Mục tiêu thông suốt cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025
Mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, vận tải, thi công hạ tầng, song năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải vẫn là một trong đơn vị dẫn đầu cả nước về giải ngân, tăng tốc thực hiện dự án trọng điểm quốc gia cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 đúng tiến độ Chính phủ giao.
Tại hội nghị của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ngày 25/12, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh: 11 dự án cao tốc giai đoạn một đã được Quốc hội thông qua năm 2017, nhưng phải mất đến 4 năm ngành giao thông mới hoàn thành thủ tục đầu tư và khởi công. Nếu với tốc độ như vậy thì “khi kết thúc nhiệm kỳ 2020-2025, mới chỉ khởi công được 12 dự án Bắc Nam sắp tới chứ không thể hoàn thành”.
Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT cần có giải pháp đổi mới thủ tục đầu tư, bố trí nhân lực để xây dựng kế hoạch, hoàn thành thủ tục khởi công các dự án nêu trên trong năm tới, nếu gặp vướng mắc gì cần trình Chính phủ tháo gỡ kịp thời. Đây là nhiệm vụ quan trọng để thông suốt toàn tuyến cao tốc Bắc Nam vào năm 2025.
Được biết, 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 dài 729 km dự kiến đầu tư bằng ngân sách và sẽ được trình Quốc hội xem xét thời gian tới.
Cùng với các tuyến cao tốc nhánh xương cá dài 800 km, đây là tiền đề hoàn thành mục tiêu đến 2025 hoàn thành tuyến cao tốc Bắc Nam dài 2.063 km, đạt tổng số 3.000 km đường cao tốc trên toàn quốc. “Gần 20 năm qua ngành giao thông mới hoàn thành được 1.200 km. 4 năm tới phải hoàn thành 1.800 km, đây là thách thức lớn dù đã có nguồn lực”, Phó thủ tướng đánh giá.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng ghi nhận nỗ lực của ngành giao thông năm qua khi triển khai 11 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1. Công tác giải phóng mặt bằng 5.000 ha đã đạt 99%. Tiến độ thi công các dự án này hiện cơ bản đạt yêu cầu. Hiện tuyến cao tốc Bắc Nam từ cửa khẩu Hữu Nghị đến Cà Mau đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km (11 dự án), còn lại 729 km (chia làm 12 dự án).
Tại hội nghị, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, năm 2021, Bộ GTVT được giao khoảng 43.000 tỷ đồng. Cũng trong năm này, các kế hoạch triển khai thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều công trình trọng điểm nằm ở vùng dịch phong tỏa đã gặp khó khăn. Song ngành GTVT đã nỗ lực trong công tác giải ngân, triển khai các dự án triển khai đảm bảo chất lượng…
Ông Huy cho biết, năm 2022, Bộ GTVT được Thủ tướng chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn lớn nhất từ trước đến nay, lên đến hơn 50.000 tỷ đồng với nhiều dự án lớn được triển khai.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng khẳng định, mặc dù năm 2021 bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19, nhưng Bộ GTVT là một trong những bộ, ngành đầu tiên trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch giao thông 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa, hàng hải làm cơ sở triển khai thống nhất trên toàn quốc.
Đáng chú ý, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành, bàn giao cho TP Hà Nội đưa vào vận hành, khai thác, là công trình đường sắt đô thị đầu tiên trong cả nước được đưa vào sử dụng, có ý nghĩa trong việc thay đổi thói quen tham gia giao thông công cộng, giảm ùn tắc, giúp hạn chế phương tiện cá nhân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Cùng với các tỉnh thành trên cả nước, báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư các tuyến đường, công trình giao thông khung kết nối khu vực đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh: Sóc Sơn; Sơn Tây; Hòa Lạc; Xuân Mai; Phú Xuyên; Đồng thời kết nối Thủ đô với các tỉnh, thành thuộc vùng thủ đô, thông qua các tuyến đường hướng tâm: QL1A, QL3, QL6, QL21; QL21B...
Cụ thể là các trục: Tây Thăng Long, Ngọc Hồi - Phú Xuyên, đường trục phía Nam; các đường vành đai gồm: Vành đai 3.5, Vành đai 4 và vành đai 5; hệ thống cầu vượt sông gồm: Tứ Liên, Hồng Hà, Mễ Sở (Vành đai 4); cầu Đuống 2 (trên QL1A cũ)…
“Tuyến Vành đai 4 được hình thành sẽ có ý nghĩa rất quan trọng góp phần cải thiện giao thông quá cảnh trong giai đoạn trước mắt để thay thế cho Vành đai 3 và cầu Thanh Trì đang quá tải”, ông Tuấn chia sẻ. Hà Nội cũng sẽ đầu tư các nút giao thông trọng điểm giao cắt giữa đường hướng tâm và đường vành đai; Các nút giao thông trọng yếu; Các tuyến được trục chính đô thị, liên khu vực, có tính kết nối.
Đối với đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt đô thị, ông Tuấn cho biết, Cùng với việc hoàn thành, khai thác tuyến Nhổn - ga Hà Nội, thành phố sẽ chuẩn bị đầu tư, khởi công thêm 3 tuyến đường sắt đô thị khác trong 5 năm tới. Thành phố sẽ tiếp tục hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường sắt đô thị thí điểm số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội).