Mở cửa du lịch 'không tô hồng' cũng 'không bôi đen'
Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL nhấn mạnh tại hội thảo du lịch 2021 “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển” được tiếp tục tổ chức vào chiều ngày 25/12. Tham dự hội thảo có ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và hơn 3.000 đại biểu tại nhiều điểm cầu trên cả nước.
Sau khi Chính phủ có Nghị quyết 128 về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, cũng là lúc ngành du lịch phục hồi, mở cửa. Tuy nhiên, những yêu cầu đặt ra trong tình hình mới cần phải được xem xét kỹ lưỡng vì tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp.
Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đối với đời sống của nhân dân, nhất là người lao động, người nghèo, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn kinh tế trọng điểm và du lịch nằm trong số các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
“Tuy nhiên, đứng trước đại dịch Covid-19, chúng ta cũng nên thực hiện phương châm “không tô hồng” nhưng cũng “không bôi đen” thực trạng với tinh thần “nhìn lại để tiến xa hơn”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu Bộ VHTTDL trong năm 2021, lượng khách du lịch nội địa đạt 40 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 180.000 tỷ đồng. Tuy nhiên so với năm 2020 chỉ bằng 57%.
“Thậm chí, hiện nay, lượng doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép. Cùng với đó, hiện chỉ còn khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trên toàn quốc, trong đó rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang đóng cửa hoặc dừng hoạt động”, ông Hùng nêu khó khăn.
Điều này cũng được ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, bởi muốn phục hồi du lịch là phải mở cửa đất nước, mở cửa hàng không, không thể cách ly với khách, nếu cách ly không ai đến. Tránh tính trạng tại các địa phương có tình trạng “ông chẳng bà chuộc”, khách đến rồi không đi được, thậm chí không về được.
Đồng tình với việc mở cửa, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Viettravel cho biết, doanh nghiệp du lịch rất cần biết về chính sách tổng thể đồng bộ về chống dịch trong 2022. Bởi vừa qua, có mở cửa nhưng không đồng bộ, làm doanh nghiệp lúng túng trong việc kinh doanh.
Tại hội nghị nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải mở cửa để đón khách. Tuy nhiên, cần có giải pháp đồng bộ từ ban ngành và các địa phương. Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn mở được, phải đồng bộ các ngành Ngoại giao, Y tế, Giao thông.
Đồng thời cũng phải nhất quán với các địa phương, để khách đến nơi này, khi có nhu cầu sang địa phương khác thì cũng sẽ được tạo điều kiện.
Mặc dù là một trong những ngành bị tác động nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua, nhưng du lịch là một trong những ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất sau đại dịch nếu có chiến lược và sự chuẩn bị đúng đắn.
Hơn nữa, khi du lịch được phục hồi sẽ tạo ra tác động lớn, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều quốc gia trên thế giới đã sớm có chính sách, biện pháp để mở cửa, phục hồi du lịch. Việt Nam cần nhanh chóng đón bắt xu thế này, tránh lỡ nhịp với thế giới cũng như sức bật của lực cầu trong nước.
Với các địa phương, việc mở cửa du lịch là cần thiết. Tuy nhiên, ngoài vấn đề dịch bệnh thì những chính sách, cơ chế… cần thông thoáng.
Vấn đề này, ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét ban hành chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, về đầu tư cho các doanh nghiệp có đóng góp trực tiếp cho công tác bảo vệ và phát triển di sản văn hóa gắn với hoạt động du lịch.
“Cùng với đó, sớm có cơ chế, chính sách và quy định hướng dẫn cụ thể về mô hình hợp tác công tư, nhà nước làm gì, doanh nghiệp làm gì, cơ chế điều tiết các nguồn thu như thế nào để đảm bảo lợi ích của các bên”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, đại điện lãnh đạo TP Đà Nẵng cho rằng, đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành quan tâm: Chính sách về môi trường đầu tư kinh doanh; chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp; chính sách phục hồi sức mua, phục hồi đầu tư; chính sách phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động.
Trong khi đó, với vai trò địa phương chủ nhà, phát biểu tại hội thảo, ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An xác định du lịch là ngành kinh tế có nhiều thế mạnh và được ưu tiên tập trung đầu tư, hướng tới trở thành “trung tâm du lịch vùng Bắc Trung bộ”.
Những năm gần đây, ngoại trừ thời gian bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, ngành du lịch Nghệ An đã có những bước phát triển đúng hướng, phát huy hiệu quả các giá trị di sản, danh lam, thắng cảnh của quê hương, các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, độc đáo, có chất lượng hơn. Hạ tầng du lịch như sân bay, cơ sở lưu trú, nhà hàng, trung tâm thương mại phát triển mạnh, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
“Cùng với thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò, mạng lưới du lịch đã hình thành ở hầu hết các huyện, thành, thị, nổi bật như ở Nam Đàn, Thanh Chương, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong... Trên thực tế, ngành du lịch đã và đang đóng góp rất quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu ngân sách của tỉnh, cải thiện chất lượng đời sống người dân”, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, liên quan tới chủ đề này, đã có nhiều cuộc hội thảo, hội nghị để bàn giải pháp phục hồi ngành du lịch.
Tuy nhiên, cuộc hội thảo hôm nay có ý nghĩa đặc biệt hơn khi hội tụ rất nhiều các ý kiến, sáng kiến, giải pháp tâm huyết, có lý luận khoa học và thực tiễn từ các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, và đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu, nghiên cứu sâu sắc về lĩnh vực này và các lĩnh vực liên quan.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng mong muốn, tiếp tục làm rõ hơn mối quan hệ của Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội chung của cả nước với các chương trình, kế hoạch, định hướng phục hồi, phát triển du lịch.
Đồng thời, kiến nghị những giải pháp, chính sách, nhất là các chính sách về bảo đảm phòng chống dịch để mở cửa an toàn; chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi, phát triển du lịch; các chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới.