Chuyển đổi số: Doanh nghiệp vẫn loay hoay

Minh Sang – K.Lê 25/12/2021 07:30

Theo đánh giá của giới chuyên gia, ứng dụng chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid -19 gây ra. Tuy nhiên, vẫn nhiều doanh nghiệp chưa tham gia vào quá trình này.

Chuyển đổi số là nhân tố “sống còn”

Khảo sát của VCCI, chỉ trong vòng 6 tháng năm 2021, số doanh nghiệp (DN) chuyển đổi số đã bằng gần một nửa số DN thực hiện quá trình này trong nhiều năm trở lại đây. Đến nay, những DN còn lại cũng đã bắt đầu quan tâm đến chuyển đổi số. Tỷ lệ các DN lớn ứng dụng các công nghệ số cao hơn, tuy nhiên các DN nhỏ và vừa cũng đã dần bắt kịp kể từ khi Covid-19 xuất hiện.

Các DN đã ứng dụng công nghệ số vào các vấn đề như mua hàng, bán hàng, quản trị nội bộ, logistics, sản xuất và marketing. Trong đó, có các hoạt động như sử dụng thương mại điện tử, mạng xã hội, thanh toán điện tử, sử dụng các phần mềm quản lý nhân sự từ xa, quản lý chứng từ, kho hàng...

Dù vậy, theo kết quả khảo sát, vẫn còn nhiều rào cản khiến DN gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi số. Đơn cử như chi phí ứng dụng công nghệ số cao; thiếu cơ sở hạ tầng; sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân, DN; khó khăn trong thay đổi tập quán kinh doanh; khó khăn trong việc tích hợp các công cụ công nghệ thông tin; các quy tắc, quy định không phù hợp với số hoá; thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động...

Đề cập đến vai trò của chuyển đổi số tại diễn đàn về chuyển đổi số DN mới đây, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, quản lý cũng như tạo nên những giá trị mới trong quá trình phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó, chi phí vận hành, đặc biệt là chi phí nhân sự cũng được tối ưu hóa giúp tăng năng lực cạnh tranh và tỷ suất lợi nhuận. Các hoạt động chuyển đổi số bao gồm những việc như số hóa về quản lý kinh doanh, áp dụng công nghệ số để tự động hóa và tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ.

Sau một năm thực hiện Chương trình Hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025, ông Trung cho biết, đã có hàng triệu lượt tiếp cận các hoạt động, thông tin từ chương trình. Trong đó, gần 200.000 lượt tiếp cận được với các tài liệu hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; hơn 500 DN được đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số; khoảng 100 DN đang được hỗ trợ tư vấn chuyên sâu 1-1 để giải quyết những vấn đề cụ thể khi chuyển đổi số.

Tuy vậy, rào cản lớn nhất hiện nay vẫn là chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số. Ngoài ra còn khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh; thiếu nhân lực nội bộ và thông tin để ứng dụng công nghệ số. Sự cam kết, hiểu biết của ban lãnh đạo, quản lý DN cũng như người lao động còn chưa cao.

Chủ động nắm bắt cơ hội

Khẳng định chuyển đổi số là quá trình tất yếu của sự phát triển cách mạng 4.0 và đã phát huy tác dụng trong bối cảnh dịch Covid-19, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, các DN cần chủ động nắm bắt cơ hội chuyển đổi số thành công để không bị tụt hậu. Trong đó để chuyển đổi số toàn diện các DN cần thay đổi tư duy, nhận thức.

Đưa ra các giải pháp để hỗ trợ DN chuyển đổi số thành công, ông Nguyễn Đức Thuận- Phó Chủ tịch Hội các nhà Quản trị DN Việt Nam cho rằng, cần xây dựng hệ thống tài liệu để hướng dẫn các DN. Bên cạnh đó, hình thành hệ thống tổ chức điều phối mạng lưới để DN xây dựng chuyển đổi số. Hỗ trợ, đào tạo lại nhân lực khi tham gia chuyển đổi số. Khi tiến hành chuyển đổi số, DN cần có hệ thống chuyên gia để tư vấn.

Còn theo ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý DN, Bộ Thông tin và Truyền thông, để chuyển đổi số toàn diện, các DN cần thay đổi tư duy nhận thức, đồng thời tích cực tham gia nhiều chương trình hỗ trợ chuyển đổi số, cũng như định kỳ đánh giá, xác định đúng mức độ chuyển đổi số của DN để cập nhật kế hoạch và lộ trình trong giai đoạn tới.

Bên cạnh sự chủ động, thay đổi tư duy từ phía DN, PGS. TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp cho rằng, cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước bởi thực chất việc chuyển đổi số không đơn thuần đầu tư mua sắm thiết bị công nghệ mà là sự tổng hợp về phương thức quản lý, tổ chức của người quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp đó. Vì vậy cần có sự hỗ trợ từ ngành chức năng trong đó các chính sách hỗ trợ cần căn cứ trên cơ sở khảo sát, điều tra, nghiên cứu.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022 chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi sẽ tập trung hỗ trợ bắt đầu chuyển đổi số cho DN có quy mô nhỏ, những DN bắt đầu chuyển đổi số, ngân sách nhà nước dành một phần kinh phí từ 20 - 50 triệu đồng/doanh nghiệp/năm. Tăng tốc chuyển đổi số cho các DN đang tăng trưởng, hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/năm đối với các đối tượng DN vừa...

Minh Sang – K.Lê