Thúc đẩy tiêu thụ nông sản
Kinh doanh online nông sản được xem là hướng đi đầy tiềm năng và là giải pháp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ, tiêu dùng nội địa. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đây được coi là giải pháp mới cho đầu ra của nông sản.
Nguồn cung tăng
Chia sẻ về nhu cầu tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản, ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Vĩnh Long có đa dạng loại sản phẩm nông sản như cây có múi, khoai lang, cá tra, thủy sản lồng bè…
Về sản phẩm cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tỉnh Vĩnh Long có những sản phẩm nổi trội có thể cung cấp và mong muốn kết nối tiêu thụ, cụ thể: Bưởi năm roi và bưởi da xanh khoảng 400 tấn; dưa hấu 8.000 tấn; dưa lưới 20 tấn; các loại rau củ quả hơn 3.000 tấn; hành lá 2.000 tấn; cá diêu hồng hơn 100 tấn. Vùng chuyên canh khoai lang hàng năm khoảng 14.000 ha, có thể cung cấp 400.000 tấn khoai thương phẩm…
Tương tự tại Đồng Tháp, ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho biết, tỉnh đã chuẩn bị nhiều loại hoa quả như xoài, quýt, nhãn, mít, chanh cho dịp Tết. Cụ thể, tỉnh đã rải vụ và dự kiến tổng sản lượng hoa quả trong các tháng 12/2021, 1và 2/2022 lần lượt là: 19.000 tấn, 22.000 tấn, và 35.000 tấn. Bên cạnh hoa quả, Đồng Tháp còn chuẩn bị nhiều loại rau, củ, với sản lượng lên tới hơn 3.000 tấn.
Đề cập đến nguồn cung nông sản trong dịp Tết nguyên đán, ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT cho biết, nguồn cung các sản phẩm nông sản nói chung trong dịp Tết Nguyên đán tăng hơn so với năm ngoái, cụ thể: Lúa, gạo đạt 43,86 triệu tấn (tăng 2%), thịt các loại 6,2 triệu tấn (tăng 14,8%), trứng 16 tỷ quả (tăng 10%), thủy sản 8,73 triệu tấn (tăng 1%), rau 1,8 triệu tấn (tăng 1,7%), đậu các loại tăng 4%...
Chủ động kết nối
Theo ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu mua sắm hàng hóa, nhu yếu phẩm, đặc biệt là hàng nông đặc sản của người tiêu dùng rất lớn. Tại hầu hết các địa phương, bà con nông dân đã chủ động trong sản xuất, chế biến hàng hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc lưu thông cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng qua các kênh truyền thống gặp nhiều khó khăn và còn khó khăn hơn nữa đó là tình trạng ùn ứ số lượng lớn hàng hóa, nông thủy sản tại các cửa khẩu liên thông với thị trường Trung Quốc. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ, tiêu dùng nội địa trong thời điểm hiện nay là hết sức cấp thiết. Đây cũng là cơ hội để các tỉnh, thành phố giới thiệu về tiềm năng và năng lực của mình trong lĩnh vực nông nghiệp, xúc tiến thu hút đầu tư phát triển ngành nông nghiệp của địa phương” – ông Hồ nói.
Theo Bộ NN&PTNT nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán trung bình tăng từ 15-20% tùy từng sản phẩm. Thị trường trong nước có dư địa rất lớn trong dịp Tết Nguyên đán, tạo nhiều cơ hội cho các đơn vị có thể quảng bá, tiêu thụ sản phẩm với giá thành tốt nhất. Do đó, các địa phương nên có phương án chủ động kết nối, thông tin rộng rãi để công tác tiêu thụ đạt được giá trị cao nhất.
Điển hình như tại Hà Nội, theo Sở NN&PTNT từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm của thành phố tăng từ 10-20%. Ngoài lượng nông sản, thực phẩm do thành phố tự sản xuất, cần một lượng lớn sản phẩm, dự kiến trên 110.000 tấn gạo; 130.000 tấn rau, củ; 112.000 tấn trái cây, 28.000 tấn thủy sản; hơn 12.000 tấn thịt bò; hơn 12.000 tấn thực phẩm chế biến...
Trong khi, hiện nay, nguồn cung của hầu hết các sản phẩm nông sản trên địa bàn thành phố chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu tiêu dùng của trên 10 triệu dân. Hoạt động sản xuất nông nghiệp mới cơ bản đáp ứng nhu cầu các sản phẩm thịt lợn, thịt gia cầm, trứng. Một số sản phẩm khác như gạo mới đáp ứng được 60%, thịt bò đáp ứng 20%, thực phẩm chế biến 19%, rau củ quả 58%, trái cây 29%, thủy sản 53% so với nhu cầu.
Để có thể tận dụng được cơ hội tiêu thụ từ thị trường trong nước trong dịp Tết nguyên đán theo các chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp như hiện nay, việc bán hàng online vẫn là giải pháp tối ưu giúp các doanh nghiệp, HTX và người dân vừa tiết kiệm được chi phí vừa quảng bá sản phẩm của mình tới đông đảo người tiêu dùng một cách dễ dàng, thuận lợi.
Tuy nhiên, làm thế nào để kinh doanh nông sản online hiệu quả, chuyên nghiệp không hề đơn giản. Bởi thực tế, tình trạng được mùa rớt giá vẫn xảy ra. Nguyên nhân do chưa làm tốt công tác xúc tiến thương mại, việc tìm kiếm và nghiên cứu thị trường, nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu, mẫu mã sản phẩm và sản xuất còn manh mún nhỏ lẻ.
“Kinh doanh online với nông sản là hướng đi đầy tiềm năng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản từ hệ thống nền tảng, thiết bị, hệ thống kết nối internet cũng như các dịch vụ hậu cần từ vận chuyển, kho bãi, lưu thông hàng hóa cho tới xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, phân phối. Để kinh doanh nông sản online hiệu quả, chuyên nghiệp thì rất cần sự vận dụng kinh nghiệm từ chuỗi kinh doanh truyền thống kết hợp với ứng dụng công nghệ”- bà Nguyễn Thị Lê Na, Sáng lập và điều hành Công ty cổ phần nông nghiệp sinh thái EcoVi đề xuất.