Thú vị với 'Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời'

Phạm Sỹ 25/12/2021 11:40

Sáng 25/12, tại Hà Nội, lễ ra mắt chính thức cuốn sách “Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời” của tác giả Vũ Thế Long đã diễn ra trong một không gian sách nhỏ, trang trọng.

Theo đó, độc giả lần đầu tiên lắng nghe hành trình và nguồn cảm hứng của tác giả Vũ Thế Long quá trình hoàn thiện cuốn sách, cùng đó là rất nhiều chiêm nghiệm.

Cuốn sách “Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời”.

Những trang sách của "Người Hà Nội: chuyện ăn, chuyện uống một thời" tựa như ngược dòng thời gian về những năm đầu của thế kỷ 20, để hồi tưởng, để khám phá một thời, người Hà Nội đã ăn uống, chế biến và sáng tạo ẩm thực ra sao, đã “đối xử” thế nào (cự tuyệt, đón nhận, hay thậm chí “đồng hóa”) với những màu sắc ẩm thực mới lạ du nhập vào Thủ đô qua các luồng “di cư”, giao lưu Đông - Tây, Nam - Bắc...

Sự kết hợp giữa trải nghiệm cá nhân của một người sinh ra, lớn lên tại Hà Nội với sự tìm hiểu tỉ mỉ, kỹ càng của một nhà nghiên cứu từ những văn bản, hiện vật khảo cổ học đến tư liệu “sống” - là các cụ ông, cụ bà thế hệ trước đã đem đến cho độc giả một cuốn sách đầy ắp tư liệu mà vẫn sống động, vẫn rất “đời”, để chúng ta cảm nhận được “chiều sâu” của ẩm thực Hà Nội, của bản sắc văn hóa Hà Nội trong suốt thế kỷ 20 đầy biến động.

Tác giả Vũ Thế Long chia sẻ về thông điệp qua cuốn sách.

Điều đặc sắc của cuốn sách hướng tới sự bình thường, những thứ phổ biến. Chính cái bình thường đó là kết tinh của văn hóa ứng xử. Qua đó cho thấy lịch sử đời tư của tác giả. Ở trong đó còn có lịch sử của Hà Nội trong 100 năm qua.

Qua cuốn sách tác giả Vũ Thế Long muốn thể hiện tình yêu với Hà Nội. Bởi theo ông, tình yêu Hà Nội không chỉ là màu vàng mùa thu mà tình yêu Hà Nội còn trong mỗi bữa ăn, trong những đau khổ khốn khó của con người đã vượt qua những năm bom đạn hay trong những năm bao cấp.

Nghĩ lại những ngày đó để hiểu được chúng ta có ngày hôm nay phải gìn giữ và phát huy như nào. Thời bao cấp khổ như thế nhưng mọi người vẫn cố gắng giữ lại những giá trị vốn có. Ông kể bằng cách chân thành, đó là nỗi tương tư của tác giả với chính quê hương của mình.

“Tôi liều viết về chuyện ăn, chuyện uống của người Hà Nội vì cứ chủ quan nghĩ rằng đã là người Hà Nội thì thế nào cũng viết được. Cầm bút lên mới thấy bí. Ngay định nghĩa thế nào là người Hà Nội cũng đã bí rồi. Đâu cứ phải sống lâu ở Hà Nội hay tổ tiên gốc gác nhiều đời ở Hà Nội thì mới là người Hà Nội. Ngày nay, người Hà Nội nói đủ loại giọng đổ về từ khắp mọi miền.

Họ là những người Hà Nội mới, dân mới nhập cư; cũng như cụ kỵ tôi từ đời tằng tổ là lớp người di cư đến sống ở Thăng Long từ mấy trăm năm trước. Các cụ cũng chính là lớp dân "Hà Nội mới" của cái thời ấy. Trải qua nhiều thế hệ, con cái những người Hà Nội mới và chính bản thân họ cũng tự Hà Nội hóa, hoặc gắng Hà Nội hóa để trở thành cư dân của đất kinh kỳ, của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Họ học hỏi, hòa đồng với người Hà Nội gốc và đóng góp thêm vào những nét văn hóa mới mà trước đó chưa từng có ở Hà Nội”, tác giả Vũ Thế Long chia sẻ.

Phạm Sỹ