Nghệ thuật hát Xẩm trong xã hội đương đại
Để nghệ thuật hát Xẩm vừa bảo tồn và phát huy đang cần những cái “bắt tay” của những người trẻ và những nghệ cao tuổi.
Nguy cơ thất truyền
Trong quá khứ, hát Xẩm từng đóng vai trò không nhỏ trong việc kiếm sống của một số người tàn tật và những người hát rong ở các vùng nông thôn, đô thị. Đồng thời đã tạo nên một loại hình nghệ thuật đường phố thể hiện tài năng của những nghệ nhân dân gian không có điều kiện được đào tạo bài bản… Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng một phát triển, nghệ thuật hát Xẩm đang đứng trước nguy cơ mai một và không cạnh tranh được với các hình thức nghệ thuật giải trí vừa hiện đại vừa có nội dung hấp dẫn.
Theo GS.TS Từ Thị Loan, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, những năm gần đây các nghệ nhân hát Xẩm tài danh lần lượt ra đi, vĩnh viễn đem theo những giá trị nghệ thuật đặc sắc mà họ từng lưu giữ và biểu diễn.
Một khó khăn khác đến từ sự thay đổi thị hiếu của công chúng. Khi những dòng nhạc hiện đại dễ nghe, thời thượng đã chiếm lĩnh hầu hết thị phần âm nhạc Việt Nam, thì âm nhạc truyền thống nói chung và Xẩm nói riêng rất khó chen chân để giành giật công chúng. Việc thiếu hụt khán giả cùng với những thiếu thốn về phương tiện biểu diễn, nguồn lực tài chính, thị trường tiêu thụ… đang là thách thức lớn với những người tâm huyết với Xẩm cổ.
Bà Loan cho rằng, khó khăn đến từ vị thế của Xẩm so với các hình thức diễn xướng dân gian khác. Nếu so với các thể loại âm nhạc truyền thống như chèo dân gian, quan họ, ví giặm, ca trù, đờn ca tài tử… Xẩm đang có phần thất thế hơn.
Về danh tiếng, Xẩm gắn với công việc của một tầng lớp “dưới đáy xã hội”, nên các nghệ sĩ Xẩm nhiều khi cũng không được trọng vọng bằng các tài tử, ca nương, đào nương, liền anh, liền chị… Về môi trường diễn xướng, Xẩm chủ yếu được trình diễn giữa đường, giữa chợ, trong không gian xô bồ của đời thường, không phải dưới ánh đèn lung linh, không gian sang trọng, trang phục lộng lẫy của các sân khấu lớn, nên tâm lý người xem cũng ít coi trọng hơn.
Ngoài ra, khó khăn đến từ đặc điểm truyền nghề của Xẩm. Là một hình thức nghệ thuật gắn với công cuộc mưu sinh nên việc học hỏi, truyền nghề của Xẩm mang tính thoải mái, tự do hơn, không phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về lề lối, lớp lang như trong quan họ, hát xoan, đờn ca tài tử, ca Huế…
Tuy nhiên, việc theo học được thành công hát Xẩm không phải dễ. Ngoài năng khiếu về ca hát, Xẩm còn đòi hỏi phải có sự trải nghiệm nhất định đường đời, trường đời thì người học mới thấm được ý nghĩa của từng câu chữ, ca từ, cũng như sự điêu luyện của nhịp phách, ngón đàn.
Tìm chỗ đứng cho hát Xẩm
Thực tế cho thấy để bảo tồn được nghệ thuật hát Xẩm, cần chấp nhận sự thay đổi từ môi trường diễn xướng, thực hành. Một vài năm gần đây, hát Xẩm đã chuyển sang môi trường trình diễn mang tính chuyên nghiệp.
