Liên kết tìm đầu ra cho nông sản
Liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp (DN) sẽ đem lại giá trị cao hơn, vấn đề đã được đặt ra từ lâu nhưng đến nay vẫn còn giữ nguyên tính thời sự.
Là DN đầu tư vào ngành nông nghiệp đã 20 năm nay, cũng là đơn vị chuyên xuất khẩu nông sản sang thị trường EU, ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh cho biết, các nhà nhập khẩu EU đã từ lâu họ đều mong muốn nhà cung cấp của họ phải phát triển bền vững.
Với vị trí là nhà xuất khẩu nông sản lớn, nên DN của ông Thông phải làm các chương trình phát triển bền vững từ nhiều năm trước. Tức là làm với hàng nghìn nông hộ ở những địa phương mà DN có đặt nhà máy chế biến nông sản như Bình Dương, Đắk Lắk, Sơn La.
Theo ông Thông, làm với nông dân thì không dễ, nhất là làm thế nào cho nông sản thực phẩm trở nên an toàn. Không chỉ là việc xây một nhà máy để hoạt động trong 5 - 10 năm, mà còn phải phát triển về sau. Chính vì vậy, DN đã phải dành một quỹ tiền rất lớn để làm việc với nông dân.
“Khi số lượng nông dân tham gia đông, chúng tôi phải nghĩ cách kết nối với họ thông qua chuyển đổi số. Điều may mắn khi làm việc với nông dân bằng chuyển đổi số thông qua các phần mềm thì các đối tác nước ngoài cũng quan tâm” - ông Thông nói.
Có thể nói, với yêu cầu của thị trường ngày càng cao, các nhà đầu tư vào nông nghiệp sẽ càng phải có khả năng thích ứng với sức cạnh tranh cao. Và trong 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19 đã chứng minh việc đầu tư công nghệ thông minh vào nông nghiệp của các DN chính là hướng đi đúng nhằm giúp cho dòng chảy nông sản ổn định, thông suốt.
Ngoài vấn đề về công nghệ, trao đổi với báo chí bên lề Diễn đàn Mekong Connect 2021 vừa diễn ra ở TP HCM cuối tuần qua với một trong những chủ đề trọng tâm là đầu tư vào nông nghiệp, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T, cho rằng để đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả thì mọi thứ phải liên kết chặt chẽ với nhau. Chẳng hạn với người nông dân, họ sẽ hiểu rõ mảnh vườn như “đứa con” của mình, hợp với loại cây gì, trồng như thế nào.
Còn đối với DN, theo ông Tùng, sẽ hiểu rõ thị trường đang cần cái gì, đang mong muốn hướng tới điều gì, và DN sẽ đầu tư vào việc đó. để đầu tư vào mảnh vườn của mình. Chính việc liên kết chặt chẽ giữa DN, nông dân, HTX sẽ tạo ra xu hướng minh bạch” - ông Tùng nói và cho biết, những điều này tạo thành giá trị san sẻ lợi nhuận để tiếp tục đầu tư. Có như vậy mới phát triển bền vững.
Còn nếu như mạnh ai nấy làm, nông dân cứ trồng theo kiểu mình, DN cứ bán theo kiểu của họ, hoặc nông dân trồng kiểu A nhưng DN quảng cáo kiểu B, như vậy sẽ khiến người tiêu dùng hoang mang, lúc đó sẽ tạo ra giá trị rất thấp.
Về việc đầu tư vào nông nghiệp, giới chuyên gia nhấn mạnh là cần có cách tiếp cận mới với những xu thế mới. Trong đó lãnh đạo ngành nông nghiệp ở các địa phương cần thể hiện tốt vai trò là người kết nối vòng tròn những mối quan hệ.
Đặc biệt là cần chú trọng việc kết nối người nông dân với DN. Bởi lẽ, nếu không cùng nhau hành động tập thể sẽ khó để phát triển bền vững cho các bên trong chuỗi giá trị nông sản. Bên cạnh đó, để hút vốn đầu tư vào nông nghiệp, các địa phương cũng phải thay đổi tư duy, đừng chỉ săn đón các DN lớn mà quên các DN nhỏ và vừa.
Thực ra, lâu nay, việc đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn nhiều trăn trở. Chẳng hạn, tại sao DN chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp dù có nhiều chính sách? Phải chăng đầu tư vào nông nghiệp sẽ gặp nhiều rủi ro? Thu lợi nhuận chậm so với các ngành khác? Những băn khoăn này đang rất cần được xóa tan từ mối liên kết chặt chẽ hơn trong thời gian tới giữa DN với người nông dân, các HTX và các cơ quan quản lý cùng các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, trọng tâm phát triển hiện nay là quá trình chuyển đổi số của người nông dân đối với chuỗi sản xuất nông nghiệp. Công cuộc chuyển đổi số đầy gian nan, thách thức nhưng cũng là cơ hội rất lớn để làm cuộc “đại thay đổi” cho ngành nông nghiệp. Vì thế cần làm rõ chuyển đổi số trong nông nghiệp cần những gì rất cụ thể, cùng đó là cần hiểu khó khăn thách thức của người nông dân khi thực hiện chuyển đổi số. Trong đó đáng chú ý là vấn đề tiêu thụ nông sản, giao dịch nông sản trên các sàn thương mại điện tử.