Tạo điều kiện để báo chí phát triển 'chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại'
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm khẳng định, tạo điều kiện để báo chí, truyền thông phát triển “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 24/12, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Dự hội nghị có: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh.
Tại hội nghị, Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết, hiện nay đã xác định và định hướng cơ quan báo chí có ảnh hưởng lớn dựa trên một số tiêu chí do cơ quan quản lý nhà nước thống nhất. Rà soát các giấy phép hoạt động báo chí theo nội dung quy hoạch phát triển quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Đặc biệt, với các tạp chí trực thuộc các tổ chức Hội để đảm bảo tính chuyên sâu, chuyên ngành sẽ phân loại các loại tạp chí kỹ hơn theo hướng đặc thù chuyên môn tạp chí về khoa học, về điện, các tạp chí của Viện, Hội để định hướng phát triển.
Đổi mới phương thức quản lý hỗ trợ, làm tốt việc này sẽ giúp cho báo chí phát triển lành mạnh. Trước mắt sẽ siết chặt tính tuân thủ, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định.
Dự kiến đến hết năm 2022 sẽ phê duyệt và bắt đầu thực hiện 6 đề án cơ quan báo chí quốc gia, dự kiến có khoảng 30-40 cơ quan báo chí có ảnh hưởng lớn. Tất cả các cơ quan báo chí, nhất là tạp chí được rà soát phân loại, tổ chức cấp phép lại và thu hồi giấy phép theo quy định.
Hoàn thiện thể chế cho cơ quan báo chí, cùng sửa Luật Báo chí, các quy định có liên quan, kết hợp với các quy định của Đảng, trong đó trước mắt áp dụng các quy định của Đảng đối với hoạt động của cơ quan báo chí. Nghiên cứu các quy định hoạt động của báo chí trong không gian mạng để tạo cho báo chí mở rộng không gian hoạt động nhưng vẫn giữ được tính cách mạng.
Về giải pháp, ông Tuấn cho biết sẽ nghiên cứu hoàn thiện cho không gian số, tạo hàng lang pháp lý bảo vệ bản quyền an toàn thông tin cho cơ quan báo chí trên không gian mạng. Thúc đẩy chuyển đổi số trong cơ quan báo chí. Về Luật Báo chí sẽ triển khai đánh giá tổng kết định hướng nội dung sửa, đáp ứng yêu cầu mới trong công tác quản lý và thúc đẩy phương thức làm báo hiện đại.
Áp dụng một số quy định mới, một số quy định của Đảng trong công tác quản lý hoạt động cơ quan báo chí và cơ quan chủ quản. Dự kiến sẽ có một số quy định tạm thời được ban hành để tạo điều kiện cho báo chí hoạt động trên không gian mạng.
“Và dự kiến cơ quan chủ quản cơ quan báo chí sẽ tổ chức làm việc này. Hiện đã báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương về vấn đề này để định hướng trong thời gian tới” - ông Tuấn cho hay.
Đáng chú ý, theo ông Tuấn sẽ đổi mới nội dung quản lý hoạt động, tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí gắn với công tác thực thi pháp luật, kiểm tra giám sát hoạt động cơ quan báo chí theo hướng chủ động.
Tự động phát hiện các sai phạm trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin kết nối với cơ quan báo chí. Hạn chế được tư nhân hóa báo chí, báo hóa tạp chí, báo hóa trang thông tin điện tử và sai tôn chỉ mục đích, vi phạm bản quyền.
Đưa ra giải pháp về vấn đề này, ông Tuấn cho biết chuyển đổi mô hình làm báo, mô hình kinh doanh phân phối nội dung trên không gian mạng. Ứng dụng công nghệ rà, vét, phân tích đánh giá xu hướng thông tin để quản lý báo chí theo tiêu chí phân số lớn, giám sát, chủ động phát hiện, gắn và quy trách nhiệm cụ thể cho cơ quan quản lý báo chí hoạt động chuyên môn liên đới chịu trách nhiệm khi cơ quan báo chí vi phạm.
Bộ đã có các trung tâm lưu chiểu dữ liệu truyền thông số quốc gia, trung tâm xử lý tin giả, trung tâm bản quyền nội dung bắt đầu vận hành từ năm 2022.
Trước đó, báo cáo về công tác báo chí năm 2021, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cho biết, năm 2021, về cơ bản, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ, là diễn đàn tin cậy của nhân dân.
Báo chí đã chủ động, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, có nội dung thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội.
Theo ông Lâm, đến nay đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, đẩy mạnh triển khai xây dựng cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện; tạo điều kiện để báo chí, truyền thông phát triển “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ông Lâm cũng thừa nhận việc, xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, nhất là đối với các tạp chí điện tử trực thuộc Hội đã đạt được kết quả cụ thể nhưng đây vẫn còn là vấn đề gây dư luận xấu trong xã hội và báo giới.
Một số Hội Nhà báo các cấp chưa thực sự chủ động trong việc đưa ra những phán quyết về chuyên môn nghiệp vụ và xử lý kỷ luật hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, do đó chưa có tác dụng răn đe, ngăn ngừa, cảnh tỉnh những trường hợp vi phạm.