể chứng minh các điều kiện đảm bảo?”, TS Lê Viết Khuyết đặt câu hỏi.

Trong điều kiện nhân sự mỏng, thanh tra Bộ chưa thể thanh kiểm tra tất cả các trường như hiện nay, làm thế nào để bảo đảm chất lượng đào tạo trong bối cảnh các trường “chạy đua” mở ngành học mới đang là câu hỏi được đặt ra?

(Còn nữa)

Theo quy định của Thông tư 09/2009/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, các cơ sở giáo dục đại học phải công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục.

Trong đó, về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên, thông tư nêu rõ công khai: Số lượng, chức danh có phân biệt theo hình thức tuyển dụng và trình độ đào tạo; sơ lược lý lịch của giảng viên; số lượng giảng viên, cán bộ quản lý và nhân viên được đào tạo, bồi dưỡng; hình thức, nội dung, trình độ và thời gian đào tạo và bồi dưỡng trong năm học và 2 năm tiếp theo.

Thông tư cũng nêu rõ, cơ sở giáo dục công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục, đảm bảo tính đầy đủ và cập nhật khi có thông tin mới hoặc thay đổi để thông tin luôn chính xác và kịp thời. Tuy nhiên, việc công khai này ở nhiều trường hiện nay còn đang mang tính hình thức.

HOÀI HƯƠNG