Giám sát, phản biện bước đột phá trong hoạt động Mặt trận

PHƯƠNG NGUYÊN 26/12/2021 08:30

Giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền luôn là một khâu quan trọng trong hoạt động của Mặt trận tỉnh Lạng Sơn. Trong quá trình thực hiện các hoạt động, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, đưa các hoạt động giám sát gắn với thực tiễn cuộc sống; trở thành bước đột phá trong công tác Mặt trận.

Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Với việc chú trọng đổi mới các hoạt động giám sát và phản biện, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã góp phần hoàn thiện các chủ trương, chính sách của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, đảm bảo các chủ trương, chính sách được ban hành đáp ứng yêu cầu, gắn với thực tiễn, hợp lòng dân, tạo đồng thuận xã hội rộng lớn.

Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết, từ năm 2020 đến nay, có gần 10 dự thảo văn bản do Sở tham mưu xây dựng đã được đưa ra phản biện nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Tại các hội nghị phản biện, Sở đã nhận được nhiều ý kiến có giá trị từ các chuyên gia, các nhà khoa học và nhân dân để bổ sung, chỉnh sửa văn bản cho phù hợp trước khi ban hành. Nhờ có những đóng góp tâm huyết, sâu sắc đó mà các đề án khi đi vào thực tiễn đã đáp ứng ngay được nguyện vọng của nhân dân.

“Đơn cử, sau khi nhận được các ý kiến phản biện về Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Đền Tả Phủ” thành phố Lạng Sơn, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch đã có báo cáo số 142, ngày 24/6/2021 về giải trình, tiếp thu các ý kiến. Hay như về tên gọi “Nghi lễ đốt pháo”, có ý kiến đề nghị điều chỉnh thành “Nghi lễ tranh cướp đầu pháo”, Sở tiếp thu và nghiên cứu chỉnh sửa cho phù hợp, đảm bảo theo nguồn gốc giá trị vốn có của nghi lễ này từ xưa đến nay.

Đối với các ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ, trong quá trình triển khai đề án, Sở đã nghiên cứu, xem xét, thống nhất lược bỏ những phần chưa có cơ sở khoa học, thực tiễn, thiếu tính khả thi; bổ sung phương hướng, giải pháp, các chương trình, hoạt động, dự án thành phần theo lộ trình…”, ông Hòa chia sẻ.

Ở góc độ khác, bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn lại cho rằng, thực hiện nhiệm vụ mà UBND tỉnh giao, thời gian qua, Sở cũng đã tham mưu xây dựng các dự thảo văn bản về chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực nông, lâm nghiệp, nông thôn. Trong đó, nhiều dự thảo đã được cấp có thẩm quyền của tỉnh lựa chọn để từ đó Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức các hội nghị phản biện xã hội.

Đến nay, đã có 3 dự thảo do Sở tham mưu xây dựng đã được Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội thành công.

Gần đây nhất là hội thảo phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết “Quy định khu vực nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”, tổ chức đầu tháng 10/2021. Tại hội thảo, các đại biểu đều tán đồng với dự thảo nhưng bổ sung thêm một số nội dung cho phù hợp để vừa không gây khó khăn cho người chăn nuôi, nhưng cũng đảm bảo chất lượng cuộc sống cho bà con nhân dân trong khu vực.

Để góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động giám sát và phản biện xã hội tại cơ sở, ông Mai Xuân Tú, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đình Lập cho biết, trước mỗi hội nghị phản biện, MTTQ các cấp đều yêu cầu cung cấp dự thảo văn bản để nghiên cứu rồi từ đó lựa chọn các nội dung phản biện trước khi ban hành.

Để góp phần nâng cao chất lượng cán bộ tham gia phản biện, MTTQ huyện cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn rồi tham khảo cách làm của huyện bạn, tỉnh bạn để từ đó rút kinh nghiệm cho địa phương mình nhằm giúp cấp uỷ, chính quyền đưa ra các chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án đúng đắn, hiệu quả.

Công cụ để thực hiện dân chủ cơ sở

Từ nhiều năm nay, các hoạt động giám sát, phản biện xã hội chính là những “công cụ” quan trọng để MTTQ đại diện cho nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, từ năm 2019 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức phản biện xã hội đối với hơn 30 dự thảo văn bản liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhân dân và sự phát triển của tỉnh.

Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã cũng đã tổ chức phản biện xã hội đối với gần 20 dự thảo các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền cùng cấp. Thông qua các hội nghị phản biện, các đại biểu đã đóng góp gần 300 ý kiến đối với dự thảo các văn bản.

Điển hình, đó là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với “Dự thảo phương án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Dự thảo cho thấy, việc phát triển thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh là một chủ trương lớn của tỉnh Lạng Sơn để nâng cao chất lượng hưởng thụ văn hóa của nhân dân, giúp đồng bào các dân tộc có điều kiện gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Việc xây dựng những thiết chế này đòi hỏi kinh phí khá lớn, cần có kế hoạch đầu tư, huy động vốn hợp lý.

Do đó, để đảm bảo dự án khả thi, phù hợp với thực tế cần có kế hoạch triển khai, góp ý một cách bài bản. Mục tiêu đưa ra là xây dựng hoàn thiện, đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, 100% các thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh được đầu tư xây dựng, nâng cấp; 55% thiết chế trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thông, thư viện cấp huyện được đầu tư xây dựng, hoàn thiện, đạt tiêu chuẩn theo quy định…

Chia sẻ hiệu quả các hoạt động giám sát và phản biện xã hội trên địa bàn tỉnh, ông Nông Dương Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn cho biết, các hoạt động phản biện xã hội là một trong những hoạt động quan trọng của MTTQ các cấp.

Để tổ chức tốt các hội nghị phản biện, MTTQ đã xây dựng nội dung, kế hoạch, yêu cầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo gửi dự thảo văn bản và thông tin, tài liệu cần thiết, mời các tổ chức thành viên, các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia góp ý vào dự thảo.

Trong quá trình thực hiện các bước cũng như các quy trình phản biện xã hội được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Các hội nghị phản biện xã hội đã tạo sự đồng thuận xã hội rộng lớn, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

“Thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân, phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội; xây dựng và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở… từ đó nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh, để các hoạt động Mặt trận ngày càng đáp ứng được yêu cầu của nhân dân”, ông Sơn chia sẻ.

PHƯƠNG NGUYÊN