Trong thời gian qua nhiều ca khúc Xẩm đã được dùng trong công tác tuyên truyền như MV “Xẩm Tiễu trừ cướp biển” của nhóm Xẩm Hà Thành; bài hát Xẩm “Rượu bia tối kỵ lái xe”, “Dặn chồng chớ uống rượu bia” góp phần nâng cao ý thức tham gia giao thông. Hay ca sĩ Tân Nhàn với ca khúc Xẩm “Mục hạ vô nhân” được lồng ghép sử dụng trên phim ảnh, cải lương… tạo nên sự đa dạng cho di sản có môi trương để phát huy và toả sáng vẻ đẹp của mình trong lòng công chúng…
Chưa kể Xẩm còn đưa vào du lịch như trình diễn tại chợ Đồng Xuân, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, diễn xướng trên thuyền tại Tràng An (Ninh Bình), tham gia giới thiệu biểu diễn tại nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, để nghệ thuật hát Xẩm tìm được chỗ đứng cũng như việc thay đổi không làm méo mó nội dung, cấu trúc âm nhạc cùng lễ lối, làn điệu cũng đang là những trăn trở.
GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, trong suốt quá trình lịch sử của dân tộc, hát Xẩm không bao giờ mất đi mà luôn tồn tại, dù ít hay nhiều tuỳ theo mỗi thời điểm. Từ kết quả nghiên cứu trong thời đại 4.0 việc chuyển đổi số sẽ rất thuận lợi cho quảng bá hát Xẩm trên các kênh như Youtube, Facebook, Zalo, Spotify… nhằm thúc đẩy sự lan toả, ảnh hưởng tích cực đến đời sống tinh thần người Việt Nam nói riêng và bạn bè năm châu nói chung.
Tôi kiến nghị, Nhà nước cần có chế độ hỗ trợ về kinh phí giúp đỡ những nghệ sĩ theo học hát Xẩm, cũng như đãi ngộ tốt giúp các nhà nghiên cứu yên tâm công hiến cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy sức sống của hát Xẩm.
Còn theo PGS.TS Trần Trí Trắc, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đề xuất, chúng ta tha thiết khuyến nghị Nhà nước hãy bảo hộ cho nghệ thuật này theo hình thức “bảo tàng”. Vì, chỉ có Nhà nước mới có khả năng bảo tồn bằng bảo tàng có hiệu quả mà thôi. Bảo tồn bằng bảo tàng hát Xẩm là quy luật khách quan trong cơ chế thị trường định hướng, hội nhập quốc tế.
Bảo tàng sống của hát Xẩm sẽ là nơi được nghệ sĩ tái tạo lại, đóng lại cảnh người khiếm thị hát Xẩm để mưu sinh một cách chân thực như thực và gây được cảm xúc, cảm thương của khán giả đương thời. Ở đó, người nghệ sĩ hát Xẩm không hành động mưu sinh, mà thể hiện hình tượng người khiếm thị mưu sinh.
“Nhưng họ cần có lương của Nhà nước chi cho “bảo tàng sống” để làm nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể theo một quy chế, phương hướng, nhiệm vụ cụ thể và với một quy trình khoa học đúng đắn” - PGS. TS Trần Trí Trắc nói.
Có thể nói, để nghệ thuật hát Xẩm vừa bảo tồn và phát huy đang cần những cái “bắt tay” của những người trẻ và những nghệ cao tuổi, giữa công nghệ hiện đại và những giá trị truyền thống… Chỉ có vậy, hát Xẩm mới tìm được chỗ đứng trong cuộc sống đương đại, nếu không muốn dần biến mất theo thời gian.
Theo GS.TS Từ Thị Loan, để theo học thành công hát Xẩm không phải dễ. Bên cạnh việc phải được trời phú cho giọng hát “có chất Xẩm”, người hát phải thực sự đồng điệu với cái “hồn của Xẩm”, kiên trì, nhẫn nại theo đuổi học hành thì mới thành công. Do vậy, có thể nói, có khá nhiều người thích hát Xẩm, nhưng để thành danh và trụ vững với nghề hát Xẩm thì còn lại rất ít.